Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đi qua
Thứ sáu: 08:09 ngày 13/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đang là nửa đầu tháng ba. Các bản tin thời sự nóng mỗi ngày bởi dịch Covid- 19. Vậy mà tôi đi qua giữa mùa vàng Tây Ninh lại thấy lòng bình yên thanh thản. Ai cũng cần phải có cơm ăn, dù có dịch bệnh hay không.

Đang là mùa vàng nắng Tây Ninh. Là nắng tháng ba làm sạm da người. Nhưng tháng ba cũng là mùa những cánh đồng lúa Đông Xuân chín rộ đã hoặc sắp vào vụ gặt. Tôi nhớ dăm bảy năm trước, vào mùa này muốn hít hà hương lúa hay vị khói đốt đồng thì chỉ cần ra tới Thanh Điền là đủ. Nay thì người Thanh Điền đã chuyển nhiều ruộng lúa sang rau nhút hoặc là sen. Mà sen bây giờ cũng lạ! Nhiều khoảnh ruộng chỉ thấy búp sen xanh và những bông sen trắng. Sen trắng gì mà to như cái bắp cải Đà Lạt, cánh chen chúc cánh kiểu như một bông hồng. Nghe bảo đấy là sen Thái, vài năm nay mới nhập về trồng…

Nhưng chỉ cần qua cầu Gò Chai, ngó sang bên kia sông, sau mấy túp nhà đã là mênh mông một màu vàng lúa chín. Màu này các nhà thơ xưa (và cả nhiều nhà thơ nay) vẫn gọi là… một sắc vàng mơ. Chữ “mơ” này có 2 nghĩa. Nghĩa đen là màu của trái mơ sắp chín! Còn nghĩa bóng là gợi cho con người một điều mơ mộng gì đó về đời sống. Là màu vàng để ta mơ về ấm no, hay là một tương lai ngời sáng ở chân trời.

Cái màu vàng mơ chỉ giản dị như vậy thôi nhưng trước cánh đồng lúa bao la đang nhuốm sắc màu ấy lại cho con người biết bao cảm xúc miên man. Nhất là khi ở Tây Ninh, ta thường thấy những cánh đồng cặp kè sát mé sông. Dẫu là bây giờ sông thường gắn với hình ảnh lục bình chen kín, giăng đầy mặt nước khiến người qua sông phải nén lòng chờ đợi. Nhưng với người đi qua thì sung sướng lắm. Ánh mắt được thả dài vô hạn. Ngực tràn đầy hương lúa, một mùi thơm không rõ rệt nhưng thật là mộc mạc, nồng nàn. Trước cánh đồng lúa chín vàng, ai mà chẳng thấy xôn xao một miền ký ức rạ rơm thời thơ ấu?

Sau cái màu vàng ở Long Vĩnh bên kia cầu Gò Chai ấy, màu vàng mơ vẫn dẫn dụ, mê hoặc tôi khi qua miền Long Chữ, Long Giang… Nhưng vào tháng 3 này, nếu ai qua miền đất Ngũ long, đừng quên lối rẽ qua Lợi Thuận mà đến đường Xuyên Á. Những cánh đồng dọc con đường này mới thật sự cho ta đầy ắp những ký ức mùa vàng. Bên đường nhiều thửa đã gặt xong, còn trơ gốc rạ hoặc đã bị đốt thành tro đen thẫm. Nhưng nhờ thế mà cánh đồng này càng tràn đầy hương vị nửa lạ nửa quen. Là mùi rơm khô dưới nắng vẫn còn đậm đà hương lúa. Lại thêm ngai ngái, cay cay vị khói đốt đồng. Và dường như có cả mùi bùn, ở những khoảnh ruộng đã lại xanh lên màu lá mạ non.

Tôi còn gặp lại mùa vàng ở chặng đường về, khi qua đường Xuyên Á đoạn gần cầu Gò Dầu, với hai bên là những cánh đồng vàng mơ của quê hương An Thạnh. Hay tới Cẩm Giang thì rẽ vào phía cầu Bến Đình cũng sẽ gặp những không gian rực vàng dưới nắng. Tôi đã tưởng rằng, vàng lúa mà gặp vàng nắng thì sẽ chói chang cộng hưởng. Hoá ra mình nhầm! Vì dưới nắng, màu vàng lúa như dịu dàng hơn, có lẽ cũng giống như cái cảm giác của nhà thơ Nguyên Sa khi dưới nắng Sài Gòn bỗng gặp một nàng thơ vàng áo lụa Hà Đông. Vì thế mới có: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát…”.

Nhưng, trước đó ở Bến Đình ấp Bến, xã An Thạnh tôi đã gặp những niềm vui của con người do mùa vàng đem lại. Một bến sông tấp nập ghe chở lúa về. Ghe nào ghe nấy chở khẳm những bao thóc chật căng màu trứng ốc. Trên bến sông đã có một cầu băng tải vươn dài ra sông, chuyển từng bao lúa lên kho. Vài chiếc máy gặt đập liên hợp cũng đang nổ máy chậm rãi bò xuống chiếc phà vuông, đến những cánh đồng đang nôn nao chờ đợi. Ghe đến, phà đi… cả bến sông vang dậy tiếng máy ghe cùng tiếng nói cười. Hỏi một chị đang đặt bàn ghi chép lúa nhập kho, chị cười rổn rảng:- Lúa năm nay trúng lắm, mỗi héc chừng 8 tấn. Hỏi tiếp chị, lúa nhập kho rồi sẽ đi đâu? Chị bảo:- Xuống miền Tây.

Đang là nửa đầu tháng ba. Các bản tin thời sự nóng mỗi ngày bởi dịch Covid- 19. Vậy mà tôi đi qua giữa mùa vàng Tây Ninh lại thấy lòng bình yên thanh thản. Ai cũng cần phải có cơm ăn, dù có dịch bệnh hay không. Ai, dẫu ít hay nhiều mà chẳng liên quan đến lúa. Hỏi người Tây Ninh xem có vui không?

NGUYỄN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục