Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
An toàn thực phẩm mùa tết:
Đến hẹn… lại lo
Thứ tư: 07:34 ngày 15/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá và thực phẩm của người dân ngày càng tăng cao, cũng là lúc các mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc len lỏi, trà trộn vào thị trường.

Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra thực phẩm tết tại một cửa hàng Bách Hoá Xanh ở thành phố Tây Ninh.

Cẩn trọng với kẹo, mứt tết không rõ nguồn gốc

Bánh kẹo, mứt tết là mặt hàng không thể thiếu trong dịp Tết. Tại các chợ trên địa bàn tỉnh, khu bánh kẹo được trưng bày bắt mắt, nhất các sản phẩm kẹo với đủ loại, hương vị, kiểu dáng độc đáo, màu sắc rực rỡ. Hầu hết những loại kẹo này là không được đựng trong bao bì, túi, mà được đổ vào các rổ nhựa để khách hàng dễ chọn lựa.

Qua quan sát, trên vỏ một số loại kẹo không ghi đầy đủ các thông tin cần thiết như nơi sản xuất, hạn sử dụng, thành phần. Người bán hàng giải thích: “Tất cả các loại kẹo đều đựng trong bao bì, có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Để dễ bán lẻ và người mua có thể chọn, lựa, thử thoải mái, cho nên chúng tôi mới đổ ra ngoài rổ”. Tuy nhiên, nhìn những gói kẹo nhỏ với nhãn mác như thế, người tiêu dùng không thể xác định chúng được sử dụng đến thời điểm nào.

Năm nào cũng vậy, vào dịp tết, thị trường mứt tết trở nên sôi động. Ngoài những loại mứt truyền thống, năm nay tại chợ còn xuất hiện mứt trái cây cao cấp như kiwi, hồng dẻo, nho, thơm, dâu… Tại chợ Long Hoa, các loại mứt này có giá bán khá rẻ, chỉ từ 90.000 đồng /ký đến 200.000 đồng/ký tuỳ loại. Theo chủ hàng, nếu lấy sỉ thì mỗi loại sẽ giảm giá thêm, mua càng nhiều giá càng rẻ.

Đa phần các loại mứt trái cây này có màu sắc rất sặc sỡ, khác thường. Đề cập đến nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng của những loại mứt trái cây, các chủ hàng đều khẳng định chúng có hạn dùng rất dài, để từ nay qua Tết vẫn không hư hỏng. Để thu hút khách hàng, các loại mứt được đựng trong các khay nhựa, hũ thuỷ tinh, nhiều nơi không che đậy kỹ càng.

Chị Nguyễn Thị Dương, ngụ tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh cho biết, cách đây một tuần chị đi mua sắm tết, và bị cuốn hút bởi các loại mứt trái cây độc, lạ. Vậy là, chị mua một vài loại mứt trái cây về ăn thử. Tuy nhiên, chị chỉ ăn được vài miếng, rồi đành phải bỏ hết vì các loại mứt này có vị khá lạ, rất ngọt, đậm, không giống như vị ngọt tự nhiên của trái cây lời theo quảng cáo.

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14.4.2017 của Chính phủ về nhãn hàng hoá quy định, hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung trên nhãn gốc.

Thế nhưng, trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng thực phẩm có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tại các chợ trong tỉnh vào thời gian này, có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều loại bánh kẹo nhập từ nhiều nước. Đáng quan tâm là một số loại bánh kẹo nhập trên bao bì, không có nhãn mác phụ bằng tiếng Việt. Điều này khiến người tiêu dùng lúng túng về thông tin sản phẩm, hoài nghi về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Cẩn thận thực phẩm tết Online

Thời điểm này, tại các chợ online không khí mua sắm tết cũng diễn ra nhộn nhịp. Với ưu điểm nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, sắm tết qua mạng trở thành lựa chọn của nhiều người. Đặc biệt, dòng thực phẩm tết “nhà làm” khá được ưa chuộng.

Dạo quanh các trang mạng xã hội, các loại thực phẩm tết được chào mời với những lời rao rất hấp dẫn như thực phẩm nhà làm từ nguyên liệu tự nhiên, bảo đảm vệ sinh, không sử dụng phụ gia, chất bảo quản. Các mặt hàng thực phẩm nhà làm được bán nhiều nhất là mứt, các loại khô, củ kiệu, bánh tét. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, hầu hết các sản phẩm bán trên mạng được giới thiệu “nhà làm” đều không có nhãn mác, hạn sử dụng hay bất cứ thông tin nào về sản phẩm.

