BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đến giữa tháng 7.2009: Đã có 17 hộ chặt bỏ 35,7 ha cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp

Cập nhật ngày: 22/07/2009 - 04:30

Hộ dân tự nguyện chặt bỏ cây cao su ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu

Sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 875/KH-UBND về giải quyết tình trạng bao chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, tính đến giữa tháng 7.2009, đã có 126 hộ tham gia đăng ký cam kết thực hiện phá bỏ cây trồng không đúng mục đích để chuyển sang trồng rừng. Trong đó ở huyện Tân Châu có 107 hộ và huyện Dương Minh Châu 19 hộ. Thực tế con số này có thể cao hơn vì huyện Tân Biên cũng có hộ cam kết nhưng chưa thống kê báo cáo.

Đặc biệt, cho đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 17 hộ vi phạm tự nguyện chặt bỏ 35,7 ha cây trồng sai mục đích. Cụ thể ở huyện Tân Biên có 14 hộ chặt bỏ 33,7 ha cây điều và cây trồng ngắn ngày để hợp đồng trồng lại hơn 25,1 ha rừng; huyện Tân Châu có 3 hộ tự nguyện chặt bỏ 2 ha cây cao su và ngay sau khi chặt đã thực hiện trồng lại rừng. Tính theo đơn vị dự án rừng thì ở Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò- Xa Mát có 7 hộ tự nguyện chặt bỏ 12,2 ha cây điều để trồng lại hơn 11 ha rừng. Ở Khu rừng VH-LS Chàng Riệc cũng đã có 7 hộ tự nguyện chặt bỏ 21,5 ha cây trồng sai mục đích, trong đó có 7,5 ha cây điều và 14 ha cây trồng ngắn ngày để tiến hành trồng rừng theo quy định. Đây là những hộ dân đầu tiên tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích theo Kế hoạch 875 của UBND tỉnh.

Với tinh thần tự giác chấp hành luật pháp của các hộ vi phạm, Ban chỉ đạo giải quyết tình trạng bao chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích (BCĐ 1070) đã biểu dương những hộ tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích, đồng thời khuyến khích các hộ chưa thực hiện tự giác chấp hành.

Cũng tính đến giữa tháng 7, UBND huyện Tân Biên đã ban hành 7 quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, nhưng đến nay đã quá thời hạn quy định mà các hộ vi phạm vẫn không chấp hành. VQG Lò Gò- Xa Mát đã có công văn đề nghị UBND huyện Tân Biên ra quyết định cưỡng chế để đưa diện tích này vào trồng rừng theo kế hoạch năm 2009.

Hiện nay, UBND huyện Tân Châu có kiến nghị UBND tỉnh và BCĐ 1070 cho dời thời hạn chặt bỏ cây cao su đang khai thác và các cây mía, lúa trồng trên đất trảng đến thời điểm đầu năm 2010 vì dù có giải toả cũng chưa thể trồng lại rừng được trong năm nay. Còn huyện Dương Minh Châu thì kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương xử lý riêng diện tích đất rừng bị bao, lấn chiếm ở Khu rừng Văn hoá- Lịch sử thuộc địa bàn xã Phước Ninh.

S.T


 
Liên kết hữu ích