BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đi thật xa để trở về… 

Cập nhật ngày: 17/01/2022 - 00:54

BTN - Năm 2021, bỏ qua những lời mời gọi làm việc từ nhiều công ty đa quốc gia, trường đại học danh tiếng, Trịnh Thành Linh quyết định trở về Tây Ninh làm việc và cống hiến. Hiện nay, anh công tác tại Ban Quản lý dự án ngành giao thông tỉnh.

Trịnh Thành Linh tham gia hội nghị thường niên lần 99, năm 2020 của Hội đồng nghiên cứu lĩnh vực giao thông của Liên bang Mỹ.

Đam mê ngành xây dựng cùng những trăn trở về vấn đề giao thông tại Việt Nam, Tiến sĩ Trịnh Thành Linh (sinh năm 1991), chuyên gia Quản lý giao thông và quy hoạch đô thị (công tác tại Ban Quản lý dự án ngành giao thông tỉnh) đã mang những nghiên cứu, kiến thức học hỏi từ Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới đóng góp vào sự phát triển của Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

Quyết tâm theo đuổi đam mê

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Linh sớm xác định ngành học yêu thích, đó là xây dựng công trình giao thông. Theo Linh, ngành học tương đối vất vả nhưng tạo cho mình nhiều hứng thú, sáng tạo. Đặc biệt, Linh muốn hiện thực hoá ước mơ xây dựng các công trình, đô thị văn minh trên quê hương.

Vào đại học, Linh đã đặt mục tiêu xa hơn cho mình là được đi du học, vì chỉ có học hỏi những tiến bộ ở các nước tiên tiến mới có thể ứng dụng và tạo bước chuyển biến cho việc xây dựng các công trình tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho bước đi này, Linh trau dồi ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần có của một du học sinh.

Năm 2014, tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông tại Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Linh nộp hồ sơ xin học bổng ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2015, sau 2 lần nộp hồ sơ thất bại, cuối cùng Linh cũng nhận được học bổng Chính phủ Nhật Bản để theo học tại Đại học Công nghệ Nagaoka, chuyên ngành Quản lý giao thông và Quy hoạch đô thị.

Trong 2 năm 2015-2017, từ sự bỡ ngỡ ban đầu, Linh đã vượt qua những khác biệt về văn hoá, khó khăn trong công việc nghiên cứu để hoàn thành chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật xây dựng và Môi trường. Tiếp đó, Linh tiếp tục chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Khoa học năng lượng và Môi trường (2017-2020). Nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 30, chàng trai trẻ đến từ Tây Ninh khiến nhiều người nể phục.

Trịnh Thành Linh chia sẻ: “Tôi trăn trở với thực trạng ùn tắc giao thông ở Việt Nam. Trong những năm qua, việc ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng của nước ta. Vì vậy, tôi muốn đến nhiều nước để học hỏi kinh nghiệm về quản lý giao thông và nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong ngành giao thông cũng như trong quy hoạch, phát triển đô thị tại Việt Nam”.

Nghĩ là làm, tại Đại học Công nghệ Nagaoka, Linh bám sát các đề tài nghiên cứu liên quan đến xe máy- phương tiện di chuyển phổ biến ở Việt Nam, nhằm nhanh chóng nghiên cứu, tìm ra các giải pháp trong việc quản lý giao thông, giúp giảm số lượt xe máy di chuyển trên đường nhưng vẫn bảo đảm nhu cầu sử dụng phương tiện của người dân.

Những ngày đầu theo học tại Nhật, Linh gặp không ít khó khăn do trở ngại về ngôn ngữ và khí hậu khắc nghiệt. Với sự đam mê và quyết tâm, anh kiên trì, phấn đấu vượt qua khó khăn, xuất sắc hoàn thành 2 chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, trở thành một trong những chuyên gia quản lý giao thông và quy hoạch đô thị trẻ tuổi, nhiều tiềm năng của Việt Nam.

Tại Nagaoka, Linh có nhiều đề tài nghiên cứu về mô hình giao thông ở các nước đang phát triển vô cùng thiết thực như đề tài luận văn thạc sĩ “Nền tảng lý thuyết trò chơi hai người nhằm phân tích hành vi của người lái xe máy tại nút giao ngã tư có đèn tín hiệu” (năm 2017) nhằm mô phỏng hành vi của người sử dụng xe máy tham gia giao thông và tìm ra giải pháp thích hợp giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn khi đi qua khu vực này. Bên cạnh đó, anh còn tham gia nghiên cứu các đề tài quản lý giao thông, quy hoạch đô thị và nghiên cứu khoa học như: “Tổng quan về hình học Topo của các thành phố biển bằng các yếu tố định hình và bất lợi gây ra bởi hiệu ứng mực nước biển dâng” (năm 2019); “Phát triển mô hình mô phỏng hành vi giải quyết xung đột trực diện của dòng giao thông hỗn hợp” (năm 2020); “Các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng xe đạp ở Hà Nội, Việt Nam” (năm 2021); “Hiệu chuẩn mô hình dòng xe hơi cho giao thông đô thị khai thác quỹ đạo dòng xe từ góc nhìn toàn cảnh từ trên xuống” (năm 2021)...

