Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Toàn tỉnh đã xử lý thu hồi được 3.334 ha. So với tổng diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng sai mục đích phải xử lý là 4.477 ha thì diện tích đã thu hồi đạt được gần 75%.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích (gọi tắt là BCĐ 1070), trong tháng 7 năm 2011 các địa phương trên địa bàn tỉnh đã vận động thêm 83 hộ dân bao chiếm đất lâm nghiệp tự nguyện chặt bỏ cây trồng không đúng mục đích với diện tích 218,5 ha. Cũng trong tháng 7, các địa phương ban hành thêm 23 quyết định xử lý vi phạm hành chính với diện tích 62,7 ha và 12 quyết định cưỡng chế với diện tích 42,7 ha.
Tính từ đầu năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã vận động thêm gần 200 hộ dân bao chiếm đất lâm nghiệp tự nguyện chặt bỏ cây trồng không đúng mục đích với diện tích 530 ha. Đồng thời, các địa phương đã ban hành 68 quyết định xử lý vi phạm hành chính với diện tích hơn 163 ha và 49 quyết định cưỡng chế với diện tích hơn 140 ha. Như vậy, từ khi triển khai thực hiện Quyết định 875 vào giữa năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã vận động hơn 1.300 hộ dân đăng ký cam kết phá bỏ cây trồng không đúng mục đích với diện tích hơn 3.150 ha. Trong đó, đã có gần 1.100 hộ tự nguyện chặt bỏ 2.683 ha các loại cây cao su, điều, cây ăn trái và cây nông nghiệp hằng năm để chuyển sang trồng rừng theo quy định. Bên cạnh đó, đối với các hộ cố tình kéo dài, trong 2 năm qua các huyện ban hành gần 600 quyết định xử lý vi phạm hành chính với diện tích hơn 1.683 ha và ban hành 220 quyết định cưỡng chế với diện tích gần 743 ha đất bao chiếm.
![]() |
Đất bao chiếm đã xử lý, thu hồi đưa vào trồng rừng |
Thống kê kết quả xử lý đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng sai mục đích từ khi triển khai Quyết định 875 của UBND tỉnh từ tháng 6 năm 2009 đến tháng 7 năm 2011, BCĐ 1070 cho biết về diện tích, toàn tỉnh đã xử lý thu hồi được 3.334 ha. So với tổng diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng sai mục đích phải xử lý là 4.477 ha thì diện tích đã thu hồi đạt được gần 75%. Đây là kết quả của sự nỗ lực của các cấp, các ngành liên quan và các chủ rừng trong hơn 2 năm qua. Trong đó, huyện Tân Biên đạt tỷ lệ xử lý đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng không đúng mục đích cao nhất trong tỉnh- đến nay toàn huyện đã xử lý, thu hồi 1.126 ha, đạt tỷ lệ hơn 93% tổng diện tích phải xử lý. Huyện Tân Châu tuy đạt tỷ lệ thấp hơn, nhưng tổng diện tích đã xử lý thu hồi lại cao nhất- đến tháng 7 năm nay Tân Châu đã xử lý thu hồi được 1.336 ha, đạt tỷ lệ hơn 65%. Riêng các huyện có rừng còn lại và thị xã Tây Ninh có diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm không nhiều và trong thời gian qua đã tích cực xử lý đạt tỷ lệ khá cao.
Từ diện tích đất lâm nghiệp bao chiếm được xử lý thu hồi ngày càng nhiều, công tác thiết kế trồng rừng cũng ngày càng tăng theo. Từ giữa năm 2009 đến nay, trên đất bao chiếm đã xử lý, các dự án rừng đã tiến hành trồng được 2.262 ha rừng. Trong đó, huyện Tân Châu trồng được 970 ha, huyện Tân Biên trồng được 778 ha, huyện Châu Thành trồng được 311 ha, huyện Dương Minh Châu trồng được 88 ha và thị xã Tây Ninh trồng được 115 ha. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, các Ban quản lý rừng đã thiết kế đất trồng rừng được 745 ha, vượt kế hoạch trồng mới rừng 45 ha. Trong đó, đến cuối tháng 7 các dự án rừng đã triển khai trồng được gần 450 ha, đạt 64% diện tích kế hoạch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của BCĐ 1070, trong 7 tháng đầu năm 2011, tiến độ thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh vẫn còn chậm so với kế hoạch. Từ nay đến cuối năm 2011- chỉ còn 5 tháng nữa trong khi đó phần diện tích còn lại phải xử lý vẫn còn đến 1.143 ha, trong đó phần lớn là diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày và một số diện tích cây cao su, cây ăn trái. Để có thể cơ bản hoàn thành mục tiêu xử lý tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp vào cuối năm, BCĐ 1070 chỉ đạo các địa phương tiếp tục vận động người dân chấp hành chủ trương giải quyết của UBND tỉnh, xử lý dứt điểm các trường hợp đã cam kết nhưng không thực hiện, đồng thời kiên quyết cưỡng chế các trường hợp cố tình kéo dài thời gian thực hiện. Đặc biệt là các chủ rừng phải triển khai trồng rừng trên đất lâm nghiệp bao chiếm đã xử lý, thu hồi, không để đất trống để phòng ngừa trường hợp dân tái lấn chiếm tiếp tục trồng cây nông nghiệp ngắn ngày sẽ phát sinh nhiều phức tạp. Đồng thời, từ nay đến cuối năm các địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác xử lý nhà, chòi cất trái phép trên đất lâm nghiệp, lập phương án di dời và triển khai thực hiện để trả lại đất trồng rừng. Riêng đối với các trường hợp cấp sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đất lâm nghiệp, các địa phương tiếp tục xác minh và thu hồi.
Sơn Trần