Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo quy hoạch phát triển đến năm 2015, Tây Ninh có tổng diện tích nuôi trồng đạt tối đa khoảng 2.500 ha; đến năm 2020 là 3.450 ha; tổng sản lượng đến năm 2020 đạt 69.890 tấn (trong đó NTS đạt 65.290 tấn, khai thác thuỷ sản đạt 4.600 tấn/năm, chủ yếu là cá).
Theo báo cáo tóm tắt rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (do Phân viện Quy hoạch Thuỷ sản phía Nam thực hiện, Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư), Tây Ninh có 1.775 ha đất phù sa ven sông suối lớn; khoảng 29.000 ha diện tích ao hồ, mặt nước lớn; hơn 22.833 ha diện tích mặt nước sông, suối và hồ chứa là cơ sở phát triển nuôi thuỷ sản chuyên canh hoặc kết hợp sản xuất nông nghiệp; hơn 10.500 ha đất ngập lũ, đất trũng có thể tận dụng nuôi thuỷ sản trong mùa lũ. Theo Báo cáo quy hoạch phát triển thuỷ sản Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (năm 2005), diện tích tiềm năng nuôi thuỷ sản tỉnh Tây Ninh khoảng 49.000 ha (khoảng 12,2% diện tích tự nhiên).
Trong thời gian qua, nghề nuôi thuỷ sản (NTS) ở Tây Ninh gặp nhiều hạn chế, trở ngại và thách thức: Hầu hết nguồn nước nuôi chủ yếu tận dụng từ hệ thống thuỷ lợi cho nông nghiệp nên sự phát triển nuôi thuỷ sản luôn đi sau và phụ thuộc chính vào hạ tầng thuỷ lợi này. Nuôi thuỷ sản còn mang tính tự phát và manh mún, chưa hình thành các vùng nuôi tập trung và đối tượng mang tính lợi thế vùng mặc dù trước đây đã có quy hoạch phát triển thuỷ sản toàn tỉnh. Mức độ đầu tư nuôi chuyên và thâm canh còn hạn chế. Trình độ kỹ thuật nuôi thấp, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm tự học hỏi và khả năng tiếp cận trên các kênh thông tin còn hạn chế, vì vậy, sản phẩm ra chưa đạt hiệu quả cao. Vấn đề ô nhiễm nước đã phát sinh ở các lưu vực sông và trong lòng hồ Dầu Tiếng do các cơ sở công nghiệp, chế biến nông sản xả chất thải chưa xử lý ra nguồn nước.
Khai thác cá cơm trong hồ Dầu Tiếng |
Các chuyên gia cảnh báo: Nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường từ việc phát triển các cơ sở chế biến nông sản như khoai mì, mía đường…, từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…, từ xu thế phát triển các khu công nghiệp và đô thị là rất cao. Bên cạnh đó, nguồn nước cung cấp cho việc nuôi (cả về số lượng lẫn chất lượng) luôn là thách thức không nhỏ trong giai đoạn tới.
Nhìn chung, Tây Ninh có sản lượng KTTS không lớn, từ 2.700 đến 2.900 tấn/năm, chủ yếu là cá. Sản lượng khai thác cá trên hồ Dầu Tiếng năm 1990 đạt 2.500 tấn, năm 2004 chỉ còn 350 tấn. Thực tế, sau khi đầu tư thả cá giống vào hồ, sản lượng cá đánh bắt được từ năm 2005 đến nay có tăng lên, đạt trên 1.000 tấn/năm. Ngược lại, sản lượng thuỷ sản khai thác được từ sông Vàm Cỏ và từ ruộng đồng lại giảm mạnh. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự khai thác quá mức, khai thác bằng các phương tiện cấm sử dụng, khai thác trong mùa cá sinh sản, nguồn nước bị ô nhiễm…, một số loài cá bản địa có giá trị đã sụt giảm. Trong đó, các loài đang ngày càng trở nên khan hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao hoặc “tuyệt tích” như: cá lóc bông, cá hồng vện, cá cầy…
Theo quy hoạch phát triển đến năm 2015, Tây Ninh có tổng diện tích nuôi trồng đạt tối đa khoảng 2.500 ha; đến năm 2020 là 3.450 ha; tổng sản lượng đến năm 2020 đạt 69.890 tấn (trong đó NTS đạt 65.290 tấn, khai thác thuỷ sản đạt 4.600 tấn/năm, chủ yếu là cá). Những năm tới, sản lượng cá tra sẽ rất lớn: đến năm 2015 đạt từ 15.000 đến 30.000 tấn; đến năm 2020 đạt từ 25.000 đến 50.000 tấn. Cũng theo quy hoạch này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh sẽ đạt 15 triệu USD vào năm 2015; 27 triệu USD vào năm 2020.
BẢO TÂM