BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đến Ninh Sơn ăn bánh canh xắt giá 3.000 đồng/tô

Cập nhật ngày: 31/03/2015 - 03:07

 

Khách hàng tại quán bánh canh xắt của vợ chồng anh Lâm.

Trong khi hàng quán nhiều nơi thi nhau lên giá thì ở phường Ninh Sơn (thành phố Tây Ninh) hiện vẫn còn nhiều gian hàng ăn uống giá cả rất bình dân: bún nước 5.000 đồng/tô, bánh xèo 5.000 đồng/cái, bánh mì 6.000 đồng/ổ… Đặc biệt, nơi đây còn có những gian hàng bán bánh canh xắt với giá không thể rẻ hơn- chỉ 3.000 đồng/tô. Hầu hết các “gian hàng 3.000” này chủ yếu phục vụ dân lao động, người làm ruộng, rẫy hoặc học sinh, sinh viên tại địa phương. Những gian hàng giá rẻ như thế thường nằm trong các con hẻm nhỏ, càng ra gần đường lớn giá càng cao.

Nói đến quán bánh canh xắt 3.000 đồng, người dân quanh đó hầu như không ai không biết đến quán của chị Trịnh Thị Kim Anh, 48 tuổi ở khu phố Ninh Thọ. Mọi người thường hay gọi đó là quán bánh canh xắt Hai Ca (tên của chồng chị Anh). Chị Anh bán bánh canh xắt từ năm 2007 đến nay. Ban đầu, giá mỗi tô bánh canh chị bán chỉ có 1.000 đồng.

Sau, khách hàng tự động… lên giá giùm chị, từ 1.500 lên 2.000 rồi 3.000 đồng- có lẽ vì họ ái ngại khi thấy giá cả chưa tương xứng công lao bỏ ra của chủ quán. 4 năm nay, chị Anh vẫn giữ nguyên cái giá 3.000 đồng một tô bánh canh xắt. Chị Anh trực tiếp làm nghề này đã được 8 năm nhưng thực ra quán bánh canh xắt tại nhà chị đã có từ rất lâu trước đó- khi chị còn chưa về làm dâu nhà này. Đầu tiên là người cô bên chồng của chị đứng bán, sau bà cô mới truyền lại cho một người cháu, nay đến phiên chị Anh trực tiếp bán.

Trước khi bán bánh canh xắt, vợ chồng chị Anh có nghề chằm nón, nuôi heo. Công việc vất vả nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, trong khi vợ chồng chị còn phải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học. Được người chị họ khuyến khích, chị Anh chuyển sang nghề bán bánh canh xắt và theo luôn nghề này trong 8 năm qua. Công việc coi vậy cũng khá cực nhọc. Để tiết kiệm vốn, chị Anh không lấy bánh canh của người khác mà tự làm bột, tráng bánh tại lò của người chị rồi mang bánh canh về nhà xắt. Nhờ tự làm nên chị tiết kiệm được một phần chi phí so với mua bánh canh ngoài chợ về bán.

Mỗi ngày, hai vợ chồng chị Anh phải thức dậy từ 3 giờ sáng lo nấu nướng, để đến 4 giờ là quán đã có thể mở cửa sẵn sàng phục vụ khách hàng. Phải mở quán giờ này là bởi người dân ở địa phương quen đi ruộng, đi rẫy từ rất sớm. Có người vào ăn sáng tại quán, cũng có người chỉ ghé mua để mang theo.

Ngoài bánh canh xắt giá 3.000 đồng/tô, quán của chị Anh còn bán bánh mì 2.000 đồng/ổ, bánh đa cũng 2.000/cái. Mỗi khách hàng đến quán của chị chỉ cần tốn khoảng 5.000 đồng là đã no bụng. Với những gia đình có đông nhân khẩu thì quán bánh canh của chị Anh có thể giúp họ tiết kiệm được khá nhiều cho khoản điểm tâm sáng.

Chị Anh cho biết, sở dĩ chị bán được giá rẻ như thế là do lấy công làm lời và cũng nhờ số lượng bán ra nhiều, có khả năng bù lỗ được. Người dân địa phương đa số theo đạo Cao Đài, ngày mặn chị Anh bán được khoảng 12kg bánh canh xắt, ngày chay có khi bán gấp đôi. Mỗi ngày, chị kiếm lời được hơn 200.000 đồng, vừa đủ lo chi phí sinh hoạt cho gia đình. Công việc khá vất vả nhưng chị không có ý định nghỉ làm, một phần cũng do chị đã quen rồi cái không khí rôm rả tiếng trò chuyện, nói cười vui vẻ của khách hàng. Đôi khi bận việc chỉ nghỉ bán một ngày, chị đã thấy nhớ.

Ở phường Ninh Sơn, không phải chỉ có mình chị Anh bán bánh canh xắt giá 3.000 đồng. Ở khu phố Ninh Lộc có một quán tương tự của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thuý Hằng và anh Lê Văn Lâm. Hai vợ chồng chị Hằng chỉ mới theo nghề bán bánh canh xắt được gần 2 năm nay.

Trước đó, anh Lâm có nghề sửa đồng hồ đeo tay còn chị Hằng bán thuốc tây thuê. Công việc của cả hai chồng đều gặp khó khăn do bây giờ ai cũng coi giờ bằng điện thoại di động, không còn chuộng đeo đồng hồ như trước, còn thu nhập từ nghề bán thuốc thuê của chị Hằng cũng không được bao nhiêu. Thế là hai vợ chồng bàn nhau mở quán bánh canh xắt tại nhà.

Ban đầu thật quá vất vả vì cả hai đều chưa quen việc, sau mới quen dần. Quán của anh chị bán ngày hai buổi, sáng từ 5 giờ đến hơn 8 giờ, chiều từ 14 giờ 30 đến hơn 18 giờ, tính ra quán tiêu thụ hơn 30kg bánh canh xắt/ngày. Hỏi sao không nâng giá lên- 4.000 hay 5.000 đồng/tô chẳng hạn, anh Lâm cười bảo: “Hầu hết người dân ở đầy đều là người lao động, bà con quen sống cần kiệm nên chỉ chuộng giá rẻ.

Khách hàng của quán, nhiều người sẵn sàng chạy hai, ba cây số đến đây để được ăn bánh canh giá 3.000 đồng. Tôi bán với giá này để ai cũng có thể ăn no mà chỉ tốn ít tiền”. Anh Lâm cũng cho biết thêm, không cần nâng giá, thu nhập từ quán bánh cũng đủ giúp vợ chồng anh trang trải được các khoản chi tiêu cho gia đình và bây giờ thì anh thấy công việc này cũng khá thoải mái, dễ chịu.

Hải Anh