BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đi qua tháng Tám 

Cập nhật ngày: 02/09/2022 - 00:06

BTN - Không ra phố dưới trời thu tháng Tám thì phí lắm! Bởi có những quang cảnh đã quen thuộc mà dưới trời thu ấy đã trở nên mới tinh. Như những khóm hoa tường vi tươi tốt rung rinh nở ngay trên dải phân cách đường Cách mạng tháng Tám.

Cúng miếu thờ liệt sĩ Cẩm An

“Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần

Tháng tám mùa thu xanh thắm

Mây nhởn nhơ bay

Hôm nay ngày đẹp lắm!

Mây của ta trời thắm của ta

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…”

(Ta Đi tới- Tố Hữu, 1954)

Bài thơ được nhà thơ Tố Hữu viết trên đường từ Việt Bắc về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Vậy mà như một sự ngẫu nhiên, tháng Tám ở miền Nam, cách Việt Bắc gần 2.000 cây số, cũng xanh thắm thế này đây. Buổi sáng nào mở cửa, tôi cũng thấy nắng vàng đã ùa vào trước ngõ. Hoa râm bụt rung rinh đỏ rực trên cành. Ngước lên trời thấy da trời ngắt xanh. Và mây trắng đã “nhởn nhơ bay” như muốn rủ rê mọi người ra phố.

Mà phố ở Tây Ninh, đi trên nhiều đoạn đường là thấy ngọn núi Bà sừng sững. Có nhiều khi, mây kết thành chiếc nón quai thao tròn trịa trên mái núi mướt xanh. Y như chiếc nón của cô gái quan họ miền Kinh Bắc. Lại có khi mây trắng kết thành hình rồng, phụng lượn bay quanh.

Không ra phố dưới trời thu tháng Tám thì phí lắm! Bởi có những quang cảnh đã quen thuộc mà dưới trời thu ấy đã trở nên mới tinh. Như những khóm hoa tường vi tươi tốt rung rinh nở ngay trên dải phân cách đường Cách mạng tháng Tám. Có cả những loài hoa lạ mà quen như là hoa mua tím. Hỏi những công nhân chăm sóc hoa, mới biết đây là loại hoa bằng lăng Thái…

Hay là một bữa, đi theo đường Cách Mạng Tháng Tám, từ chợ phường 3 về ngã tư Bách Hoá ngày xưa, nay đã có khối tượng đài biểu trưng của Tây Ninh. Thì nắng tháng Tám đã trở thành hoa nắng lung linh dưới gầm mái nhọn tượng đài. Hoa nắng lung linh xao động là bởi phản chiếu ánh nắng trên mặt nước hình tròn bao quanh khối tượng. Hoa nắng khiến ai cũng phải ngỡ ngàng nhìn ngắm khi lượn vòng xe qua đoạn “bùng binh”.

Lại một chiều dưới trời xanh mây trắng tôi đi. Đến ngã ba đầu đường Phạm Tung giao với Nguyễn Chí Thanh, nơi có cây cột đồng hồ duy nhất trong Thành phố. Gặp lúc gió Tây Nam đang lồng lộng thổi làm tung bay những lá cờ bay quanh cột đồng hồ. Chỉ đơn giản vậy thôi, mà đã ngân vang trong lòng bao niềm xúc động.

Về những giá trị thiêng liêng của độc lập - tự do mà cuộc Cách mạng tháng Tám, mùa thu đem đến. Phía sau kia là những mái đỏ tường vàng của các ngôi trường học. Đang là mùa thi tuyển vào đại học. Rồi từ đây các em sẽ như đàn chim bay xa, đem theo biết bao kỷ niệm góc phố thân quen ngay trước cổng trường.

Không chỉ ở phố thôi đâu! Dù có đi đâu thì cũng lồng lộng trời xanh mây trắng trên đầu. Như hôm 18.8 tôi đi trên đường Cẩm An - Láng Cát thuộc xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu. Con đường đá lởm chởm 2 năm trước nay đã êm mát mặt bê tông nhựa. Hai bên đường vun đầy những mì, nhãn, cao su. Còn trước mặt là lớp lớp lang thang mây trắng.

