Di tích địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát thuộc địa bàn 3 xã An Điền, An Tây, Phú An nằm ở phía tây nam huyện Bến Cát, cách trung tâm Thị xã Thủ Dầu Một 15km về phía nam.
Di tích địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát thuộc địa bàn 3 xã An Điền, An Tây, Phú An nằm ở phía tây nam huyện Bến Cát, cách trung tâm Thị xã Thủ Dầu Một 15km về phía nam. Đây là địa bàn được hình thành một tam giác do 2 con sông Sài Gòn, Thị Tính bao bọc và 2 lộ 7 và 14 đi qua. Chính vì vị trí chiến lược quan trọng này, Huyện uỷ Bến Cát và Đặc khu Sài Gòn - Gia Định lúc trước đã chọn nơi đây làm căn cứ đóng quân, là vùng căn cứ địa cách mạng, được mệnh danh là “Tam giác sắt” từng làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát sớm được nổi danh với Chiến khu An Thành. Thuở đó, An Thành đã từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu bộ miền Đông, Xứ uỷ Nam Bộ, Đặc khu uỷ Sài Gòn - Gia Định... nhờ đó mà người dân địa phương sớm được giác ngộ cách mạng và đã từng đương đầu với biết bao thử thách ác liệt nhất trong suốt 2 cuộc kháng chiến cứu nước đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân ta.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù đã nhiều lần càn đi xát lại nhưng chúng không khuất phục nổi lòng người dân ở đây. Đến khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, năm 1967 bằng đủ loại binh hùng tướng mạnh và những phương tiện giết người hiện đại nhất, chúng mở trận càn Xê-đa-phôn với quy mô lớn gồm 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác và nhiều loại máy bay ném bom, kể cả máy bay B.52 hòng huỷ diệt mục tiêu quan trọng này. Nhưng dựa vào hệ thống địa đạo quanh co, chằng chịt, quân và dân ta lúc ẩn, lúc hiện bí mật bất ngờ mở đợt chống càn quyết liệt. Cuối cùng, giặc Mỹ phải rút lui. Với sự thất bại thảm hại, 3.200 tên Mỹ - ngụy bị diệt, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá huỷ, 28 máy bay bị bắn rơi hoặc bị thương, 2 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy... Sau những thất bại liên tiếp, kẻ thù đành bất lực, chúng phải gọi vùng này là vùng “Tam giác sắt” (địa đạo Tây Nam Bến Cát).
Di tích địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát là biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến. Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau. Với hệ thống địa đạo dài gần 100km, khoảng 50 ô ụ chiến đấu và nhiều hầm để trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm... địa đạo Tây Nam là căn cứ địa của nhiều cơ quan và tổ chức kháng chiến, đây còn là chiến trường tiêu diệt địch tại chỗ. Từ căn cứ này, nhiều lực lượng vũ trang chủ lực làm bàn đạp xuất phát tiến công vào sào huyệt kẻ thù trong những trận đánh lớn, chiến dịch lớn. Đó là chiến dịch Lê Hồng Phong (1950); những trận phục kích đánh giao thông trên đường 14; đánh các trận càn “Phong hỏa”, “Át-tăng-bơ-rơ”, “Xê-đa-phôn”...
Địa đạo Tây Nam Bến Cát đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trong suốt 20 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, địa đạo 3 xã Tây Nam đã phát huy tác dụng của một địa đạo chiến đấu. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân ở đây đã chiến đấu chôn vùi hàng ngàn tên giặc; bắn cháy và phá huỷ hàng trăm xe tăng và xe bọc thép... Đặc biệt trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và mùa xuân năm 1975, địa đạo Tây Nam là nơi nhiều cánh quân lớn tập kết từ đây tiến đánh vào Sài Gòn, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến thắng lợi của quân dân cả nước năm 1975...
Di tích địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 18/3/1996. Theo dự án trùng tu tôn tạo được thực hiện từ năm 2004 đến nay, khu di tích đã và đang được xây dựng khu trung tâm quần thể tượng đài diện tích 23 ha, gồm: tượng đài, phù điêu, tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng, tượng anh du kích, tượng sinh hoạt chiến đấu của quân và dân 3 xã Tây Nam Bến Cát; các hạng mục công trình như: nhà lưu niệm, nhà điều hành, nhà văn bia, sân hành lễ, sân mô hình địa đạo, nhà trưng bày, khu cây xanh, vườn hoa...
(Theo baobinhduong)