Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đi chơi lỡ trúng mưa bão thì phải làm sao?
Thứ năm: 15:21 ngày 20/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nếu chẳng may nơi bạn dự định đến du lịch rơi vào đợt mưa bão thì bạn sẽ làm gì? Những gì cần trang bị để giúp bạn tận hưởng được chuyến đi và quan trọng nhất là sự an toàn của bản thân cũng như bạn đồng hành?

Một cô gái nước ngoài đạp xe trên con đường làng ở miền Bắc nước ta trong ngày mưa - Ảnh: GIA TIẾN

Mùa mưa có nên đi chơi?

Một điều thường thấy là mỗi khi chuẩn bị cho chuyến đi du lịch, các bạn trẻ thường ưu tiên quan tâm đến hành trình, thời gian, tiền bạc, nơi chốn ăn ở, phương tiện đi lại cho chuyến đi... chứ ít người lưu ý đến một yếu tố rất cần cân nhắc là thời tiết điểm đến.

Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều người cho rằng không nên đi du lịch trong mùa mưa bão chút nào vì rất uổng phí thời gian, tiền bạc mà chẳng đi được tới đâu.

Một bạn trẻ tên Minh Khang chia sẻ trên một diễn đàn du lịch: "Mình nghĩ nên để ý thời tiết, vì vào mùa mưa bão, mình đi đâu cũng sẽ rất nguy hiểm. Như trường hợp của mình, mấy lần đi lên động Lùng Khúy mà toàn gặp trời mưa to, không đi được, lại phải quay về".

Một ý kiến khác từ nickname tên bactypro đồng quan điểm: "Mình thấy mùa mưa không nên đi vì sẽ rất là nguy hiểm ở những nơi dốc và đèo núi".

Nhiều bạn trẻ chia sẻ kinh nghiệm du lịch với nhau trên mạng đều cho rằng nếu lỡ lên kế hoạch cho chuyến đi của mình vào mùa mưa bão thì nên hủy hoặc thay đổi lịch trình tới một nơi khác an toàn hơn.

Với lựa chọn thay đổi lịch trình, tất nhiên bạn sẽ đến một nơi mà bản thân không thực sự muốn và tốn thêm một khoản chi phí nữa cho việc di chuyển.

Chưa kể, bạn cũng phải xót bụng nếu đã đặt trước khách sạn, phương tiện di chuyển ở hành trình trước đó nhưng buộc phải hủy.

Vì thế, điều quan trọng khi lên kế hoạch đi du lịch là phải tìm hiểu và cập nhật thông tin thời tiết điểm đến để không ảnh hưởng đến "những tháng ngày rong chơi tươi đẹp" của bạn.

Chuẩn bị hành trang phòng mưa bão

Thế nhưng nếu thời tiết đỏng đảnh, bạn vẫn không lường trước được chuyện sẽ gặp một cơn mưa trái mùa hay thậm chí là một trận bão bất chợt trong chuyến du lịch của mình. Chính vì vậy, việc không bao giờ thừa thãi của bạn là chuẩn bị hành trang thật kỹ lưỡng khi còn ở nhà.

Từng có chuyến du lịch tới Hà Nội vào những ngày mưa mùa đông, bạn Bá Duy - sinh viên năm cuối khoa Báo chí - Truyền thông Trường ĐH KHXH & NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) - kể lại: "Thời tiết lúc đó ẩm ướt, lạnh buốt, rất khó chịu.

Dù biết trời Hà Nội mưa mà mình chỉ đem theo đúng một đôi giày thôi, cảm giác không đủ để xài, bởi vì sau đó còn phải đi Nhật Bản, mà ở Nhật cũng đang mùa đông nữa.

Thế là mình quyết định ra chợ Đồng Xuân, mua một đôi ủng của người lao động để đi tạm, vừa chống nước và đỡ bẩn. Mọi người trong đoàn mới khen là nhìn từ xa trông không khác gì giày da, rất thời trang, đâu có ai biết là đôi đó chỉ có 40.000 đồng. Còn đôi giày kia thì mình dùng máy sấy ở khách sạn để làm khô".

Bá Duy nói bạn trẻ đi du lịch mùa mưa bão nên mang theo hoặc mua thêm áo giữ nhiệt và chống thấm để có thể đi trong mưa nhẹ mà không bị ướt, đồng thời giữ ấm cho cơ thể, phòng ngừa bệnh cảm lạnh. 

Bạn trẻ Việt Nam đi du lịch Myanmar gặp mưa bão - Ảnh NVCC.

Đừng "bất chấp hết để đi chơi xa"

Đi du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, gặp trời mưa bão thì bạn có thể "trú ẩn" trong khách sạn, ăn ở thoải mái và an toàn. Còn với kiểu du lịch phượt với hành trình hầu hết là đi vào rừng núi xa xôi, hiểm trở, đi lại khó khăn, bạn cần kỹ năng du lịch tốt cũng như chuẩn bị chu đáo nhiều thứ trước chuyến đi. Bạn cũng phải tính đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Một người có kinh nghiệm sau nhiều chuyến đi phượt, anh Bảo Đương - nhân viên Công ty viễn thông FPT - kể lại lần đi leo núi Chứa Chan ở Đồng Nai:

"Đôi lúc sẽ đổi lịch trình, đôi lúc sẽ tìm địa điểm khác để thay thế. Tùy thuộc vào điểm đến ở đâu, đồng đội đi chung là ai và tình hình mưa gió như thế nào. Nếu thời tiết không thuận lợi thì có thể hoãn chuyến đi và chờ chuyến đi bù trong thời gian gần. Thời tiết quá nguy hiểm thì phải hủy chuyến đi để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong nhóm".

Bảo Đương cho hay những thứ cần thiết khi đi du lịch phượt là áo mưa (lều + túi ngủ), than (gas + dụng cụ khò gas), pin sạc dự phòng (bảo quản kĩ lưỡng đồ đạc, đặc biệt là đồ điện tử).

Chuẩn bị đồ ăn sẵn đi đường và đồ ăn để nấu nướng thì phải gọn nhẹ, lâu hư hỏng trong trường hợp có thời tiết xấu.

Nếu trời mưa nhỏ, nhóm phượt có thể vẫn ngủ tại lều bình thường. Nếu mưa lớn thì cần thuê nhà nghỉ giá rẻ, tuyệt đối không được tiếc tiền trong trường hợp này vì nhiều khi mưa gió làm thành viên đổ bệnh cảm lạnh thì cả nhóm sẽ gặp rắc rối và chi phí thuốc men, thậm chí đi tìm bệnh xá để chữa sẽ mất thời gian và tốn kém ngoài kế hoạch.

Du lịch những ngày mưa các bạn trẻ cần hạn chế đi đêm tối, di chuyển gần nhau để có sự cố sẽ giúp đỡ được. Tránh những nơi dễ trơn trượt như vách đá hay gió mạnh và ít góc che chắn để trú chân như bờ biển.

Bạn Gia Tiến (quận Phú Nhuận, TP.HCM) trong chuyến du lịch bằng xe máy đi qua đèo Ngang ở giáp ranh 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình trong một ngày mưa gió tháng 2-2017. "Một mình tôi một con đèo, trời vẫn mưa và gió trên đèo còn mạnh hơn nữa" - Gia Tiến kể lại.

Xử trí những tình huống bất ngờ

Nữ phượt thủ Hồ Đức (quê Bảo Lộc) cho rằng những bạn trẻ đi du lịch trong điều kiện thời tiết xấu "phải rất 'cứng', mạnh mẽ, sáng suốt, biết xử lý tình huống nhanh để nếu xảy ra chuyện gì thì không bị luống cuống".

Hồ Đức kể lại kinh nghiệm: "Một lần, chúng tôi đang lên đèo Bảo Lộc thì gặp mưa lúc khoảng 19h tối. Trước khi đi mọi người có chuẩn bị tư trang hành lý hết rồi nhưng mưa to quá thì vẫn ướt người. Ngay lúc đó, tôi và một bạn nữ đi cùng quyết định tạm dừng, ghé vào nhà dân xin trú tạm, chờ hết mưa đi tiếp chứ nếu không sẽ rất nguy hiểm. Địa hình đèo núi cao, đường dốc, lỡ xảy ra sạt lở hay cây cối đổ, đất đá rơi trúng xe và người thì trở tay không kịp".

Lần khác, Hồ Đức và nhóm bạn phượt 6 người cũng có kỉ niệm khi đang cắm lều ngủ qua đêm trên đồi tại Đà Lạt thì bất ngờ gặp đợt áp thấp nhiệt đới. "Mưa lớn, không có củi nấu, mọi người lôi hết hành lý ra sưởi ấm, uống nước nóng mang sẵn trong bình thủy. Đó là những kỉ niệm đáng nhớ. Tuy nhiên, tốt nhất là phải chuẩn bị kĩ và đề cao sự an toàn lên trên hết" - Hồ Đức nói.

Một nhóm bạn trẻ đi phượt quây quần trong bữa ăn tối.

Du lịch mùa mưa suy cho cùng cũng mang đến cho bạn những trải nghiệm đáng nhớ. Một số trường hợp gặp khó khăn trên đường có thể tạo cơ hội cho bạn thể hiện kỹ năng sống, ý chí mạnh mẽ vượt qua thử thách, tinh thần đồng đội, khả năng phối hợp nhóm để giải quyết sự cố...

Dù vậy, "đừng bất chấp hết để đi chơi, bởi trong mọi tình huống, sự an toàn của bạn là trên hết. Bạn cần đặt nặng yếu tố thời tiết trước khi đi và thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết thay đổi mỗi ngày để có sự chuẩn bị tốt nhất" - Hoài Nam, một phượt thủ xe máy từ Sài Gòn từng đi khắp miền Tây và Đông Nam bộ, nói.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục