Quốc tế   Vòng quanh Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đến trung tâm Trái Đất từ miệng núi lửa Nyiragongo

Cập nhật ngày: 16/01/2013 - 05:44

Một nhóm các nhà khoa học và các nhà thám hiển gan dạ đã đặt chân đến bờ của một hồ dung nham sôi sùng sục, nằm sâu dưới miệng núi lửa Nyiragongo, “trái tim” của vùng Đại Hồ (Great Lakes) của châu Phi.

Các thành viên trong đoàn đều từng xem qua những tấm ảnh từ ngày đầu phát hiện khung cảnh ngoạn mục này: bộ ảnh “Luồng hơi thở của Quỷ” chụp từ năm 1960 bởi nhiếp ảnh gia Haroun Tazieff. Trên ảnh là khung cảnh chụp từ rìa miệng núi lửa, cao khoảng 3.400 mét so với mực nước biển. Hồ dung nham này quả là một kì quan “đáng sợ” của lục địa đen. Đây là hồ dung nham có kích thước lớn nhất thế giới, và tồn tại vĩnh viễn. Các nhà khoa học ước tính nó chứa đến 282 triệu mét khối dung nham.

Trên mặt hồ, những bong bóng dung nham cứ nổ tanh tách liên tục. Điều này diễn ra do sự vận động không ngừng của lớp vỏ Trái Đất. Khí ga thoát ra từ bên dưới và phát nổ vô tình tác động lên lớp dung nham bên trên.

Mục tiêu lớn nhất của lần thám hiểm này là tiếp cận hồ dung nham gần nhất có thể. Để an toàn, lều trại được dựng cao hơn mực hồ khoảng 120 mét. Mặc dù dung nham của hồ thường tràn ra ngoài, nhưng bảy thành viên trong đoàn thám hiểm vẫn mạo hiểm tiếp cận, điều mà trước đây chưa ai từng làm. Núi lửa Nyiragongo là một trong tám ngọn núi lớn còn hoạt động của dãy Virunga. Trong hai năm 1977 và 2002, dung nham từ vùng hồ này đã tràn ra ngoài, phá huỷ một phần của thành phố Goma, thuộc Cộng hoà Dân chủ Congo.

Để thực hiện công cuộc thám hiểm này, tất cả thành viên phải trải qua bốn tháng huấn luyện khả năng leo núi thám sát. Đoàn phải “tải” theo khoảng 680 kí lô bao gồm dụng cụ leo núi, lều bạt, thức ăn nước uống chỉ đủ dùng trong hai ngày.

Việc tiếp cận được vùng hồ này là một điều “khó nhằn” bởi vì khí phụt lên liên tục làm cản trở tầm nhìn của các thành viên. Đó là chưa kể đến độ dốc núi thẳng đứng và trơn trợt. Ban đêm, dung nham rực lửa từ lòng hồ chẳng khác  gì ngọn đèn ngủ của cả đoàn. Nhưng bởi vì khí ga từ lòng hồ thoát ra vô cùng độc hại, nên khi ngủ mọi người đều phải đeo mặt nạ phòng độc.

Dario Tedesco, một nhà núi lửa học kiêm trưởng Trung tâm Phân tích và Phòng chống thảm hoạ thiên nhiên, sẽ nhận nhiệm vụ thu khí ga để tìm hiểu giai đoạn hoạt động của ngọn núi lửa này. Sẽ là điều cần thiết khi biết được ngọn núi này đang “ngủ hay mới thức, hay đã thức lâu” để dự đoán tốt hơn về lần phun trào sắp tới. Những ống nhựa được luồn dưới lớp đá nham thạch nóng bỏng để thu khí tiềm ẩn bên dưới, chứ không đơn thuần chỉ là khí thoát ra bên ngoài.

Các thành viên luôn phải liên lạc thường xuyên với nhau qua bộ đàm, báo cáo về hoạt động của hồ ở từng khu vực, cũng như cảnh báo về hướng khí ga phun qua mỗi giờ.

Rất may mắn cho đoàn thám hiểm vì gió bỗng trở thành “trợ thủ đắc lực”. Gió thổi mạnh một chiều “thổi bay” đáng kể hơi nóng từ một hướng, giúp cho mọi người dễ dàng tiếp cận dòng dung nham hơn. Một dòng dung nham cháy đỏ bắt đầu “bò” ra khỏi bờ hồ vào ban đêm. Cứ mỗi năm, hồ dung nham này ngày càng lớn ra và dễ dàng chạm đến miệng núi lửa hơn. Đến một ngày, miệng núi lửa Nyiragongo như một chiếc tô bị đổ đầy dung nham và tràn cả ra ngoài. Nhiệm vụ quan trọng của đoàn thám hiểm chính là tiên đoán chính xác thời điểm nào diễn ra sự kiện khủng khiếp đó và làm sao để kịp thời ngăn chặn.

TT (st)