Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hằng năm, đến hẹn lại lên, cứ vào cao điểm của mùa mưa, nước hồ Dầu Tiếng lại có dấu hiệu bị đục, điều này khiến dư luận luôn quan tâm do tính chất quan trọng của công trình thủy lợi này.
Thu hoạch mì trên đất bán ngập hồ Dầu Tiếng vào mùa mưa.
ĐÃ CÓ CÂU TRẢ LỜI
Hồ Dầu Tiếng là công trình đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, có diện tích lưu vực rộng lớn 270.000 ha với nhiều nhánh sông suối chảy vào hồ, diện tích mặt hồ 270 km2 ứng với mực nước dâng bình thường +24,40 m và dung tích là 1,58 tỷ m3 nước, vị trí hồ nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước. Hồ có nhiệm vụ cấp nước phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và Tp. Hồ Chí Minh.
Trong hồ hiện nay có nhiều hoạt động bao gồm: sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn thả gia súc trên đất bán ngập, các nhà máy chế biến, trang trại chăn nuôi, khai thác khoáng sản cát, nhà máy điện mặt trời, nuôi cá lồng bè, ....
Đến hẹn lại lên, vào mùa mưa hàng năm, nước hồ Dầu Tiếng lại có dấu hiệu bị đục nên vấn đề chất lượng nước luôn được dư luận quan tâm. Theo Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn nước hồ Dầu Tiếng bị đục vào mùa mưa.
Mùa mưa năm nay, kể đầu từ tháng 7.2021 đến nay đã có mưa diện rộng trên lưu vực làm xói mòn, rửa trôi đất theo dòng chảy tự nhiên về hồ, mực nước hồ luôn thấp hơn mực nước thấp nhất trước lũ. Song song đó, vào các thời điểm này trong năm cũng là thời gian thu hoạch khoai mì trên đất bán ngập. Công ty triển khai việc chuyển nước từ hồ Phước Hòa về bổ sung hồ Dầu Tiếng, đây là những nguyên nhân khiến nước hồ Dầu Tiếng có dấu hiệu đục trên diện rộng vào mùa mưa.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng cũng được dư luận quan tâm. Thế nhưng vào mùa mưa năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và rơi vào thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 (từ 15.7.2021 đến nay). Do đó, các đơn vị khai thác cát khai thác cầm chừng nên nguyên nhân khai thác cát dẫn đến nước hồ Dầu Tiếng bị đục là không đáng kể.
Hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thời gian qua chỉ hoạt động khai thác cầm chừng (ảnh minh họa).
NGUỒN NƯỚC HỒ DẦU TIẾNG VẪN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG
Ông Trần Quang Hùng- Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cho biết, dù nước hồ Dầu Tiếng có dấu hiệu đục trên diện rộng, tuy nhiên qua kết quả giám sát tại cống lấy nước số 1, 2, 3 và vị trí thượng nguồn (T1) trong hồ cho thấy các chỉ tiêu cơ bản đều đạt giới hạn B1 của QCVN 08-MT: 2015/BTNMT (Dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự).
Mực nước hồ Dầu Tiếng đến thời điểm hiện tại trên 22m còn thấp hơn 2m so với thiết kế. Tuy nhiên, theo ông Hùng, dự kiến kết thúc mùa mưa, mực nước hồ Dầu Tiếng có thể đạt mức thiết kế +24,40 m. Ngoài việc Công ty kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình đê bao, đập.. để ứng phó với bão lũ sắp đến bảo đảm an toàn cho hồ Dầu Tiếng trong mùa mưa bão, vấn đề chất lượng nguồn nước luôn được đơn vị này quan tâm, chú trọng.
Thời gian qua, tuy gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng, diễn biến phức tạp nhưng Công ty đã tích cực kiểm tra, giám sát, lấy mẫu nước phân tích các chỉ tiêu hóa, lý và khoanh vùng ô nhiễm tại các nhánh sông, suối vào hồ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương có liên quan để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân đối với việc bảo vệ môi trường chất lượng nước hồ Dầu Tiếng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm chất lượng nước hồ cung cấp.
Riêng nguyên nhân tốc độ bồi lắng và khả năng tự làm sạch của hồ giảm thời gian qua. Ông Trần Quang Hùng cho biết, hồ đã đưa vào sử dụng 35 năm nhưng chưa có đánh giá tổng thể độ bồi lắng như thế nào. Vì vậy, trong thời gian tới Công ty sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét cho đánh giá lại toàn bộ diện tích hồ, mực nước thiết kế, độ bồi lắng của hồ qua 35 năm sử dụng, khả năng tự làm sạch của hồ…
Cứ vào mùa mưa nước hồ Dầu Tiếng có dấu hiệu đục do có nhiều nguyên nhân.
Sau khi có kết quả đánh giá tổng thể, Công ty sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước có thể xem xét áp dụng các biện pháp nạo vét hồ bằng hình thức xã hội hóa như phối hợp với các doanh nghiệp khai thác cát vừa khai thác cát, nạo vét bùn…để tạo ngân sách cho nhà nước, vật liệu xây dựng cho địa phương.
Thế Nhân