Hoàn thành chương trình học thạc sĩ và tiến sĩ, được sự tín nhiệm của trường, anh Linh tiếp tục ở lại nghiên cứu và tham gia giảng dạy, hướng dẫn du học sinh của trường thực hiện các đề tài nghiên cứu, đồng thời tích cực tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị về quản lý giao thông, quy hoạch đô thị ở nhiều nước phát triển trên thế giới, như: Đài Loan, Macau, Mỹ... để học hỏi thêm nhiều kiến thức mới.

Trịnh Thành Linh (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh cùng các bạn du học sinh tại Trường đại học Công nghệ Nagaoka.

Góp sức phát triển quê hương

Năm 2021, bỏ qua những lời mời gọi làm việc từ nhiều công ty đa quốc gia, trường đại học danh tiếng, Trịnh Thành Linh quyết định trở về Tây Ninh làm việc và cống hiến. Hiện nay, anh công tác tại Ban Quản lý dự án ngành giao thông tỉnh.

Theo anh Linh, nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị do tốc độ đô thị hoá quá nhanh và phát triển tự phát không theo quy hoạch. Để giải quyết vấn đề này cần có sự định hướng lâu dài về quy hoạch đô thị và có sự tách biệt rõ ràng giữa các khu vực sinh sống, sản xuất, văn phòng. Giải pháp này không chỉ giúp cải thiện giao thông, mỹ quan đô thị, mà còn giúp cải thiện môi trường sống ở khu dân cư, chất lượng cuộc sống và giảm chi phí năng lượng của toàn xã hội.

Thời gian qua, Tây Ninh có nhiều sự thay đổi, phát triển về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các hệ thống đường bộ liên kết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh đang chú trọng phát triển các tuyến đường cao tốc, quốc lộ kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế, sản xuất và giao thương hàng hoá.

Về mặt quy hoạch đô thị, Tây Ninh là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển rất lớn vì dân số và tốc độ đô thị hoá còn nằm trong vùng kiểm soát. Với lợi thế là địa phương đang phát triển, nếu được quy hoạch đúng hướng và lâu dài, Tây Ninh có thể trở thành khu đô thị văn minh, hiện đại, đầy tiềm năng phát triển trong tương lai.

Trịnh Thành Linh đang thực hiện Đề án Quy hoạch các nút giao thông tiềm ẩn tai nạn, mất an toàn giao thông của tỉnh Tây Ninh. Theo đó, anh tham gia quản lý, hỗ trợ đơn vị tư vấn thiết kế mô hình dòng xe di chuyển 3D, phân luồng các phương tiện giao thông khi đi qua các nút này nhằm giảm nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Bên cạnh những dự án của tỉnh, Linh còn tích cực tham gia các cuộc thi về quy hoạch đô thị của các tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, phải kể đến cuộc thi “Ý tưởng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Với kinh nghiệm và sự sáng tạo, năng động của mình, anh Linh cùng nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Việt Đức và Viện Quy hoạch xây dựng đã vượt qua hàng chục đội thi chuyên nghiệp, bao gồm các viện quy hoạch và công ty thiết kế công trình giao thông hàng đầu cả nước, để giành giải nhất của cuộc thi với dự án Quy hoạch thành phố Đà Lạt thành khu đô thị du lịch thông minh.

Đề án được thực hiện dựa trên ý tưởng hoa anh đào Nhật Bản 5 cánh tương ứng 5 tiêu chí chủ đạo quy hoạch thành phố Đà Lạt với thông điệp 5G: Go Vision, Go Smooth, Go Smart, Go Finance and Go Governance (Phát triển tích hợp - Thay đổi đặc tính nhu cầu - Cải thiện khai thác vận hành - Vững chắc về tài chính - Hoàn thiện thể chế). Đề án đề ra giải pháp giúp Đà Lạt tái tổ chức điều kiện giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông cho du khách- nhất là vào các mùa du lịch cao điểm. Đồng thời giúp Đà Lạt quy hoạch thành một khu đô thị du lịch lý tưởng mà vẫn giữ được những cảnh quan thiên nhiên vốn có và phát triển du lịch, kinh tế, sản xuất.

Ngoài ra, anh còn tham gia dự án “Các giải pháp chuyển đổi số nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ ở tỉnh Bến Tre”. Đây là dự án anh dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên hiện bị trì hoãn. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục thực hiện dự án này, đề án “Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” và các đề án đang thực hiện tại tỉnh nhà.

Ngọc Bích

Trịnh Thành Linh tâm sự:

“Đi thật xa để trở về - chính là câu nói mà tôi luôn tâm niệm trong lòng. Mục tiêu của tôi là mang kiến thức, kinh nghiệm quý báu ở các nước tiên tiến trở về đóng góp vào sự phát triển của đất nước, làm rạng rỡ quê hương mình.

Đặc biệt là Tây Ninh, nơi tôi sinh ra và lớn lên, có người thân, gia đình và bạn bè tôi ở nơi đây. Được góp sức nâng cấp, thay đổi diện mạo những cung đường mình từng đi qua ở nơi mình sinh sống chính là niềm vui và động lực để tôi quay về Tây Ninh làm việc và cống hiến”.