Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đi tìm Gò Tháp
Thứ hai: 14:59 ngày 20/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Lâu nay, ở ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành có địa danh Gò Tháp. Lần theo bảng chỉ dẫn ở chợ Biên Giới, chúng tôi đi tìm vùng đất này. Thật đáng tiếc khi biết rằng nơi đây từng có một ngôi tháp cổ, nhưng do không được bảo tồn, giờ chỉ còn vài mảnh đá vụn.

Ngôi miếu nhỏ và hai “gộc” đá xanh dưới gốc cây bồ đề (ảnh Cẩm Tiên).

Từ trụ sở UBND xã, đi theo một con đường đất đỏ vòng vèo phía sau chợ Biên Giới khoảng 3km là đến một ngã ba, quẹo phải vào con đường đất chừng 20 mét là thấy một ngôi miếu nhỏ nằm im lìm dưới hai tán cây bồ đề. Dưới gốc bồ đề có hai tảng đá xanh, mỗi tảng có chiều cao khoảng 0,5 mét, chiều dài khoảng 1 mét và dày khoảng 0,4 mét.

Trên bề mặt có điêu khắc những hoa văn, hoạ tiết và hình tượng Phật. Mặc dù theo năm tháng, những đường nét chạm khắc và hình tượng ấy đã bị phai mòn, nhưng vẫn đủ để hình dung ra đây là một công trình nghệ thuật công phu, tinh xảo. Có thể, hai khối đá này không phải độc lập mà bị tách ra từ một khối đá khác lớn hơn.

Trên thềm của ngôi miếu còn có một khối đá hình tròn, đường kính khoảng 20cm, cao khoảng 30cm, cũng được chạm khắc một vài hoa văn và có nhiều đường viền lớn nhỏ, dày mỏng khác nhau. Khối đá này dường như cũng được tách rời ra từ một khối đá hình trụ khác, hoặc trông giống linga (biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam) thường thấy trong các ngôi tháp được xây dựng từ thời văn hoá Óc Eo, có niên đại từ thế kỷ II trước công nguyên đến thế kỷ XII sau công nguyên - tương tự như tháp cổ Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) và tháp Chót Mạt (xã Tân Phong, huyện Tân Biên).

Tìm hiểu về Gò Tháp, chúng tôi được nghe nhiều thông tin khác nhau. Bà Nguyễn Thị Thiểu, 66 tuổi, ngụ ấp Rạch Tre (xã Biên Giới) cho rằng tại địa điểm của ngôi miếu hiện tại là nơi trước kia có ngôi tháp cổ. Bà không rõ vì sao, lúc nào và ai đập bỏ ngôi tháp cổ, bà chỉ biết rằng người dân địa phương xây dựng ngôi miếu nhỏ ấy để thay thế. Bà kể rằng ngôi miếu ấy rất linh thiêng, hằng ngày thường có nhiều người đến cúng viếng. 

Ông Bùi Văn Sót- người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Biên Giới này, hiện tại căn nhà của vợ chồng ông ở sát bên gò đất- nơi trước đây xây cất ngôi tháp. Mặc dù năm nay đã 95 tuổi, nhưng lão nông này vẫn còn khoẻ khoắn như một người trung niên, hằng ngày ông vẫn một mình chạy xe cub 78 hoặc đi xe đạp ra quán uống cà phê. Đặc biệt, ông vẫn còn khá minh mẫn, nhớ rất rõ những chuyện xa xưa.

Theo lời lão nông này kể, ngôi tháp không phải ở vị trí ngôi miếu hiện tại, mà toạ lạc ở phía bên kia con đường đất đỏ, đối diện và cách xa ngôi miếu hàng chục mét. Chỉ về phần đất gò trước nhà, ông Sót kể, từ khi còn là một cậu bé ông đã nhìn thấy ngôi tháp sừng sững trước cửa nhà mình, cao khoảng 4 mét, rất rộng. Bức tường của ngôi tháp dày 50- 60cm. Bên trong ngôi tháp có một không gian trống, to bằng chiếc giường ngủ người lớn. “Tôi nhớ rất rõ, vào những ngày lễ, tết, có rất nhiều người mang lễ vật đến đây cúng viếng” - ông Sót khẳng định.

