Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đền ơn người có công
Thứ bảy: 08:06 ngày 27/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những hỗ trợ, chăm lo này xuất phát từ mong mỏi của Đảng và Nhà nước nhằm đền đáp những cống hiến, hy sinh của bao gia đình để đổi lấy nền hoà bình, độc lập hôm nay.

Tây Ninh hiện có trên 43.000 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách khác; trong đó, có gần 8.000 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên. Những hỗ trợ, chăm lo này xuất phát từ mong mỏi của Đảng và Nhà nước nhằm đền đáp những cống hiến, hy sinh của bao gia đình để đổi lấy nền hoà bình, độc lập hôm nay.

Trung tá Nguyễn Chí Kiên- Phó Giám đốc Công ty CP Tân Cảng Tây Ninh bên Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Thạnh.

Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng

Một ngày giữa tháng 7, trong căn nhà tình nghĩa đơn sơ ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, Trung tá Nguyễn Chí Kiên- Phó Giám đốc Công ty CP Tân Cảng Tây Ninh (thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Thạnh.

Thấy có người đến thăm, mẹ Thạnh mừng vui như được thấy con cháu đoàn viên. Bà hết rót nước, đưa bánh ăn lại bồn chồn đi ra đi vào. Như còn trông ngóng ai đó. Mẹ Thạnh năm nay 97 tuổi. Nếu không có chiến tranh, có thể bây giờ, mẹ đã có một đàn cháu chắt chít xúm xít bên cạnh như khoảnh khắc mọi người về thăm lúc này.

Nhưng vì nghĩa lớn, vì độc lập của dân tộc, cả gia đình mẹ 3 người không ai đứng ngoài cuộc. Mẹ Võ Thị Thạnh cùng chồng là cụ Nguyễn Đâu tham gia cách mạng từ sớm với nhiệm vụ tải đạn, tiếp tế lương thực ra chiến trường ở tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định) và là thành viên trong Đoàn Văn công.

Rồi mẹ đón tin chồng hy sinh. Người con trai duy nhất của mẹ là anh Nguyễn Văn Trung lên đường nhập ngũ vào năm 1963, để rồi 4 năm sau, mẹ được tin anh ngã xuống ở chiến trường Phù Cát.

Ngày ngày, nhớ chồng, con, mẹ chỉ biết nhìn lên di ảnh để đỡ cô quạnh; nhìn những chiếc bằng khen Tổ quốc ghi công để ủi an bản thân. Đằng đẵng mấy chục năm, mẹ vẫn ngóng mong một ngày nhận được tin tìm thấy hài cốt của chồng con. Nhưng, thời gian chờ đợi của mẹ đang dần ngắn lại…

Chồng và con trai, em trai của Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Bé (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) đã ra đi mãi mãi.

Không có mất mát nào đau buồn hơn nỗi đau mất con. Tây Ninh cũng có 1.467 bà mẹ chịu đựng nỗi đau ấy. Có mẹ phải nén thương đau khi cùng lúc mất đi hai người con trai; có mẹ lặng lẽ khi người con duy nhất không trở về…

Chia sẻ với những mất mát, đau thương đó, những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên lui tới thăm nom, chăm sóc và tặng quà vào những dịp lễ, tết để phần nào an ủi, động viên mẹ trong cuộc sống.

Từ năm 2021, mẹ Võ Thị Thạnh đã được Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Ngoài số tiền mỗi tháng công ty gửi tặng mẹ, những dịp lễ tết, đặc biệt là vào những ngày tháng 7, lãnh đạo công ty luôn ghé thăm, ngồi cùng mẹ hỏi han, trò chuyện như đứa con xa trở về.

Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Láng (ở phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng) có chồng và con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Trước đây, trên địa bàn Tây Ninh, Tổng Công ty nhận phụng dưỡng trọn đời 8 Mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng qua thời gian, hiện nay chỉ còn 6 mẹ. “Chúng tôi xác định đây là hoạt động hết sức ý nghĩa thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, truyền thống bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân; là trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp quốc phòng trên địa bàn mình đóng quân.

Dẫu biết rằng, những mất mát của các mẹ không gì bù đắp được, nhưng chúng tôi vẫn mong những buổi gặp gỡ, những món quà nhỏ này sẽ giúp các mẹ có thêm động lực để sống vui, sống khoẻ”- Trung tá Nguyễn Chí Kiên chia sẻ.

