Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Di Hữu Xã của làng xưa Ninh Thạnh
Thứ tư: 11:04 ngày 19/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Như mọi năm, vào đúng ngày 15.3 âm lịch, đình Thái Vĩnh Ðông trên địa bàn phường 1, TP Tây Ninh làm lễ Kỳ yên. Không gian nhỏ bé ở sân đình náo nhiệt hẳn lên. Bởi bà con trong xóm góp tay cho lễ được khang trang, chu đáo. Các ban hội đình miếu từ các nơi tấp nập về tham dự.

Ngay cả cụ Trưởng Ban Quý tế không còn nhớ rõ từ năm nào mà ngôi miếu nhỏ thờ Quan lớn Trà Vong lại trở thành đình Thái Vĩnh Ðông. Nhưng cụ chắc chắn rằng ngôi đình này mới chính là “hậu duệ” của đình làng xưa Ninh Thạnh. Trong khi đó bên khu phố 1, phường 1 còn có đình Thái Ninh. Nhiều bậc cao tuổi tiền bối quả quyết rằng đình Thái Ninh mới chính là đình Ninh Thạnh những ngày xưa.

Ông Nguyễn Văn Sến, Trưởng Ban Quý tế đình Thái Ninh cho biết, từ trước năm 1942, ngôi đình đã được tôn tạo trong khuôn viên đất rộng tới hơn 2 ha, và được gọi là đình Ninh Thạnh. Ðến nay, dù hơn nửa khu đất đã được Nhà nước quản lý, giao cho các đơn vị sử dụng thì ngôi đình vẫn còn khoảng 1 ha.

Quả thật, có đến đình Thái Ninh mới biết đây thật xứng là đình làng Ninh Thạnh, một trong ba làng góp đất làm nên xã Thái Hiệp Thạnh là tỉnh lỵ Tây Ninh trong thời chế độ cũ trước năm 1975. Sau đấy là thị xã và thành phố Tây Ninh. Cuối đất là cây bồ đề cổ thụ thênh thang cành lá xoè ra che phủ gần hết một nửa đất đình. Ðầu kia lại là một cây sộp ôm trùm lấy một cây say, có đường kính gốc đến cả chục người ôm mới hết. Nếu dưới gốc bồ đề chỉ có một bàn thờ thần Nông, như lọt thỏm giữa không gian, thì ở bên gốc sộp vẫn còn nguyên hai ngôi miếu lớn quanh năm nghi ngút khói hương.

Một thờ bà Linh Sơn thánh mẫu. Một thờ “Ông”. Ông ở đây chính là “Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản”. Một ngôi miếu nhỏ xíu nữa, với vài tượng hổ đứng chầu là miếu Sơn Quân- chính là thần Hổ. Nhìn ngắm cơ ngơi này, bên cạnh ngôi đình mới xây sửa được vài năm, càng có cảm giác rằng đây mới thật sự là đình xưa Ninh Thạnh.

Trong khi đó, đình Thái Ninh lại chỉ có vài trăm mét vuông. Khuôn viên ấy nằm giữa hai công trình cổ. Bên trái là chùa Vĩnh Xuân, được xây xong từ năm 1871. Bên phải là ngôi nhà cổ của quan Ðốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên xây xong từ năm 1894. Ðất Ninh Thạnh xưa dài rộng mênh mông, nên chẳng có lý gì hương chức làng lại chọn rẻo đất hẹp còn lại giữa hai ngôi ấy làm đình. Chỉ có điều trước đây chưa lý giải được. Ðấy là tại sao nơi đây lại lưu giữ những kỷ vật xa xưa nhất của đình làng? Như sắc phong thần, hay tấm đại tự chữ Thần đầu tiên của đình Ninh Thạnh.

Ðình Thái Vĩnh Ðông hiện ở trên hẻm số 6, đường Nguyễn Văn Tốt, con đường xuyên giữa xóm Chăm. Khu đất đình chỉ là có bề ngang hơn 10m, sâu vào hơn 30m. Ðất hẹp, nhưng vẫn giữ được hai cây lớn có bóng mát trùm lên khắp cả sân đình. Cây gõ già nua vươn cành, khúc khuỷu mọc đầy tầm gửi tựa cây rừng. Ðình nhỏ, chỉ hai lớp nhà lợp tôn tạo hình bánh ít. Lễ Kỳ yên năm nay có vẻ mới hơn, nhờ gian thờ chính điện mới được sửa sang. Ban thờ gắn thêm các dây đèn xanh đỏ.

Trước tấm đại tự chữ Thần, nay có thêm tấm ảnh chân dung của vị thành hoàng. Vị này mặc áo sĩ quan, có ngù vai óng ánh vàng. Kính trắng lấp lánh trên gương mặt trung niên khôi ngô sáng sủa. Tấm bảng trước ban có ghi tên ông là Thần/ Ðỗ Hữu Vị. Hai bên chân dung còn có đôi ngựa hầu, cùng giàn lỗ bộ- binh khí xưa. Có vẻ gì đó như khập khiễng. Chẳng lẽ viên quan ba phi công này từng có thời cưỡi ngựa, cầm gươm?

