Đối với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra, có một số ý kiến băn khoăn: căn cứ vào cơ sở nào để xác định đến năm 2020 tỉnh nhà trở thành tỉnh công nghiệp?
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015, phần Mục tiêu tổng quát có nêu: “…Phấn đấu đến năm 2015 đưa thị xã Tây Ninh trở thành đô thị loại III và đến năm 2020 tỉnh Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp…”. Đối với mục tiêu này, có một số ý kiến băn khoăn: căn cứ vào cơ sở nào để xác định đến năm 2020 tỉnh nhà trở thành tỉnh công nghiệp?
UBND tỉnh đã có văn bản giải trình vấn đề này như sau: Hiện nay các tiêu chí để xác định một tỉnh công nghiệp chưa rõ ràng, một số nhà nghiên cứu đưa ra ý kiến như sau: Để xác định tiêu chí một tỉnh công nghiệp có thể căn cứ các tiêu chí sau: GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD; tỷ trọng nông nghiệp/GDP khoảng 10%; tỷ lệ đô thị hoá trên 50%; tỷ lệ dân sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ dân sử dụng Internet đạt 25%. Đối với tỉnh Tây Ninh, căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, đến năm 2020 dự kiến một số chỉ tiêu của tỉnh như sau: GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.800 USD (xấp xỉ 5.000 USD). Trong cơ cấu kinh tế nông lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 11%; tỷ lệ đô thị hoá đạt 55-60%; tỷ lệ dân sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ dân sử dụng Internet đạt trên 30%.
Hiện nay Khu công nghiệp Trảng Bàng giải quyết được khoảng 33.000 lao động, trong đó có 23.000 lao động địa phương. |
Để đạt mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp, chúng tôi xin được nêu thêm một vài ý kiến: Trong tháng 8.2010, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Dương. Thủ tướng nhận xét: “Trong những năm gần đây, GDP tăng bình quân tuy chưa đạt chỉ tiêu đề ra (15%), nhưng ở mức cao (14%). Cơ cấu kinh tế chuyển hướng tích cực. Công nghiệp-dịch vụ là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ lệ cao. Công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp tương ứng là: 63% -32,6% và 4,4% GDP của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt 30,1 triệu đồng, gấp 2,2 lần năm 2005; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất nước, còn dưới 1%... Lao động trong nông nghiệp chỉ còn 18%. Như vậy Bình Dương đã là tỉnh công nghiệp.
Hiện nay tỉnh Bình Dương đã là tỉnh công nghiệp, còn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 mới cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Vậy Tây Ninh “công nghiệp hoá” sau tỉnh láng giềng Bình Dương đến 10 năm. Chúng tôi xin nêu thêm vài số liệu so sánh giữa Tây Ninh với Bình Dương: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hằng năm của Tây Ninh tương đương với Bình Dương (14%); GDP bình quân đầu người dân Tây Ninh thấp hơn Bình Dương 3,7 triệu đồng (thu nhập bình quân đầu người Tây Ninh 26,4 triệu đồng, của Bình Dương 30,1 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế Tây Ninh cũng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhưng hiện nay tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Tây Ninh còn rất thấp so với tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương và tỷ trọng nông nghiệp của Tây Ninh còn khá cao so Bình Dương, (tỷ trọng công nghiệp của Tây Ninh 28%; của Bình Dương 63%; tỷ trọng nông nghiệp của Tây Ninh 27,5% và của Bình Dương 4,4%). Tây Ninh đã quy hoạch 8 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp. Trong đó mới chỉ có một Khu Công nghiệp Trảng Bàng được lấp đầy, còn lại đang triển khai. Trong khi đó đến nay trên địa bàn Bình Dương có đến 28 khu công nghiệp tập trung, với hơn 9.000 doanh nghiệp trong nước và 2.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015, có các chỉ tiêu chủ yếu: GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) 2.970 USD (tăng hơn hiện nay 1.580 USD) và dự kiến đến năm 2020 đạt 4.800 USD (tăng 3.410 USD so với hiện nay). Cơ cấu ngành kinh tế trong GDP đến năm 2015: Nông, lâm, thuỷ, sản: 30-31%; Công nghiệp-xây dựng: 34-35%; Dịch vụ: 34-35%, và dự kiến đến năm 2020: Trong cơ cấu kinh tế nông lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 11% (giảm 20% so với năm 2015).
Từ những căn cứ trên cho thấy để trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020, Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh phải ra sức phấn đấu nhiều hơn nữa. Nhất là các tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người lên đến 4.800 USD và giảm mạnh tỷ trọng nông nghiệp còn 11% là việc không đơn giản. Muốn đạt được các tiêu chí trên tỉnh ta cần đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhanh chóng lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, đồng thời tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn nữa và không ngừng nâng cao thu nhập của người dân.
ĐỨC DÂN