Hằng năm vào tháng 12 Dương lịch khi thu hoạch mùa xong thì người dân La Hủ tổ chức ăn Tết; không kể đầu tháng hay cuối tháng, tùy từng bản tổ chức sớm hay muộn.
Ngoài lễ ăn lúa mới thì Tết Khộ Xớ là tết truyền thống còn lưu giữ duy nhất, tiêu biểu của văn hóa tộc người La Hủ ở huyện Mường Tè (Lai Châu). Hằng năm vào tháng 12 Dương lịch khi thu hoạch mùa xong thì người dân La Hủ tổ chức ăn Tết; không kể đầu tháng hay cuối tháng, tùy từng bản tổ chức sớm hay muộn.
Tổ chức ăn Tết là dịp để cúng ông bà, tổ tiên, cảm ơn ông bà đã phù hộ cho con cháu và cầu năm tới sẽ tốt hơn năm đã qua. Đồng thời, cũng là dịp để đánh dấu mình đã thêm một tuổi và một năm đã qua. Mọi người thì được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, và vui chơi, ca hát cộng đồng. Người La Hủ quan niệm rằng, không được tổ chức ăn Tết khi trong bản có người chết, vì gia chủ có tang thì dân bản không thể vui chơi được. Ngày con hổ cũng không được tổ chức ăn tết vì con hổ dữ tợn, vồ con người và vật nuôi, cả năm các gia đình sẽ xảy ra những chuyện không may mắn. Riêng từng gia đình thì không ăn tết vào ngày bố mẹ mất, ngày này con cháu không thể vui vẻ ăn uống linh đình được, nếu thế bố mẹ sẽ không phù hộ con cháu sang năm mới ăn nên làm ra nữa.
Tết diễn ra trong vòng 3 ngày: Ngày thứ nhất, các gia đình làm bánh dày, bánh chưng, mổ lợn để ăn tết. Ngày thứ hai, sáng sớm đi lấy nước sạch nấu cơm để cúng ông bà, vì thời gian này dòng nước suối sẽ sạch sẽ, không bị nhiễm bẩn, suy nghĩ này chứng tỏ lòng thành kính đối với ông bà, bố mẹ đã mất. Người đàn ông chủ nhà đảm nhiệm việc thờ cúng, phụ nữ không phải gánh vác việc quan trọng này mà chỉ chuẩn bị lễ cúng… Buổi chiều ngày thứ hai và ngày thứ ba mọi người đến nhà chúc Tết nhau sang năm mới làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn; cả bản tập trung tại nhà văn hóa múa xòe, ca hát, chơi đánh cù... Anh em, bạn bè từ dân tộc khác lân cận đến thăm và chúc Tết; trai gái thì có dịp hẹn hò, tìm hiểu nhau để kết duyên nên vợ thành chồng...
K.D (st)