Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trời trở mùa, cuộc chiến những cơn mưa đã bắt đầu. Dù mới là những trận mưa thưa thớt nhưng mẹ rầu rầu nhìn ra cánh đồng mưa than thở: Ông trời ơi, mưa vừa thôi, đừng có bão lụt giùm con…
1.
Tôi nghe giọng mẹ rầu rĩ, tranh thủ chen vào, ước chi năm nay có lũ, tôi nói to để ông trời chiếu cố cái nguyện vọng đơn sơ của mình, tôi sợ ông trời thương mẹ rồi không có bão lụt thì mùa đông mất vui.
Mẹ thấy tôi cầu bão lũ thì la: nhà nhỏ xíu, lại ở vùng trũng thấp, bão lụt ngập nhà bay nóc là chết chắc chớ ở mà trông! Mẹ cười nhưng nói rất nghiêm trọng, tôi hiểu là mẹ sợ thiệt nhưng tôi vẫn không chừa, bụng vẫn mong chàng Thuỷ Tinh hung dữ đem quân đi cướp Mị Nương.
Không phải tôi lì, càng không phải tôi chống đối mẹ, chỉ tại nhỏ giờ có thấy mặt mũi ông bão lũ lần nào đâu mà biết sợ. Thì cũng tại anh Hai, ảnh kể chuyện bão lụt thiệt là hấp dẫn. Hấp dẫn như một truyện phiêu lưu. Nào là tìm những cây chuối ghép lại làm bè, chống chiếc gậy tre bơi khắp xóm.
Ðặc biệt hơn là tiết mục cầm cái lờ ra đặt giữa đường để bắt cá, rồi đi tìm những con chim bị cóng nấp trong mấy bụi cây. Ðó là lụt lội, còn bão hở, trò chơi hấp dẫn nhất là đi vào các khu vườn tìm chiến lợi phẩm. Từ cây ăn quả đến những cây nhỏ như mía, mì, cứ phải nói là nằm ngả nghiêng lớp lớp, tới chừng ấy thì trẻ con muốn nhặt bao nhiêu cũng được chứ chủ vườn chẳng còn la rầy chi, qua bão còn giữ được mạng sống là mừng rồi.
Tôi chẳng có dã tâm muốn bão lụt để người nông dân hiền lành bị thiệt hại, hồi đó còn nhỏ quá mà, tôi chỉ ước mình cũng được chứng kiến một cơn lũ, một trận bão để được chơi những trò mà chỉ cần nghe thôi, một đứa nhỏ đã không thể không thèm.
Rồi cũng mưa. Dữ dội, dầm dề, tơi tả (là mùa đông năm tôi học lớp bốn). Mưa hai ngày hai đêm. Nước lênh láng ngoài đường, nước ngập sân, nước tràn cấp thứ nhất rồi lem lém bước lên nấc cấp thứ hai.
Mọi hoạt động với bên ngoài đều bị ngưng trệ, nhà ai nấy ở- đó là người lớn, còn lũ trẻ chúng tôi chao ôi là mừng, chúng tôi ùa ra nước, chẳng để làm gì ngoài lội, lội đến khi bết chân thì vào nhà ngồi thở. Chơi đùa ngoài nước, đứa nào cũng ướt nhẹp nhèm nhem từ đầu đến chân, mẹ bảo vào nhà thay đồ nhưng tôi đời nào nghe, lại chạy ù ra nước.
Nước nhiều mà không chơi thì phí lắm, có phải ngày nào cũng có nước đâu. Rề rà chỉ tổ mất thời gian, lỡ trời ngưng mưa, nước rút thì tiếc chết. Vậy là mặt mày hí hửng giỡn nước và bụng, không quên cầu trời khẩn phật cho mưa nữa, mưa tới chừng nào nước leo được vô thềm nhà hãy thôi.
Ðời không như là mơ. Giỡn nước no nê được một ngày, ông trời chắc là thấy cái ước muốn vô lý của tôi nên ngừng mưa, nước rút. Trông mãi rồi cũng sắp chứ chưa lụt, tôi vừa tiếc vừa tức…
Nhà tôi mới sém lụt, nhưng bạn bè nhà ở gần sông bị lũ cuốn hết sách vở. Các bạn đi học bằng vẻ mặt bi thiết rồi được nhà trường cho sách vở mới (và những gói mì tôm).
2.
Ðó là năm tôi học lớp bảy, năm 1993.
Mới đầu đông nhưng trời đen thui, mây là là xuống thấp và bắt đầu mưa. Mịt mùng, tới tấp, mưa trắng trời ba ngày bốn đêm. Nước tràn đường, nước vô sân, nước lên cấp thứ nhất, thứ hai, nước lấp ló chuẩn bị nhảy vô nhà…
Tối hôm đó, đang là nửa đêm, trong lúc chị em đang ôm nhau ngủ, mẹ lay: “Dậy, dậy mau, nước lên nhanh quá!”. Chị em tôi choàng tỉnh thì thấy nhà cửa trống huơ, không phải nhà có trộm đâu mà từ sẩm, khi nước còn lấp ló ngoài ngõ thì mẹ đã lo thu dọn những đồ đạc quan trọng đưa hết lên trần nhà. Lúa trong bịch cũng được mẹ hốt vô bao, cột thành từng cục rồi chất hết trên bàn trên giường.
Nước lên nhanh quá. Ban đầu là ở dưới mắt cá, rồi lên nửa ống chân, bò tới gối, ngập hông. Chạy mau! Khi nước qua hông, mẹ hối mấy chị em theo mẹ đi ra nhà bà ngoại tránh lũ. Nhà tôi ở bên này mương lớn, gần sông Bàn Thạch nên nước ngập nặng còn nhà bà ngoại ở bên kia mương, phía cánh đồng xưa nay không có lũ.
Là một cuộc di chuyển nặng nề. Trên vai trái mẹ mang cái giỏ kẹp bỏ một ít thực phẩm khô, tôi đu bên vai phải, con Út ngồi trên cổ và hai tay mẹ dắt chị Hai, anh Ba. Lò dò bước từng bước một, mẹ dặn bước chậm theo mẹ, coi chừng sụp xuống mương.
Trên đường đi, cũng có nhiều gia đình bồng bế, dắt díu nhau đến vùng không có nước, ai cũng bảo đây là cơn lũ thế kỷ, từ xưa đến nay, Phú Yên chưa có lũ nặng thế này. Ðang lội trong nước, tôi nhớ nhà mình còn đàn bò nên la toáng lên, mẹ bảo từ đầu hôm mẹ đã lùa bò gửi ở vùng an toàn.
Chị em chui vô được nhà ngoại thở phào, mẹ lại vội vàng quay trở ra, mẹ bảo phải về nhà chuyển đồ đạc còn lại lên cao chứ lũ cuốn hết. Bạn sẽ hỏi ba tôi đâu rồi phải không? Vâng, ba tôi mấy năm liền phải vắng nhà, xin bạn đừng hỏi lý do, tôi không định kể chuyện gì khác ngoài mưa bão.
Trong lúc mẹ băng nước về nhà thì chị em tôi nghe người chạy lũ kể nhau câu chuyện mấy mẹ con nhà kia bị nước lũ cuốn phăng, chuyện có cô bé nhỏ được mẹ bỏ trên mái nhà, lúi cúi làm sao chúi đầu xuống nước. Trời ơi, mẹ đem đàn con vào chỗ khô ráo rồi một mình ngụp lặn trong nước, trời đang mưa lạnh mà ruột gan chị em tôi nóng hơn lửa.
Cơn lũ thế kỷ đi qua, cảnh tiêu điều xơ xác. Mọi thứ chưa kịp hồi sinh, lại nghe tin chuẩn bị có bão lớn.
Chiều hôm đó, một chiều mùa đông, trời ngưng gió, màu mây có vẻ trong hơn chứ không đen đục nặng nề như mọi hôm, chị em còn mải chơi, mẹ bảo chuẩn bị có bão lớn. Bão đâu mà bão, trời đang sáng sủa mà, không, là dấu hiệu sắp có bão đấy- mẹ chắc chắn.
Lo cơm chiều xong cho các con, mẹ loay hoay đậy điệm, buộc chằng cửa nẻo. Vẫn chưa xong, mẹ ra sau chuồng bò, nặng nề kéo từng cục cát đè lên mái tôn. Chất rơm đầy máng rồi kéo nhựa bịt kín chuồng bò lại.
Lúc mẹ vào nhà, gió bắt đầu thổi mạnh, ù ù ào ào, tiếng gió rít ràn rạt, nghe rùng rợn, mấy chị em quấn mền nằm dưới phản gỗ mà hoảng sợ, tưởng tượng đất trời như rung chuyển ngả nghiêng.
Hỡi ôi, chàng Thuỷ Tinh oán nặng thù sâu hô mưa gọi gió, mưa rất dữ, gió rất ác. Những miếng ngói bị hất tung, rớt lạch bạch dưới đất. Những miếng tôn ngoài hiên, phía nhà sau rớt loảng choảng. Mẹ đẩy sâu chị em tôi xuống gầm phản rồi kéo cái nong lớn chất đầy quần áo, bỏ lên trên. Mẹ đội cái thúng quần áo trên đầu rồi dặn các con nằm im trong ấy, ngoài này đã có mẹ lo.
Tới chừng nghe gió rít từng hồi dữ dội, mấy chị em càng sợ. Chết rồi, gió mỗi lúc một to. Tôi sợ hãi, co đầu rụt cổ trong chiếc chăn, miệng ơi ới kêu nhưng không thấy tiếng mẹ đáp. Mẹ đâu rồi, con Út sợ quá, mếu máo khóc oà kêu mẹ ơi, mẹ ơi... Tôi nằm mà nín thở, mẹ tôi đâu giữa trời nổi gió ?
Bão tạnh.
Chị em lọ mọ chui ra tìm mẹ. Trời ơi, mẹ đang tái xanh tái xám đứng ngoài chuồng bò. Sự là gió lớn, cây xoài bên nhà hàng xóm đổ ào lên mái tôn, bò tung chuồng chạy trong bão. Tài sản nhà tôi là ba móng bò cái, từ cưới hỏi ma chay đến việc ăn, học, bệnh đau… mọi thứ đều trông chừng vào mấy con bò. Bão rượt bò chạy, mẹ tôi chạy đua với bão, theo “dụ” mấy con bò về nấp mé hiên đã bị gió lấy hết tôn.
Phải chứng kiến cảnh một người mẹ lăn lộn trong bão lũ để bảo vệ đàn con mới thấy hết sự vĩ đại của tình mẹ - tôi nói như vậy vì sau khi bão lũ đi qua, đàn con an toàn, tài sản nhà nghèo có thiệt hại chút đỉnh còn mẹ tôi thì đổ nhào vì bệnh.
N.T.B.N