BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đến năm 2015, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng bền vững

Cập nhật ngày: 21/08/2012 - 05:48

(BTNO) – Sở NN&PTNT vừa xây dựng xong và đang trình UBND tỉnh xem xét dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững đến năm 2015. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất nông – lâm - thuỷ sản tăng bình quân hằng năm 5,5%, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt từ 20% trở lên. Nông nghiệp chiếm khoảng 18 - 19% GDP của tỉnh (giá cố định 1994). Phấn đấu thực hiện, hoàn thành xây dựng 20% số xã (17 xã) đạt tiêu chí nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và 8 xã theo chỉ tiêu của UBND tỉnh; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 96%; tỷ lệ che phủ rừng đạt từ 33% trở lên nếu bao gồm cả cây cao su, và từ 15,7% trở lên nếu không tính cây cao su.

Mục tiêu đến năm 2015, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hình thành nền nông nghiệp sạch.

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, trọng tâm là công nghệ sau đường, sau bột mì, sau mủ cao su...

Nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là các vùng còn khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia đóng góp và được hưởng thụ nhiều hơn từ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững đến năm 2015 là xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, hiệu quả kinh tế cao, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn; xây dựng mô hình canh tác kết hợp trồng trọt – thuỷ sản – chăn nuôi, kết hợp nông nghiệp – lâm nghiệp – thuỷ sản với du lịch sinh thái nhằm tăng giá trị sản lượng và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Rà soát, quy hoạch, điều chỉnh các loại đất cho phù hợp với cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ và giống để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh phù hợp với điều kiện của từng vùng.

Phát triển ngành trồng trọt, ổn định các vùng sản xuất chuyên canh, nhất là các cây trồng thế mạnh của tỉnh như mì, cao su, lúa, mía... có giải pháp phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía theo quy hoạch; chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống tưới tiêu gắn với giao thông nội đồng; nâng cao tỷ lệ cơ giới hoá các khâu sản xuất, nhất là khâu thu hoạch; hiện đại hoá công nghiệp chế biến, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản hàng hoá. Tập trung phát triển rau an toàn, phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh đạt hơn 5.000ha theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó diện tích sản xuất chuyên canh là 500ha để phục vụ cho tiêu dùng của người dân trong tỉnh và các tỉnh, thành trong khu vực.

Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng lúa cao sản chất lượng cao, các cánh đồng mẫu lớn đối với cây lúa và cây mía.

Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp và bán nông nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, phù hợp với lợi thế của từng huyện, thị; tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nâng cao hiệu quả công tác thú y, chủ động phòng chống dịch bệnh, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, kiểm định giống; ứng dụng các phương pháp, công nghệ mới để đánh giá tiềm năng di truyền; có cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, điện hạ thế, nước sản xuất, xử lý chất thải...) để phát triển các trang trại, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung theo phương pháp công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo đến khai thác, tỉa thưa rừng trồng, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường, phục vụ di lịch sinh thái.

Phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản đa dạng, đúng quy hoạch, phát huy lợi thế sẵn có của hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông, tập trung phát triển những sản phẩm có thế mạnh, có giá trị cao; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng, trước hết là đầu tư thuỷ lợi, kiểm soát nguồn nước; mở rộng việc ứng dụng quy trình luân canh vả sinh sản nhân tạo; tăng cường công tác thú y thuỷ sản, bảo đảm an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, thức ăn. Đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng các cơ sở chế biến thuỷ sản, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo đến khai thác, tỉa thưa rừng trồng, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường, phục vụ di lịch sinh thái. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Hoàn thành công tác xử lý tình trạng bao, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích; thực hiện tốt kế hoạch phát triển rừng...

Phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở các vùng nông thôn theo quy hoạch, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, trọng tâm là công nghệ sau đường, sau bột mì, sau mủ cao su... Đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009 – 2015 và định hướng đến năm 2020.

Ngoài ra, dự thảo kế hoạch cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo bước đột phá để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn gắn với bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án lớn về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

HY UYÊN