Có lẽ còn ít người để ý đến tấm đại tự, ba chữ Hán sơn vàng trên nền đỏ treo ngay phía trước gian chính điện. Hỏi cụ Trưởng Ban Quý tế cũng như bà con xóm ngõ, không ai biết tấm bảng ấy viết gì. Chỉ biết nó đã có ở đó từ xưa tới giờ. Xem xong, sư thầy Thích Niệm Thắng, trụ trì chùa Hiệp Long cho biết, ba chữ ấy đọc là Di Hữu Xã. Nghĩa là nơi để lại những di tích của người xưa ở xã. Ðiều chưa lý giải được về ngôi thờ tự này có thể chính là đây! Quả nhiên, chính ở đây lưu giữ những vật chứng của làng xưa Ninh Thạnh.

Thứ nhất là, tấm đại tự chữ Thần bằng ván gỗ ghép lại, hơi có vẻ sơ sài và thô mộc. Ngoài chữ Thần (Hán tự) sơn vàng trên nền sơn đỏ, còn có một thông tin quan trọng là dòng lạc khoản ở bên phía phải có ghi năm tạo nên, là năm 1897. Chính nhờ chi tiết này, ai nấy đều tin rằng ngôi đình đầu tiên của làng Ninh Thạnh được xây dựng từ năm ấy (kể cả đình Thái Ninh sử dụng thông tin này).

Di vật thứ hai là sắc phong thần dưới triều vua Bảo Ðại vào năm 1937. Tờ sắc giấy kim nhũ vàng, được bảo quản nguyên vẹn trong hộp gỗ đựng sắc phong, quai, nắp có chạm rồng. Sắc viết: “Sắc cho làng Ninh Thạnh, tổng Hoà Ninh, quận Thái Bình, tỉnh Tây Ninh thờ phụng Ðệ tam khuyên quan (quan ba) Ðỗ Hữu Vị tử trận tôn thần, linh ứng đã rõ. Nay ta tiếp nối, lạm nương mạng sáng, liên miên nghĩ đến ân huệ của thần nên phong Dực Bảo Trung Hưng Linh phù Chi thần. Chuẩn cho thờ phụng, ngõ hầu thần phù hộ và bảo trợ cho lũ dân đen của ta. Kính đấy!/ Ngày 13 tháng 3 năm Bảo Ðại thứ 12 (23.5.1937) (Trương Ngọc Tường dịch).

Bình luận về những sắc phong mà triều Nguyễn vẫn tiếp tục ban phát cho những làng xã đã trở thành thuộc địa của Pháp, Trương Ngọc Tường, trong sách Ðình Nam bộ xưa và nay có viết: “Ðất Nam kỳ đã bị triều đình Huế cắt nhường cho thực dân Pháp, con dân đất Nam kỳ đã là người nô lệ, đâu còn là con dân Hoàng đế An Nam mà Thiên tử dám dặn bách thần phải “bảo ngã lê dân” (bảo vệ dân đen của ta!).

Di vật thứ ba, cũng có thể coi đó là một tài liệu quý của người xưa Ninh Thạnh để lại tại toà Di Hữu Xã, chính là bản “Tiểu sử Ðức Quan lớn Trà Vong Tây Ninh”. Sự phát hiện ra tài liệu này ở đây cũng hết sức tình cờ. Khi ấy, cụ Trưởng Ban Quý tế miếu Quan lớn Trà Vong Thái Vĩnh Ðông có mở hộp sắc phong, nhờ người viết bài này chụp hình đem dịch ra quốc ngữ.

Bởi khi ấy cụ còn chưa biết tờ sắc phong tặng cho ai. Tờ sắc cuốn trong giấy báo cũ, dưới hộp lại lót thêm vài lớp báo nữa. Tò mò, lấy luôn mấy tờ báo lót đáy hộp lên đọc, thì rơi ra bản tiểu sử. Kể từ khi ấy, các đền miếu thờ Quan lớn Trà Vong mới có thêm nhiều chi tiết mới về một nhân vật được phụng thờ nhiều nơi trên phía Bắc Tây Ninh suốt từ mấy trăm năm.

Thực ra, Huỳnh Minh trong sách Tây Ninh xưa (NXB Thanh niên tái bản 2001) cũng đã viết về nhân vật Quan lớn Trà Vong. Nhưng cả hai câu chuyện truyền tụng đều có thể khác quá xa sự thật. Một là, các ông đến Tây Ninh trợ chiến vào thế kỷ XVII (tức là những năm 1600) thì rất khó tin, vì đến cuối thế kỷ này, năm 1698, chúa Nguyễn mới cử Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Ðịnh và thiết lập các dinh Trấn Biên và Phiên Trấn... Truyền tụng thứ hai chép ở Cẩm Giang lại ghi là khoảng năm 1846, ông là quan tri phủ, được triều đình cử đến Tây Ninh chống giặc ngoại xâm…

Hai giả thuyết về cùng một người mà lại cách xa nhau đến 200 năm. Biết tin cái nào đây? Chỉ đến khi bản tiểu sử này xuất hiện, người ta mới biết rõ về thân thế các ông (hai anh em Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Nghệ). Theo đó, Huỳnh Công Giản sinh năm 1722, mất năm 1782 trong cuộc chiến chống giặc xâm lăng, bảo vệ dân lành yên ổn làm ăn trên miền đất mới vừa khai phá.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục