Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Đến năm 2012, Tây Ninh trồng mới thêm hơn 2.000 ha rừng
Thứ hai: 08:23 ngày 02/05/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện khó khăn lớn nhất của Tây Ninh trong việc bảo vệ và phát triển rừng là nguồn vốn.

UBND tỉnh cho biết, thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, từ năm 1999 đến năm 2010, Tây Ninh đã đầu tư trên 106,3 tỷ đồng phát triển lâm nghiệp. Trong đó, vốn Trung ương trên 67,8 tỷ đồng. Đến nay, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 32,2% (tính cả cây cao su), góp phần tích cực vào việc cải thiện và ổn định môi trường sinh thái, hạn chế lũ lụt, hạn hán…

Từ nay đến 2015, Tây Ninh phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên 33% bằng cách đẩy mạnh xã hội hoá công tác quản lý bảo vệ rừng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế  và tổ chức xã hội tham gia vào các hoạt động lâm nghiệp. Đồng thời tập trung bảo vệ diện tích rừng hiện có, bình quân khoanh nuôi tái sinh rừng diện tích 10.000 ha/năm; hoàn thành nhiệm vụ trồng mới trên 2.000 ha rừng trong 2 năm 2011 – 2012.

Rừng mới trồng trong đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng

Hiện khó khăn lớn nhất của Tây Ninh trong việc bảo vệ và phát triển rừng là nguồn vốn. Năm 2011, Trung ương bố trí cho Tây Ninh 10 tỷ đồng thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, hỗ trợ cơ sở hạ tầng Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát 5 tỷ đồng. Tỉnh đã bố trí ngân sách địa phương 6 tỷ đồng cho công tác bảo vệ, phát triển rừng. Hiện tại, Tây Ninh còn thiếu trên 15 tỷ đồng cho công tác này so với kế hoạch (trên 30 tỷ), trong khi thời vụ trồng rừng đã cận kề; công tác chuẩn bị như lập hồ sơ, thiết kế, thẩm định dự án trồng rừng đang triển khai trong tình trạng… chờ vốn.

UBND tỉnh cho biết sẽ đề nghị Chính phủ xem xét bố trí đủ vốn cho địa phương tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Dự án 661 đến hết năm 2011. UBND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ ban hành nghị định quy định việc giao khoán đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vì Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông trường quốc doanh không quy định việc giao khoán đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Đồng thời, Tây Ninh đề nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu chính sách khoán bảo vệ rừng theo mức trượt giá hằng năm. Bởi việc quy định mức khoán lạc hậu, làm cho người nhận khoán bảo vệ rừng chưa an tâm gắn bó với rừng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu chính sách cho các hộ nhận khoán trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được lấy hợp đồng nhận khoán với BQL rừng sử dụng thay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn thâm canh rừng, nhằm tăng hiệu quả trồng rừng, tăng giá trị của rừng.

HOÀNG THI

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục