Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa gắn với phát triển hệ thống cảng đường sống - dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hoạt động vận tải đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông
Quan điểm của đề án nêu rõ về phát triển, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa gắn với phát triển hệ thống cảng đường sông - dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia, nhất là quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Phát triển kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn, kết nối hiệu quả với các phương thức vận tải khác, với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông địa phương và vùng.
Phát huy lợi thế vận tải hàng hoá khối lượng lớn, chi phí vận tải thấp ở cự ly trung bình, kết nối trực tiếp với hệ thống cảng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phát triển các trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại; gắn kết hợp lý với các trung tâm logistics của Vùng và của khu vực. Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội và các định hướng phát triển của các ngành có liên quan của tỉnh.
Cảng Bến Kéo trên sông Vàm Cỏ Đông
Xây dựng dịch vụ logistics là dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hoá, phục vụ đắc lực cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong Tỉnh và xuất nhập khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển ngành logistics bằng sự huy động tích cực mọi nguồn lực của tỉnh, bao gồm cả nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng logistics. Phát triển ngành logistics theo hướng bền vững, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm an ninh quốc phòng, tạo việc làm tại chỗ, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng trong tỉnh.
Đầu tư có trọng điểm nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, các dịch vụ logistics; ưu tiên các khu vực có tiềm năng, lợi thế như: cửa khẩu, khu vực có nhiều khu công nghiệp, nhà máy....
Chủ động tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, dịch vụ logistics nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trong đó, mục tiêu phát triển, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa gắn với phát triển hệ thống cảng đường sông - dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh từng bước đồng bộ, hiện đại cả về luồng tuyến, cảng bến, ICD, kho, bãi, công nghệ quản lý, xếp dỡ,... kết nối thuận lợi với các phương thức khác nhằm tăng thị phần vận tải, giảm giá thành vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo ATGT và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Phát triển ngành dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh là một trong các ngành dịch vụ trọng yếu của tỉnh, thực hiện tốt vai trò, chức năng đối với Vùng và khu vực; đóng góp vào tăng trưởng GDRP, đồng thời hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Bến Kéo.
Cụ thể về vận tải đường thuỷ đến năm 2030: khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt khoảng 17,792 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 20% khối lượng hàng hoá lưu thông qua địa bàn tỉnh.
Về kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa: nâng cấp và công bố các luồng tuyến đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh; hình thành các tuyến vận tải khách kết hợp du lịch sinh thái; phát triển hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải.
Về trung tâm logistics: xây dựng 4 trung tâm, trong đó 2 Trung tâm logistics hạng I (cấp quốc gia và quốc tế) và 2 trung tâm logistics hạng II (cấp vùng) tại những khu vực có điều kiện thuận lợi trên các hành lang kinh tế, hành lang vận tải; hỗ trợ lưu thông hàng hoá từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng.
Kết nối với hệ thống cảng thuỷ nội địa, cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, mạng lưới giao thông đường bộ, đường thuỷ, các cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, khu sản xuất hàng hoá tập trung.
Ngoài ra tại các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ: tập trung đầu tư phát triển hệ thống cảng cạn, kho, bãi tập kết hàng hoá. Khi hàng hoá và nhu cầu dịch vụ logistics tăng cao, hình thành phát triển các trung tâm vệ tinh cho các trung tâm cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế.
Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa; ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng luồng, tuyến đường thuỷ nội địa; nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư toàn bộ kết cấu hạ tầng cảng thuỷ nội địa, ICD, kho, bãi....
Định hướng phát triển, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa gắn với phát triển hệ thống cảng đường sông - dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sông Sài Gòn đoạn qua thị xã Trảng Bàng sẽ là tuyến giao thông đường thủy nội địa quan trọng của tỉnh trong thời gian tới.
Phát triển vận tải đường thuỷ nội địa, đối với tuyến vận tải đường thuỷ nội địa tuyến luồng quốc gia: có 2 tuyến đường thuỷ nội địa, bao gồm:
- Sông Sài Gòn: Quy hoạch có tuyến TP Hồ Chí Minh - Bến Súc - Bến Củi hạ lưu dập thủy điện Dầu tiếng, từ ngã ba rạch Bến Nghé đến hạ lưu đập Dầu Tiếng 2km (Bến Củi).
Tuyến đường thuỷ nội địa này đang được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự án nâng cấp, công bố luồng đạt tiêu chuẩn luồng cấp II.
Sông Vàm Cỏ Đông: Quy hoạch có tuyến TP. Hồ Chí Minh - Bến Kéo - Biên giới Campuchia (sông Vàm Cỏ Đông), từ ngã ba Kênh Tẻ - cảng Bến Kéo - Biên giới Campuchia dài 196,7km. Đoạn tuyến này hiện đang là tuyến đường thuỷ nội địa địa phương quản lý, theo quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy hoạch là tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia.
Đối với tuyến luồng địa phương: có 4 tuyến đường thuỷ nội địa, bao gồm: Rạch Trảng Bàng: từ phường Trảng Bàng đến sông Vàm Cỏ Đông, chiều dài 10,05km, quy hoạch cấp VI; rạch Tây Ninh: từ cầu Thái Hoà đến sông Vàm Cỏ Đông dài 10,2km, quy hoạch cấp VI; rạch Bảo: từ cầu Long Thuận qua các xã Tiên Thuận, Long Khánh, Long Giang đến sông Vàm Cỏ Đông, dài 4,1km, quy hoạch cấp V và rạch Bến Đá: Từ cầu Vịnh đến sông Vàm Cỏ Đông, dài 7,7km, quy hoạch cấp IV.
Song song đó, đề án cũng định hướng về phát triển cảng, bến thuỷ nội địa đối với từng giai đoạn như giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với phát triển Trung tâm logistics, tỉnh phát triển 4 trung tâm logistics, trong đó: có 2 Trung tâm logistics cửa khẩu, 2 Trung tâm logistics kết nối các phương thức vận tải. Định hướng phát triển cảng cạn; phát triển kho, bến, bãi.
Tấn Hưng