Ngày này cũng là ngày 21.7 âm. Dư âm tháng 7 đền ơn đáp nghĩa còn chưa dứt. Vậy nên ông Tư Búa- hội trưởng hội miếu thờ chiến sĩ kêu tôi xuống dự ngày cúng miếu thờ các vong linh liệt sĩ ngã xuống trên tuyến đường giao liên của cả 2 thời kháng chiến. Tuyến đường của bộ đội ta vượt sông Vàm Cỏ Đông, cắt ngang quốc lộ 22 để về những chiến khu Năm Trại, Rừng 16 mẫu hay các căn cứ lõm vùng Ruột Gò Dầu.

Bàn trước ban thờ đã đầy ắp các vật phẩm cúng cùng mâm cơm cúng. Trên ban đã ngời sang những đèn nhang, bông và trái cúng. Nổi bật trên tường là tượng Bác Hồ, cờ Tổ quốc và 2 tấm biển ghi tên liệt sĩ. Danh sách ấy cho thấy đã có 9 liệt sĩ thời chống Pháp và 36 liệt sĩ thời chống Mỹ hy sinh trên tuyến đường này. Tôi đã gặp cả vợ chồng bác sĩ Ngô Minh Quân, từ Vũng Tàu lên để cúng cha là liệt sĩ Ngô Minh Luyến.

Cùng cả trăm người dân Cẩm An, họ đạo Cao Đài và Hội Cựu chiến binh xã. Lễ cúng trang nghiêm, bắt đầu bằng nghi lễ kéo cờ và chào cờ, mặc niệm. Đoàn người, và cả rừng cao su như nghiêm trang đứng, dưới bóng cờ lồng lộng giữa rừng cây.

Tháng tám, là tháng bảy âm lịch còn có mùa lễ Vu lan báo hiếu tại các ngôi chùa. Dù đã dự ở chùa Hiệp Long, nhưng lễ hội cuối mùa tại chùa Như Lai (Ông Cọp) trên địa bàn phường 1, TP. Tây Ninh mới thật sự là một Vu lan đáng nhớ.

Nhớ vì lễ hội diễn ra đúng vào ngày 19.8.2022, kéo qua ngày 20, nhằm 22 và 23 tháng 7 âm. Thứ hai là, dù chùa nhỏ nhưng người dự rất đông, với đầy đủ các lễ nghi trang trọng. Nào các lễ thượng phan, thỉnh thần hoàng bổn cảnh. Nào đăng đàn chẩn tế, bái sám hồng danh, cài áo hoa hồng, dâng y cà sa cúng dường trai tăng… và cả việc phát quà từ thiện.

Tò mò ngắm các bàn dùng cho lễ chẩn tế cô hồn. Thì có lẽ chỉ có ở đây mới có đầy đủ các món ăn xưa theo quan niệm dân gian tặng các vong hồn. Là cháo trắng, bỏng ngô, đường tán…; trái cây có cóc, ổi và những cây mía tím. Nhìn những món quà quê nghèo ấy, trong lòng dâng lên bao xúc cảm.

Tôi còn chưa kể tới những phố dài rực rỡ các quầy bánh và đèn lồng trung thu đã xuất hiện ở Tây Ninh ngay từ đầu tháng Tám. Trong đó, có cả những bóng hình xưa lung linh trên những đèn: thỏ ngọc, ông sao, cá vàng, kéo quân… Nhưng như thế thì cũng đủ tự hào rằng tôi mới vừa đi qua một “tháng tám mùa thu xanh thắm” trên miền quê Tây Ninh ở phía Tây - Nam Tổ quốc.

Qua tháng chín rồi! Với sự mở đầu của kỳ nghỉ lễ khá dài mùng 2 tháng 9. Đi đâu đây? Chắc là phải thêm một lần lên núi. Để gần hơn với mây trắng trời xanh ở núi Bà Đen.

N.Q.V