Đọc báo in
Tải ứng dụng
Đền Trầm Lâm
2011-09-06 11:34:00

Đền Trầm Lâm vẫn được người dân khắp nơi gọi bởi tên dân gian là miếu Trăm Năm.

Đền Trầm Lâm vẫn được người dân khắp nơi gọi bởi tên dân gian là miếu Trăm Năm. Đến nằm ở ngay trong xóm Phú Thành, thuộc xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ngày xưa, đây là ngôi đền rất to lớn và linh thiêng, chiến tranh phá hoại đã khiến đền bị hư hại khá nhiều. Rất may là đến bây giờ, di tích vẫn còn giữ lại được ngôi đền, giếng nước và cổng Tam Quan.

Bước vào đền, có thể thấy ngay cổng Tam Quan với 1 hệ thống tường dài nối với nhau qua nhà quan tả, hữu với 2 cột nanh. Toàn bộ được xây bằng gạch, đá, vôi, vữa. Phía trên cột nanh có 2 con Nghê đang đứng chầu. Ba mặt cột có trang trí họa tiết rồng phượng và các câu đối. Nhưng do vì thời gian và chiến tranh, một số câu đối đã bị mờ, không nhìn rõ được nữa.

Di tích đền Trầm Lân được xây dựng theo hướng Nam, với kiểu nhà gỗ. Trước đây đền được lợp bằng lá cọ. Sau này khi tôn tạo lại, người ta đã thay bằng mái ngói.

Điều đặc biệt nhất ở ngôi đền này là 1 giếng nước hình bán nguyệt. Tương truyền rằng nước ở trong hồ một năm có 4 mùa thì nước giếng có 4 sắc. Mùa xuân nước xanh, mùa hạ nước hồng, mùa thu nước trắng và mùa đông nước đen.

Trong đền hiện giờ vẫn còn lưu giữ đôi liễn khắc do Thái tử Thiếu bảo Nguyễn Chính, nguyên là Tổng độc Nghệ An cúng: “Công phù đại địa trung hưng thánh/ Danh trấn nam thiên thượng đẳng thần” và bức hoành do 1 vị Trực cơ khâm sai đại thần cung tiến đề 3 chữ lớn “Nghiễn Thiên Muội”

Đền Trầm Lâm thờ “Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm kiêm lục quốc thanh y anh linh diệu ngọc linh ứng thiên thần”. Là vị thần từng được các triều Lê - Nguyễn phong là “Thượng thượng đẳng tối linh thần”. Ngoài ra còn có 2 vị thần được thờ vọng là “Mã Hồng Công chúa” và “Thập nhị Thiên  Tiên Nương”

Vào thế kỷ thứ 14, khi triều đình phong kiến đời Trần đổ nát, triều Hồ lên thay. Lúc bấy giờ, triều Minh đã mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” nhằm lâm le xâm chiếm nước ta. Cuộc chiến kéo dài suốt 1 thời gian rất lâu. Quân giặc dần dần đánh chiếm kinh thành Thăng Long và Tây Đô Thanh Hóa.

Không chỉ dừng lại ở đó, giặc Minh ngày càng đánh sâu vào miền Nam, quấy nhiễu, hà hiếp nhân dân. Khắp nơi cảnh xương tan, máu chảy, nhân dân lầm than, bi thảm, tiếng than thấu tận trời xanh.

Để cứu dân, thiên đình đã sai tiên nữ xuống trần để ra tay độ thế, giúp dân thoát khỏi nạn giặc giã. Bà đã ra tay giúp mọi người thoát khỏi sự bạo tàn của quân giặc. Nhân dân gọi bà là Đức Thánh Mẫu.

Cũng trong thời gian đó, một người dân trong vùng Ấu Sơn trong 1 đêm đã bị lạc vào trong rừng. Khắp nơi chỉ có bạt ngàn cây cối và muông thú. Mệt lả vì đói, khát thì bất chợt phía xa xa, người đó nhìn thấy 1 giếng nước. Trên giếng nước xuất hiện 1 cô gái với bộ trang phục màu xanh đang chèo thuyền. Khi người đi lạc đường lại gần thì cô gái biến mất. Khi tìm được đường trở về nhà, người đó đã đem câu chuyện đó kể với mọi người. Người dân trong vùng đã lập nên 1 cái am nhỏ bên cạnh giếng nước thờ Đức Thánh Mẫu và gọi là đền Trầm Lâm.

Sở dĩ người ta gọi là đền Trầm Lâm (Rừng chìm), theo một số nhà nghiên cứu cho rằng ở thế kỷ thứ 4, đất Hương Khê chỉ là 1 hồ rộng, dưới đáy là 1 lớp than gầy. Sau đó đáy hồ nâng dần lên, nước hồ theo 1 vệt nứt đổ ra biển. Đất dâng lên đã vùi lấp những khu rừng.

Còn nhiều điều thú vị nữa về ngôi đền thiêng mà người dân ở đây vẫn lưu truyền lại. Cũng chính vì thế, từ lâu, đền Trầm Lâm đã trở thành địa điểm tín ngưỡng của người dân huyện Hương Khê và nhiều nơi trong cả nước.

Năm 2001, đền Trầm Lâm thuộc quần thể di tích Thành Sơn Phòng - Đền Công Đồng - Đền Trầm Lâm được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia.

K.D (st)

Từ khóa:
Tin liên quan