Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mường Và có nếp tan - một đặc sản nổi tiếng của vùng. Hương vị đậm đà, độ dẻo thơm đặc biệt của giống nếp tan nơi này khiến du khách khó mà quên.
Cánh đồng nếp tan đang vào thời kỳ thu hoạch (Ảnh:baosonla.org.vn).
Ở Mường Và, giống nếp tan được bà con người Thái trồng từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhà nào cũng có. Đặc biệt, trong lễ hội Khẩu hó và Xên mường - 2 lễ hội lớn của đồng bào vùng này, không thể thiếu những mâm xôi nếp tan.
Anh Lò Văn Chiến, ở bản Mường Và, xã Mường Và, cho biết: “Nếp tan ở bản mình đã có từ lâu, lớn lên đã thấy các cụ để lại cho giống này rồi. Lúc chọn giống phải tỉa từng cây cái to, cây tốt để lại. Chọn cây to, cây khỏe làm giống thì sẽ bén giống tốt, năng suất, cây khỏe hơn”.
Nếp tan Mường Và được bà con gọi là tan Hin, tan Nhe, tan Lo. Các giống lúa này có hạt to, mẩy, dài. Khi đồ xôi, hoặc nấu cơm nếp, có hương vị đậm đà, để vài ngày mà cơm không bị cứng, vẫn dẻo thơm. Nếp tan Mường Và chỉ trồng vụ mùa chính vào tháng 6, tháng 7 hằng năm, thu hoạch tháng 10, 11. Quy trình trồng nếp tan khá kỹ càng, đảm bảo ruộng phải bừa, cày ải 1-2 tháng mới trồng. Khi cấy mạ phải cấy thưa vì lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh dày.
Anh Lò Văn Chiến cho biết: “Về kỹ thuật cấy thì không phải cấy thẳng hàng mà cấy so le. So le giữa gốc này với gốc kia, chỗ bình thường khoảng 20 phân, chỗ tốt là 25 phân một khóm”.
Thông thường, cứ 1 ha chỉ cho thu 5 tấn thóc nếp. Mặc dù nếp tan Mường Và chất lượng cao, dẻo thơm nức tiếng đến thế, nhưng bà con chỉ trồng chủ yếu để sử dụng trong gia đình và làm quà biếu người thân, anh em, bạn bè. Đến những năm 1989-1990, đặc sản nếp tan đặc trưng của vùng đã bị lai tạp khi người dân ồ ạt trồng giống nếp 87 với năng suất 8-9 tấn/ha.
Từ năm 2014, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Sơn La, huyện Sốp Cộp và xã Mường Và đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển giống lúa đặc sản nếp tan Hin, tan Nhe”, nhằm phục tráng giống nếp tan đặc sản Mường Và, đưa sản phẩm nếp tan trở thành hàng hóa. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm được gắn với bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp. Năm 2014, dự án triển khai 70 ha ở bản Mường Và, năm 2015 thêm 70 ha ở 5 bản khác, phấn đấu 1-2 năm tới sẽ đạt khoảng 200 ha toàn xã.
Dự án “Bảo tồn và phát triển giống lúa đặc sản nếp tan Hin, tan Nhe" thành công, nếp tan Mường Và sẽ có cơ hội trở thành một trong những sản vật để giới thiệu bạn bè gần xa khi đến vùng đất biên ải này.
Bích Thuỷ (VOV-Tây Bắc)