Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đền Kỳ Sầm

Cập nhật ngày: 09/12/2010 - 09:50

Đền Kỳ Sầm thuộc Bản Ngần, xã Vĩnh Quang huyện Hòa An cách trung tâm thị xã Cao Bằng theo hướng Pắc Pó khoảng 5km. Đền thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao, một vị thủ lĩnh người dân tộc Tày cai quản cả vùng núi non Cao Bằng. Năm 1042 Nùng Trí Cao được vua Lý Thái Tông phong Thái Bảo và cho trấn giữ châu Quảng Nguyên.

Nùng Trí Cao là vị tướng triều Lý, lưu danh sử sách qua các trận chiến ác liệt chống giặc thù và dấu tích các trận đánh đó ngày nay còn in đậm ở núi Đán Dị - núi nghiêng ở Cao Bằng.

Năm 1020, vợ chồng Nông Tồn Phúc, A Nàng sinh hạ được hai người con trai, đặt tên là Nông Trí Thông và Nông Trí Cao. Nông Tồn Phúc là tù trưởng ở Châu Quảng Nguyên (Cao Bằng). Vì có hiềm khích với Nông Tồn Phúc nên Hà Văn Trinh, thủ lĩnh Châu Tư Nông (Thái Nguyên), đã mật báo vua rằng Nông Tồn Phúc tạo phản. Vua lệnh cho quân lên Cao Bằng thảo phạt. Nông Tồn Phúc sợ quá bèn đem cả gia đình cùng ba tuỳ tùng chạy vào núi, nhưng không thoát, ông bị bắt về kinh, khép tội chết. Hai mẹ con Nông Trí Cao chạy thoát đến nhà người em trai là Động trưởng động Lôi Hoả.

Năm 1041, Nông Trí Cao từ động Lôi Hoả về nắm giữ Châu Quảng Nguyên. Tại đây, hai mẹ con ông ra sức chăm lo và giúp dân trong vùng làm ăn sinh cơ lập nghiệp yên ổn. Với công lao đó, năm 1043, ông được vua cấp Ấn đô tướng và phong hàm Thái Bảo, một trong ba hàm cao nhất của triều đình.

Vua chúa nước Tống thấy Châu Quảng Nguyên sầm uất, thiên nhiên lại ban tặng mỏ vàng, mỏ bạc quý hiếm, liền đem quân sang xâm chiếm. Đội quân của Nông Trí Cao đã đánh nhau với quân giặc hùng mạnh suốt hai năm trời (1049 - 1050). Thừa thắng, ông đuổi quân thù đến tận biên giới, phá cả thành Ung Châu (nay là Nam Ninh, thủ phủ Quảng Tây, Trung Quốc).

Về sau, quân nhà Tống bắt được Nông Trí Cao và sát hại. Vua Lý rất thương xót, truyền cho nhân dân lập đền thờ ông ở núi Nghi Sầm, xuống chiếu phong Nông Trí Cao là Khau Sầm Đại Vương (vua lớn ở núi Khau Sầm).

Sau đó, đền thờ ông dời xuống chân núi Khau Sầm (Kỳ Sầm) thuộc bản Ngần, xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An cách thị xã Cao Bằng khoảng 5km.

Huyền tích về Nông Trí Cao

Sau khi cha mất, Trí Cao cùng mẹ ở nhà cậu và thường đi chăn ngựa ngoài bãi. Một hôm trời đang nắng bỗng nhiên tối sầm lại, mây đen phủ lên mình con ngựa cái trong đàn ngựa. Lát sau, trời trở sáng, từ con ngựa cái toả ra một ánh hào quang. Trí Cao thấy một con rồng trắng đang quấn quýt con ngựa.

Sau 2 tháng, con ngựa cái đẻ. Nó sinh một ngựa con màu trắng. Vừa lọt lòng, ngựa con đã vụt đứng dậy hai chân trước đã cào cào vào bãi cỏ và hí vang rừng.

Ba năm sau, Trí Cao và mẹ từ biệt cậu về quê, xin cậu mang theo con ngựa trắng về quê. Trí Cao nhảy lên tay vỗ nhè nhẹ vào lưng con ngựa ba lần, tức thì ngựa trắng hí vang động cả núi rừng. Đi khỏi nhà cậu một đoạn, Trí Cao lại vỗ tay nhè nhẹ lên lưng ngựa trắng bay lướt qua ngọn cỏ, ngọn cây, sông suối… Trong chốc lát hai mẹ con đã về tới nơi quê. Ít lâu sau, chàng cưới vợ.