Cũng theo lời ông, những năm đầu sau ngày Tây Ninh giải phóng, ngôi tháp vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó, có một số người lạ đến đây đập phá ngôi tháp để tìm vàng. Không biết họ có tìm thấy vàng không, nhưng ngôi tháp bị đập phá tan tành. Ông còn nhớ, sau khi ngôi tháp bị đập bể, có tượng Phật kích thước lớn bằng đứa con nít bị bỏ lăn lóc.

Sau đó, có một ông sãi ở tỉnh An Giang hay Cần Thơ (ông không biết rõ), đến thỉnh tượng Phật này đem về miền Tây thờ cúng. Một số người dân địa phương cũng đến nơi ngôi đền sụp đổ nhặt những viên gạch, đá đem về làm đá mài dao hoặc kê “ông táo” để nấu cơm. “Hồi đó, cạnh ngôi tháp có một cây xay cổ thụ, bề hoành người lớn vòng tay ôm không giáp. Cây xay cũng bị người dân địa phương cưa mất” - ông Sót nhớ lại. 

Từ khi ngôi tháp không còn, cây xay bị cưa mất, gò đất này trở nên hoang tàn, vắng vẻ, cây cối mọc um tùm, ít ai dám vô ra. Bẵng đi một thời gian khá lâu, có một người Việt kiều Campuchia tên thường gọi là Út Na đến gò tháp này khai hoang vỡ đất để trồng trọt. Ông Na dùng xe cơ giới ủi những mảng gạch, đá này xuống một cái hố gần đó chôn lấp. Sau khi ông Na qua đời, phần đất gò tháp này do con rể của ông là ông Liền canh tác.

Hiện nay, trên phần đất này đang được ông Liền trồng khoai mì. Trong quá trình cày đất để trồng mì, những khối đá xanh còn sót lại lòi lên mặt đất, ông Liền đem bỏ bên lề đường. Thấy những “gộc” đá xanh nằm lăn lóc, ông Sót kêu con cháu khiêng những khối đá này để lên xe tải, chở đến ngôi miếu nhỏ, đặt dưới hai gốc bồ đề cho có nhang khói đỡ phần lạnh lẽo.

Theo lời ông Sót, ngôi miếu nhỏ bằng tường gạch, lợp ngói khá kiên cố, được gia đình ông Na xây cất. Những năm trước, mỗi dịp lễ, tết, vẫn có một bà lão người dân tộc Khmer, rước thầy cúng đến ngôi miếu này làm lễ. Mấy năm nay, không hiểu vì sao không còn thấy bà lão ấy đến nữa.

Hoa văn, hoạ tiết và hình tượng Phật khá tinh xảo trên bề mặt của một trong hai “gộc” đá xanh (ảnh Cẩm Tiên).

Ông Sót cho hay: “Mấy năm trước, có một số cán bộ của Sở Văn hoá đến tìm hiểu về ngôi tháp, nhưng thấy ngôi tháp không còn dấu tích gì nữa nên thôi”.

Ông Nguyễn Văn Nhưng - Chủ tịch UBND xã Biên Giới, hiện có nhà ở gần khu Gò Tháp cho biết, năm 1976, ông về vùng đất này sinh sống và làm Xã đội trưởng. Ông nhớ lại, lúc đó, ở gò tháp hoang vu, rậm rạm, ít ai dám vô. Chính quyền địa phương không nhận được công văn chỉ đạo gì về việc giữ gìn, bảo tồn ngôi tháp cả. Sau đó, có một số người Campuchia lén lút đào bới ngôi tháp lên đi tìm đồ cổ. Rồi gia đình ông Na- một hộ dân ở gần đó tự ý đến san lấp gò tháp để lấy đất trồng cây nông nghiệp.

Trong quá trình san lấp mặt bằng, có nhiều đồ sành sứ và nhiều viên gạch như gạch thẻ nhưng kích thước to hơn văng lên mặt đất. Bản thân ông cũng nhặt một viên gạch ở đó đem về nhà dùng để mài dao, đến nay vẫn chưa mòn hết. Chủ tịch UBND xã Biên Giới khẳng định: “Hiện nay, dưới nền ngôi tháp cũng vẫn còn nhiều gạch cổ xưa nằm sâu dưới mặt đất một hai mét”.

Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Công Trung bày tỏ: “Thông qua báo chí, mong sao tỉnh chỉ đạo ngành chức năng khai quật Gò Tháp để biết rõ lịch sử vùng đất này. Nếu đúng là ngôi tháp được xây dựng từ thời văn hoá Óc Eo thì đây là một di tích lịch sử có giá trị”. 

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh