Sơn thuỷ hữu tình vùng đất Bảy Núi (An Giang vốn thu hút nhiều du khách. Vào thời điểm đầu tháng 10 hàng năm, du khách càng đến nhiều hơn để hòa mình vào không khí lễ hội của người Khmer An Giang: hội đua bò Bảy Núi.
Khi mùa vụ đã xong, bà con dân tộc Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) bắt đầu sắm sửa mọi thứ cho ngày lễ truyền thống. Sen Đôn-ta là cái Tết quan trọng trong năm của người Khmer. Đến các chùa Khmer ở An Giang dịp này, du khách phương xa hòa nhập vào không khí phum sóc rộn ràng, chùa chiền khoác lên chiếc áo mới. Thông thường, lễ Sen Đôn-ta diễn ra từ 28-8 đến mùng 1-9 âm lịch; nếu tháng thiếu, lễ kéo dài đến mùng 2 -9 âm lịch. Lễ diễn ra trong 4 ngày, gồm: Lễ đặt cơm vắt, Lễ cúng tổ tiên, Lễ hội linh và Lễ đưa tiễn ông bà đã khuất. Sau những nghi lễ tâm linh, trai gái phum sóc lại quây quần bên nhau múa hát.
Đặc biệt, người Khmer An Giang có hội đua bò truyền thống độc đáo. Đối với người Khmer, con bò gắn với nhà nông. Ngày trước nhà giàu được tính bằng số lượng bò mà gia đình sở hữu. Khi kết thúc mùa vụ, bà con chăm sóc bò cho tốt, cho khỏe để tham gia đua bò. Đua bò do nhà chùa tổ chức, tạo sinh khí vui tươi cho phum sóc. Ban đầu, chỉ có những đôi bò của các gia đình trong phum sóc tham gia tranh tài. Đôi bò nào thắng trận nhận được giải cao là niềm hạnh phúc của gia đình vì được tiếng siêng năng, thương con vật và chăm sóc tốt. Dần dần, cuộc thi này được mở rộng giữa các phum sóc với nhau. Đến nay, hội đua bò trở thành “đặc sản” của vùng Bảy Núi và được mở rộng khắp ĐBSCL, lan sang các tỉnh lân cận của Vương quốc Campuchia. Những đôi bò được chăm sóc kỹ hơn. Chủ bò biết dùng sô-đa, bia... pha trộn với hột gà, mật ong để bồi dưỡng cho các vận động viên bò, tăng thêm sức hăng khi thi đấu. Vào ngày hội đua bò, hàng vạn người từ khắp nơi đổ về xem. Có người vượt hàng trăm cây số từ các tỉnh miền Trung vào...
Cuộc đua thường có khoảng 40 đôi bò. Cặp bò nào cũng được chăm sóc kỹ lưỡng trước cuộc thi ít nhất một tháng. Sân thi đấu là một khoảng đất trống, xung quanh được bồi đất lên cao làm chỗ đứng cho khán giả, cổ động viên. Từng đôi bò mang ách vào cổ, lưỡi cày được cắt răng để lướt nhanh hơn. Mỗi lần thi có 2 cặp bò và người điều khiển, có thể gọi là “nài” hoặc “tài xế” tùy thích. Thể lệ đã được thay đổi nhiều nhưng vẫn giữ được hai vòng “hô” và “thả” vòng “hô” được xem là vòng các vận động viên làm nóng, biểu diễn chào khán giả. Ở vòng này, các đôi bò đi chầm chậm. Người xem quan sát, phán đoán, chọn đôi bò cho riêng mình để tăng phần hứng khởi khi cuộc tranh tài diễn ra. Vòng “thả” là phần chính gây thích thú nhất. Từng cặp bò vào vòng thi quyết liệt. Cái tài của “anh nài” là điều khiển được đôi bò đi đúng đường đua và biết cách thúc bò nước rút để đến đích. Các “anh nài” phải giữ thăng bằng tốt khi bò chạy vì bị té là xem như thua vòng đấu đó. Thông thường, người điều khiển sử dụng cây xà-lun, cán cây có đinh nhọn và sắc ở đầu để đâm vào hông bò, thúc chúng chạy nhanh hơn. Cũng có những lúc bò “chạy hoảng” khỏi đường đua, đâm hàng khán giả gây nên cuộc náo loạn nhưng mọi người rất thích thú. Đường đua đầy sình lầy, nước nên mỗi khi cặp bò đi qua, nước văng tung tóe, ướt cả áo quần, tóc tai của khán giả. Dù vậy, người xem không lấy làm khó chịu khi bùn bẩn đầy người. Tất cả khán giả hòa mình vào cuộc chơi, chẳng nệ hà gì.
Cổ động viên kéo đến trường đua rất đông. Các phum sóc có cặp bò đua đều có vận động viên riêng. Họ mang theo cơm gạo, thức ăn để cùng nhau ăn lấy sức cổ động. Ai nấy cũng hào hứng, cổ vũ cho cặp bò dẫn đầu, phong thái biểu diễn tốt. Kết thúc cuộc đua, chủ đôi bò về nhất được phần quà có giá trị lớn. Nhưng quan trọng là giá trị đôi bò thắng cuộc sẽ tăng rất cao, nhiều “lái bò” tìm đến ngã giá để mua được đôi bò về dưỡng, chuẩn bị cho các cuộc thi tài năm sau. Khán giả thì ai nấy cũng lấm lem bùn đất. Nhà chùa chuẩn bị sẵn các vòi nước, nhà tắm công cộng phục vụ khách. Vẫn có nhiều người để nguyên mùi sình đất trở về nhà như một “chiến tích”.
Hội đua bò diễn ra hàng năm. Gần đến ngày hội, mọi người đã kháo nhau và lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chơi lý thú này. Nhiều đoàn khách trẻ lên kế hoạch đi chơi Bảy Núi và vui hội đua bò suốt nhiều ngày để tìm hiểu văn hóa của người Khmer và thong dong giữa núi rừng, thưởng lãm cảnh đẹp sông núi. Nếu lập kế hoạch kỹ lưỡng, du khách sẽ có được chuyến du lịch xanh lý tưởng xuyên suốt vùng đất An Giang, gồm các điểm: Đền thờ Bác Tôn trên đất cù lao Ông Hổ (Long Xuyên); đến Châu Đốc chèo xuồng trên kinh Vĩnh Tế, đi qua làng Chăm để tìm hiểu nét văn hóa và nghề dệt thổ cẩm của người Chăm vùng sông nước; trở vào núi Sam viếng lăng Thoại Ngọc Hầu, chiêm bái Bà chúa Xứ... và nhìn toàn cảnh kinh Vĩnh Tế trên đỉnh núi; lên Anh Vũ Sơn... ngắm mây, lên Thiên Cấm Sơn, Phụng Hoàng Sơn... vãn cảnh được xem là chốn Bồng Lai tại thế; dạo bước trong rừng tràm Trà Sư được xem là lá phổi của đồng bằng... trước khi bước chân vào trường đua bò vui nhộn và độc đáo.
K.D (st)