Trí Cao nhận lệnh của Vua về Kinh học tập. Nhờ có ngựa trắng biết bay nên ngày ngày sau khi học bài xong, màn đêm buông xuống, Trí Cao phi ngựa về nhà. Gần sáng, Cao lại phi ngựa về kinh để kịp giờ vào lớp học. Ít lâu sau, vợ Cao có mang. Mẹ Cao nghi nàng dâu không đoan chính. Vợ Cao nói thế nào bà cũng không tin. Nàng bèn tìm cách chứng minh cho mẹ chồng tin.

Một đêm, sau khi từ Kinh về, Cao nằm ngủ li bì. Vợ Cao bèn bí mật giấu một chiếc hài của chồng đi. Gà gáy canh ba, Trí Cao thức dậy, tìm hài xỏ chân mà chỉ thấy mỗi chiếc. Loay hoay mãi không thấy, trời mỗi lúc một sáng rõ. Đang lo lắng thì có người nói vọng vào tai: “Mau mau lấy đất sét nặn thành hài mà đi để kịp vào lớp học”. Cao liền làm theo lời mách bảo. Nhưng hài chưa kịp khô thì trời sáng rõ, Trí Cao bèn rút khăn hồng đọc niệm chú. Lạ thay! Bầu trời bỗng lại tụt xuống và cứ thế chàng tiếp tục niệm chú làm cho mặt trời xuống hẳn. Lúc này, hài của Cao khô ráo. Với một chân hài vải, một chân hài đất, Cao lên ngựa bay về Kinh.

Cũng trong ngày hôm đó, mọi người trong cung xôn xao bàn tán cho rằng nước Việt xuất hiện một người tài. Nhà vua cho điều tra. Vua bắt tất cả các sĩ tử vác cây lội qua ao gần trường học. Tới lượt Trí Cao, tức thì chiếc hài đất của Trí Cao ngấm nước, bở ra. Nhà vua thấy Trí Cao đi một chân hài, một chân không liền xét hỏi. Trí Cao xin vua dắt con ngựa đến gần, rồi đột ngột nhảy phóc lên lưng ngựa, vỗ nhẹ ba lần, ngựa bay vút lên không trung trước sự kinh ngạc của nhà vua và quần thần.

Ngựa rồng bay vun vút trên chín tầng mây xanh. Từ trên cao, Trí Cao thấy một rừng núi bạt ngàn cây, giữa rừng có ánh hào quang toả sáng. Đến đây, ngựa bay từ từ và bay đúng 999 vòng quanh khu rừng thì bỗng thấy cửa rừng mở. Ngựa rồng liền hạ cánh và dừng chân trước khu rừng đại ngàn. Nông Trí Cao từ trên mình ngựa nhảy phắt xuống thì thấy hai nàng tiên xuất hiện ra đón: “Đại sư đang chờ chàng”.

Cả ba người cùng cưỡi ngựa bước vào một bãi rộng. Ngựa bạch bỗng hí vang lên, tức thì ba người cùng quỳ xuống trước mắt vị đại sư có mái tóc bạc phơ, đôi mắt sáng, đôi tai to, râu dài, tay cầm gậy trúc. Đại sư nói: “Nước sắp có biến cố. Ta từ trên trời xuống dạy các con võ thuật, cách dùng binh, khiển tướng… để các con dẹp loạn”. Sau 100 ngày học, Trí Cao trở nên trí dũng song toàn. Đại sư dặn Trí Cao: “Việc học đã xong và hãy làm theo những lời ta dặn. Bây giờ ngươi hãy quay mặt sang hướng Đông để ta làm lễ “hạ sơn” cho nhanh, về mà cứu dân cứu nước. Khi quay mặt lại thì Cao không thấy đại sư đâu nữa. Ngựa bạch hí vang, đưa Cao trở về quê hương, nơi biên ải đất nước đang bị giặc ngoại xâm giày xéo. Chàng chiến đấu dũng cảm, nhưng trong một trận chiến khốc liệt, Trí Cao bị giặc giết hại.

K.D (st)