Một số người thường mua thực phẩm online cho biết họ tin vào người bán, vì người bán là những người quen, hay do bạn bè giới thiệu. Tuy nhiên, không phải nơi nào rao bán những sản phẩm nhà làm cũng bảo đảm chất lượng. Đã không ít trường hợp “phải ngậm bồ hòn làm ngọt” khi mua thực phẩm online, nhận hàng mới thấy hình ảnh một đằng, chất lượng một nẻo, không giống với lời quảng cáo.

Hiện nay thật không khó tìm thấy các trang mạng chuyên bán các loại mứt tết. Khi được hỏi về quy trình sản xuất, giấy tờ về ATTP, hầu như chủ các trang này đều không có. Thời điểm cận tết, các trang này cũng bắt đầu tung quảng cáo, khuyến mãi, giảm giá với đủ hình thức, hình ảnh bắt mắt để thu hút khách hàng. Những sản phẩm mứt trái cây được giới thiệu là hàng cao cấp cũng được bán rất nhiều trên trang mạng.

Điểm khác biệt, các loại mứt trái cây trên mạng đa phần được bán theo kiểu đóng hộp, mỗi hộp mứt tết có tới hàng chục loại, rực rỡ như bảy sắc cầu vồng. Và các loại mứt trái cây “cao cấp” này được một số trang mạng rao bán với giá rẻ bất ngờ, dao động chỉ từ 49.000 đồng một hộp 500g đến 90.000 đồng hộp 1 ký. Trong khi thực tế, nhiều sản phẩm mứt tết trái cây cao cấp nội và ngoại nhập có giá lên tới hàng trăm ngàn đồng.

Từ siêu thị, chợ, tạp hoá đến chợ online bán rất nhiều giỏ quà tết các loại, đa dạng về sản phẩm, giá cả, có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Thông thường giỏ quà tết được bao bọc kín, người tiêu dùng không thể xem được nhãn mác, hạn sử dụng các mặt hàng có bên trong. Không ít người mua phải giỏ quà kém chất lượng, sản phẩm hết hạn sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Hoa, ở huyện Bến Cầu bức xúc kể, chị có thói quen mua giỏ quà để chưng trong nhà vào những ngày tết. Năm rồi, chị đặt mua giỏ quà tết trên trang mạng xã hội với giá 500.000 đồng gồm nhiều sản phầm như bánh, mứt, kẹo chocolate, rượu nho. Đến khi nhận hàng chị thấy khá ưng ý vì giỏ quà được gói rất cẩn thận, đẹp mắt. Bởi vì tin tưởng nên chị không kiểm tra sản phẩm bên trong. Qua tết, khui giỏ quà, chị mới tá hoả vì chai rượu cận hạn sử dụng, kẹo chocolate không ghi nguồn gốc xuất xứ cũng như hạn sử dụng. Chị Hoa phải bỏ hết các sản phẩm, không dám sử dụng. Đến bây giờ, chị Hoa vẫn còn e ngại với sản phẩm bán online.

Có thể thấy, hiện nay việc bán thực phẩm online rất khó kiểm soát. Phần lớn người bán hàng qua mạng thường không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ về ATTP, khiến công tác kiểm tra, quản lý, giám sát sản phẩm gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ mất ATTP.

Mứt tết đủ loại, với màu sắc sặc sỡ, không được che đậy kỹ tại chợ Long Hoa.

Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP

Tết Nguyên đán và lễ hội xuân đang đến gần, công tác bảo đảm ATTP càng được cơ quan chức năng đẩy mạnh, siết chặt. Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh ban hành kế hoạch bảo đảm ATTP trước, trong và sau tết Nguyên đán. Từ trước Tết Nguyên đán một tháng, các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến huyện, xã đã ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết, đồng thời hướng dẫn chủ cơ sở tuân thủ quy định về ATTP.

Qua kiểm tra, tại cơ sở sản xuất đến nơi kinh doanh thực phẩm vẫn còn vi phạm phổ biến như sản phẩm không có nhãn mác rõ ràng, không có hoá đơn nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng nguyên liệu, khu vực chế biến bảo quản chưa bảo đảm vệ sinh.

Để có mùa tết vui tươi, an toàn, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, hơn hết, người tiêu dùng cần thông thái trong mua sắm thực phẩm, lựa chọn thực phẩm tết an toàn, nơi có uy tín và thương hiệu. Đặc biệt, người mua hàng cần lưu ý kiểm tra rõ thông tin sản phẩm về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, nhãn mác, màu sắc để tránh mua phải hàng kém chất lượng, không bảo đảm ATTP.

Thế Anh

Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.994 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%). Tại Tây Ninh, năm qua, tỉnh xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm với 16 người mắc (không có trường hợp tử vong). Qua số liệu này cũng cho thấy, các vụ ngộ độc thực phẩm có giảm nhưng vẫn xảy ra, do đó, người dân không nên chủ quan, lơ là, thiếu thận trọng trong chọn lựa thực phẩm.
Tin cùng chuyên mục