“Đây là khoảng thời gian đau buồn nhất, khi nhớ về đồng đội, anh em đã ngã xuống. Đất nước chúng ta đã phải đổ biết bao xương, máu mới đổi lấy được độc lập. Hôm nay, độc lập này được trao lại cho các thế hệ các cháu.

Rất mong lãnh đạo, những người đứng đầu hãy sáng suốt làm sao để nhân dân luôn được ấm no, hạnh phúc; mong mọi người đoàn kết để phụng sự Tổ quốc, lo gìn giữ nền độc lập, bảo vệ đất nước”- cụ ông 83 tuổi Đặng Hồng Châu nhắn nhủ.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong thời gian qua, công tác nhận phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Hiện có 17/17 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng suốt đời.

“Việc phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị thực hiện bằng hình thức cấp tiền hằng tháng, mỗi mẹ nhận mức thấp nhất là 500.000 đồng/tháng và mức cao nhất là 2,5 triệu đồng/tháng.

Việc quan tâm, chăm lo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng là việc làm có ý nghĩa, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm thiêng liêng thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn và sự hy sinh thầm lặng của các mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, ông Trần Quốc Bảo- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết.

Trách nhiệm với gia đình chính sách

Theo ông Trần Quốc Bảo- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, hằng năm, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các hộ gia đình luôn được Tỉnh uỷ, UBND quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương thực hiện tốt. Chế độ chính sách cho đối tượng người có công với cách mạng luôn được kịp thời, đầy đủ theo quy định.

Ngoài các chính sách của Trung ương, nhiều năm qua, từ ngân sách địa phương và nguồn thu kinh doanh khác, Tây Ninh đã thực hiện các chính sách riêng của địa phương như họp mặt, tặng quà tết nguyên đán hằng năm cho hơn 37.000 đối tượng là người có công, thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ, đối tượng hưởng trợ cấp 1 lần theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tặng quà cho một số đối tượng là người có công, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong dịp lễ, tết… với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn cũng đã trích một phần ngân sách của địa phương để thăm hỏi, tặng quà cho 7.247 lượt người với tổng số tiền trên 4,7 tỷ đồng.

“Đồng hành cùng chính quyền địa phương là rất nhiều các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng tham gia tặng quà cho các gia đình người có công. Thời gian qua, đã có trên 44.000 phần quà với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng; sổ tiết kiệm cho 7 hộ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 50 triệu đồng được trao tặng từ các mạnh thường quân. Những đóng góp, chia sẻ này của các mạnh thường quân đã góp phần tích cực cùng tỉnh nhà trong thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa”- ông Quốc Bảo nói.

Ông Đặng Hồng Châu bồi hồi xúc động khi nhận quà tặng nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ của tỉnh.

Bùi ngùi xúc động khi nhắc về những ngày tháng 7, ông Đặng Hồng Châu (xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu) cho biết, ngày xưa ông chưa hiểu nhiều về hai chữ “cách mạng”, nhưng vì ghét quân giặc cướp nước mà lên đường nhập ngũ.

Những năm qua, dù thương tích 61% thường xuyên hoành hành cơ thể, khiến ông đau nhức và dẫn đến nhiều bệnh tật. Nhưng bản thân ông thấy những hy sinh của mình là xứng đáng. Với ông, mong mỏi lớn nhất hiện nay là thế hệ kế tiếp hãy một lòng xây dựng quê hương.

Vẫn biết, những chăm lo hôm nay sẽ không thể nào tương xứng với những cống hiến, quên mình của các gia đình, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, nhưng hy vọng, những sẻ chia này phần nào xoa dịu được nỗi đau của các gia đình, để đời sống của những người có công được tốt đẹp hơn.

Đó là trách nhiệm, là tâm niệm mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi cách đây 2 năm: “Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân”.

Khải Tường

Đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp trong tỉnh đã vận động được gần 16 tỷ đồng. Nguồn quỹ này được sử dụng tập trung vào công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công. Thời gian qua, đã hỗ trợ xây mới 139 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 96 căn nhà cho người có công, thân nhân liệt sĩ với tổng số tiền trên 19 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp trong tỉnh và các tổ chức, cá nhân khác trực tiếp hỗ trợ. Hiện nay, mức hỗ trợ xây mới của tỉnh là 160 triệu đồng/căn; mức hỗ trợ sửa chữa thực tế là không quá 75 triệu đồng/căn.
Trong năm 2024, tỉnh đã xây mới 12 căn nhà cho người có công bàn giao trong dịp lễ 27.7.2024 với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục