BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đi chùa tháng Giêng-đẹp và chưa đẹp 

Cập nhật ngày: 19/02/2019 - 23:48

BTN - Đầu năm mới, thắp nén hương kính Phật, làm những việc thiện lành chừng mực, văn minh sẽ góp phần bảo toàn những nét đẹp tâm linh, bằng ngược lại sẽ mang đến sự phản văn hoá.

Khách hành hương thắp nhang tại chùa Bà.

Đầu năm, đến chùa thắp nén nhang, cầu bình an, sức khoẻ cho người thân hay chính mình là nét đẹp văn hoá. Theo quan niệm của nhiều người, đầu năm có suôn sẻ, thuận lợi thì cả năm thuận lợi, suôn sẻ. 

Theo nghiên cứu gần đây, nhiều loại nhang được bán trên thị trường không có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt, các loại nhang thơm được tẩm nhiều loại hương liệu, chất độc vô cùng nguy hiểm, nếu ai hít nhiều vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Anh Trần Ngọc, du khách hành hương (ở TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, năm nào gia đình anh cũng tổ chức đi viếng chùa Bà vào tháng Giêng. Trước đây, mỗi khi đến chùa, anh thường thắp rất nhiều nhang. Năm nay, anh chỉ vào lạy Phật, không thắp nhang nữa vì anh được nghe nhiều sư thầy giảng rằng, thắp hương chỉ là tượng trưng. Lễ phật cần có cái tâm, sự thành kính, còn thắp hương hay không thắp cũng không sao cả.

Chị Lê Thị Ngà, một du khách bày tỏ, trong một lần đi lễ chùa, chị đã không may bị phỏng do quẹt phải bó nhang cháy đỏ. Sau lần đó, chị luôn cảm thấy lo lắng khi đến chùa mà có quá đông người thắp nhang. Chị nhận ra rằng, đi chùa ai cũng cầm một nắm nhang để thắp thì không khí xung quanh rất ngột ngạt. Từ đó, chị quyết định đi chùa không thắp nhang nữa để tránh làm phỏng người khác.

Mỗi năm, chị Nguyễn Thị Cẩm Quý (xã Mỏ Công, Tân Biên) đều sắp xếp thời gian đi  viếng chùa vào dịp rằm tháng Giêng. Năm nay, chị Quý chọn đến chùa Gò Kén để viếng và gửi gắm những ước vọng đầu năm mới.

Chị nói: “Mỗi đầu năm, tôi đều tranh thủ đến chùa hay đi núi Bà để cầu bình an cho gia đình, cho công việc được suôn sẻ. Mỗi lần tổ chức đi chùa, tôi còn tìm thấy niềm vui bên bạn bè, người thân”.

Chị Võ Thuý Kiều (xã Tân Hưng, Tân Châu) trong mỗi dịp đầu năm mới cũng thường đến những ngôi chùa trên địa bàn tỉnh để cầu bình an. Chị chia sẻ: “Tôi chỉ đi viếng chùa vào mỗi dịp tết, để cầu nguyện cho bản thân, gia đình, đồng nghiệp được đầy đủ sức khoẻ!”.

Không chỉ viếng chùa chiền trong tỉnh, nhiều người còn tổ chức những chuyến hành hương dài ngày, kết hợp du xuân ở các tỉnh, thành. Nhiều năm nay, vào mỗi dịp tết, chị Nguyễn Thị Phượng (xã Hiệp Tân, Hoà Thành) lại cùng những người bạn trong xóm thuê xe đi Châu Đốc - Hà Tiên viếng chùa.

Dẫu đi hằng năm, nhưng chị Phượng vẫn luôn có tâm trạng háo hức. Theo chị, những chuyến viếng thăm chùa chiền trong tháng Giêng vừa đem lại cảm giác bình an vừa giúp chị tìm hiểu thêm những cảnh đẹp ở miền Tây sông nước. 

Đầu năm mới, đến chùa nguyện cầu bình an là một nét đẹp cần gìn giữ. Thế nhưng, ở các đình, chùa vẫn còn các hoạt động xin xăm, xin keo, giải hạn, đốt vàng mã và thắp nhang một cách vô tội vạ, khiến hình ảnh lễ chùa bị xấu xí đi không ít.

Tại chùa Bà trong Khu du lịch núi Bà Đen, những ngày qua, người dân đến thắp hương, cầu khấn đông đúc. Những chiếc lư hương trong chùa luôn trong tình trạng nghi ngút khói.

Vào lạy Phật, có người chỉ thắp vài cây nhang, nhưng có nhiều người thắp cả bó. Giữa trưa nắng nóng trên núi, nhiều người vô tư đốt cả bó nhang to, rồi đem cắm vào lư hương khắp các nơi có thờ cúng Phật. Mùi hương nồng nặc từ khói nhang còn khiến nhiều người cay mắt, chảy cả nước mắt, ngộp thở. Nguy hiểm hơn, nhiều người cầm cả bó nhang cháy đỏ cầu khấn khá lâu, người xung quanh không đề ý, bị tàn nhang rơi trúng bị bỏng hoặc cháy áo.

Những người làm công quả ở chùa liên tục gom nhanh những bó nhang chỉ vừa cháy được một ít ra khỏi lư hương, nhúng nước đem bỏ để nhường chỗ cho những cây nhang khác. Mặc dù vậy, dòng người vẫn cứ nườm nượp đốt, thắp nhang ở khắp nơi tại chùa Bà.

Gương mặt mồ hôi nhễ nhại, mắt đỏ hoe, trên tay cầm bó nhang to nghi ngút khói chuẩn bị vào lạy Phật, chị Nguyễn Thị Hà, một người dân ở thành phố Tây Ninh cho biết, mỗi khi đến chùa, chị luôn mua một bó nhang để thắp khấn Phật. Bởi theo quan niệm của chị, khi đến chùa phải thắp nhang đầy đủ ở các nơi thờ cúng các vị Phật mới thể hiện được sự thành tâm. Do đó, dù mệt, phải chen chúc chờ đợi, chị Hà vẫn cố gắng thắp hương cầu an cho gia đình.

Ngoài ra, việc xin xăm, xin keo diễn ra ở hầu hết các ngôi chùa, miếu trên địa bàn tỉnh, như miếu Quan lớn Trà Vong, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Gò Kén - Thiền Lâm… Nơi nào cũng có đông người cầu nguyện, chờ đến lượt cầm ống thẻ để xóc. Có người chờ quá lâu, thò tay rút đại một cây xăm trong ống mà không cần xóc. Có được số xăm, nhiều người ra ngoài lấy lá xăm tương ứng, sau khi móc tiền bỏ vào thùng công đức.

Hầu như những vị trí đưa lá xăm tại các chùa, miếu đều có thùng tiền này. Không ít người khi cầm lá xăm mang chữ hạ hạ đã vội vo tròn, ném ngay vào thùng rác, rồi quay vào quỳ xin tiếp… Xin xăm đầu năm là một trong những tín ngưỡng dân gian. Lá xăm chỉ là biểu hiện của tâm linh, có thể đúng hoặc sai, ấy vậy mà không ít người đi viếng chùa chiền lại đặt niềm tin hoàn toàn vào những lá xăm may rủi này.

Vào dịp tết và rằm tháng Giêng năm nay, tại một số chùa, miếu nổi tiếng như chùa núi Bà, miếu Bà Chúa Xứ… chúng  tôi vẫn còn thấy nhiều người bày bán chim phóng sinh. Chị Lan Hoa, một người đến viếng chùa Bà chia sẻ rằng: “Ai mà không xót lòng khi nhìn những chiếc lồng chứa cả trăm chú chim nhỏ chen chúc để chờ được phóng sinh, phía đáy lồng có con nằm im như đã chết. Tôi không ngại bỏ tiền để mua chim phóng sinh, chỉ e việc mình làm lại vô tình tiếp tay cho những người ở đây quen thói hành nghề bắt chim đem bán mà thôi”. 

Bán chim phóng sinh tại chùa Bà.

Đầu năm mới, thắp nén hương kính Phật, làm những việc thiện lành chừng mực, văn minh sẽ góp phần bảo toàn những nét đẹp tâm linh, bằng ngược lại sẽ mang đến sự phản văn hoá. Tháng Giêng, kính Phật, người đến chùa lòng đầy thành tâm thì sẽ tự thấy an nhiên, phúc đức vậy.

VI XUÂN - CHÂU PHA