Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Đền Ô Xuyên, Hải Dương
2011-03-11 11:58:00

Đền Ô Xuyên, xã Cổ Bì (Bình Giang) là ngôi đền cổ, toạ lạc trên mảnh đất cao ráo, thoáng rộng ở đầu thôn Ô Xuyên.

Đền Ô Xuyên, xã Cổ Bì (Bình Giang) là ngôi đền cổ, toạ lạc trên mảnh đất cao ráo, thoáng rộng ở đầu thôn Ô Xuyên. Đền thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và 5 vị Thành hoàng làng, mặt tiền quay về phía bắc, nơi có dòng sông Đò Đáy nước quanh năm xanh mát chảy ngang; phía đông và phía tây giáp khu dân cư; phía nam giáp đường thôn.

Tương truyền, trước công nguyên, tại khu vực đền Ô Xuyên hiện nay, nhân dân thường thấy ánh hào quang sáng rực về ban đêm. Mọi người cho rằng, đây là nơi Ngọc Hoàng thường xuống chơi du ngoạn. Thấy vậy, người dân trong thôn liền lập đền phụng thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, mong sau này có nhiều phúc lớn.

Bên cạnh Ngọc Hoàng Thượng Đế, đền còn thờ 5 vị Thành hoàng làng.  Tương truyền vào năm 136 trước công nguyên - năm 43 sau công nguyên, có Thánh phụ là Triệu Quang Hiển, Thánh mẫu là Trần Thị Vận ăn ở hiền lành, cứu giúp người nghèo khó, hiềm một nỗi, tuổi đã gần 50 mà chưa có con nối dõi. Nghe tin ở đất Hồng Châu có ngôi đền thờ Ngọc Hoàng thượng đế, cầu đảo rất ứng nghiệm, bèn sửa soạn lễ vật theo dòng sông, tìm đến Ô Xuyên để cầu tự, mong sao cho gia đình gặp nhiều may mắn, phúc đến lâu dài.

Thời gian sau bà sinh hạ được 5 người con trai, hết thảy đều khoẻ mạnh, khôi ngô tuấn tú, có hình dáng khác hẳn người thường. Lớn lên, cả 5 người đều thích săn bắn, tinh thông võ nghệ, tính nết thật thà, mọi người trong làng đều quý mến.

Vào đầu thế kỷ thứ nhất, nước ta có giặc Đông Hán sang xâm lược, Thái Thú cai quản quận Giao Châu là Tô Định rất tham tàn, đi đến đâu chúng cũng giết con trẻ, tàn sát dân lành, gây ra bao cảnh đau thương tang tóc, nhân dân vô cùng căm ghét. Khi hai Bà Trưng ra chiếu tuyển mộ nghĩa quân, tuyển chọn tướng tài, lên đường đánh giặc cứu nước, trả thù nhà, 5 anh em họ Triệu liền yết kiến. Trưng Nữ phong cho 5 anh em là Thượng tướng quân. Năm anh em chiến đấu dũng mãnh. Trong trận đánh thành Tô Giang, Tô Định đại bại, phải rút quân về nước. Quân ta chiếm giữ 65 thành trì, đất nước trở lại thanh bình. Sau khi thắng trận, Trưng Nữ Vương liền phong thưởng cho 5 anh em họ Triệu, đồng thời phong cho Hồng Châu thực ấp. Ngày mùng 5 - 2, vào năm Trưng Vương thứ hai, 5 anh em về đền thờ Ngọc Hoàng ở Ô Xuyên thuộc Hồng Châu mở lễ khánh hạ mừng chiến thắng. Các ông đóng quân tại đây và du ngoạn tiêu giao sơn thuỷ, săn bắn vui thú cùng dân làng. Ngày 13/6 năm đó, bỗng trời nổi mưa gió, sấm chớp, cả năm anh em đều mất. Trưng Nữ vô cùng thương tiếc và phong là bậc Phúc Thần, sai dân lập đền phụng thờ, ngàn năm hương hoả. Khi nhà Trần lên ngôi, nước ta có giặc Nguyên Mông sang xâm lược. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đem quân đi đánh giặc, cầu đảo ở đền, được linh ứng, đánh giặc giành thắng lợi. Trần Hưng Đạo sai dân tu sửa đền phụng thờ mãi mãi.

Do chiến tranh và sự huỷ hoại của thời gian, số lượng cổ vật hiện lưu giữ tại di tích còn rất ít, gồm một số cổ vật bằng gốm, đá, gỗ có giá trị về niên đại và nghệ thuật. Đặc biệt tấm bia Ngọc phả xã Ô Xuyên được khắc dựng vào năm Bảo Đại thứ 14 (1939) là văn bản quan trọng để hậu thế hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp của các vị Thành hoàng làng.

Bằng lòng ngưỡng vọng của nhân dân, năm 1982, một số hạng mục như trung từ, tây cung được khôi phục lại trên nền móng cũ của di tích. Từ đó đến năm 2005, một số hạng mục khác như nhà khách, nhà bia, cổng, sân... dần dần được tôn tạo. Năm 2005, trung từ bị xuống cấp, nhân dân tiếp tục tu sửa lại. Năm 2006, móng 5 gian tiền tế đã xây dựng xong.

Năm 2007, di tích đền Ô Xuyên được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Đây là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Nhận thức rõ trách nhiệm trong việc quản lý và bảo vệ để di tích ngày càng phát huy tác dụng, Đảng uỷ và UBND xã Cổ Bì đã tích cực tuyên truyền cho nhân dân thấy được ý nghĩa lịch sử của di tích, từ đó nâng cao lòng ngưỡng vọng và ý thức tham gia bảo vệ giữ gìn di sản văn hoá.

Hiện nay, UBND xã Cổ Bì đã lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép  khoanh vùng, quy hoạch tổng thể bảo đảm di tích có đủ diện tích phục vụ tổ chức các hoạt động lễ hội, hoạt động tín ngưỡng của nhân dân và khách thập phương; đồng thời lập hồ sơ thiết kế xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục công trình.

K.D (st)

Từ khóa:
Tin liên quan