Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đến năm 2025, cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Thứ bảy: 09:14 ngày 23/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 21.4, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Hội nghị do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì tại điểm cầu Trung ương. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Hội nghị được trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuyến đường giao thông do MTTQVN xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu vận động nhân dân đóng góp xây dựng

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến hết năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã hoàn thành vượt 12,4% so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020. Tính đến 15.4, cả nước có 5.706/8.227 xã (69,4%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 34,1%); 15 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương) được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 7.463 sản phẩm OCOP của 4.061 chủ thể, đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao và 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (hiện nay là 69,4%); 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (hiện nay là 34,1%); 60% thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước có từ 17-19 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (hiện có 5 tỉnh)…

Dự kiến ngân sách bố trí cho Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 196.332 tỷ đồng.

Về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chương trình đặt mục tiêu hằng năm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1%-1,5%, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%, hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4%-5%; trong cả giai đoạn sẽ có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu rõ, trách nhiệm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu nằm ở các tỉnh, thành phố. Ban Chỉ đạo địa phương cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, ban hành các văn bản cụ thể hoá hướng dẫn của Trung ương, ưu tiên bố trí ngân sách, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tuyên truyền để bảo đảm triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành được phân công khẩn trương hoàn thành và ban hành các thông tư hướng dẫn đã được giao, phê duyệt các chương trình chuyên đề, dự án thành phần trong tháng 5.2022; Bộ LĐ-TB&XH và Uỷ ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục