Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thứ Ba, thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, những nông dân ở làng Trung Đô, xã Bảo Nhai (Bắc Hà) lại tạm gác công việc đồng áng để tham gia vận chuyển khách du lịch bằng xe trâu kéo, đây không chỉ là hoạt động du lịch đơn thuần mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo.
Vừa nhận được cuộc gọi từ công ty lữ hành báo sáng mai sẽ có đông du khách đến đi tour xe trâu, bà Vũ Thị Nương tất tả dắt chú trâu đang gặm cỏ trên đồi về chăm sóc và cho ăn chế độ đặc biệt để chuẩn bị đón những vị khách nước ngoài đầu tiên trong năm mới. Chú trâu kéo xe đã gắn bó với gia đình bà Nương qua 5 năm, như đã quen việc, đứng im cho bà Nương chải chuốt. Hình như chú trâu cũng biết ngày mai sẽ bận rộn nhưng đó sẽ là ngày vui đối với gia chủ và du khách.
Du khách nước ngoài thích thú với tour du lịch bằng xe trâu.
Vợ chồng ông Đỗ Hữu Tộ, Vũ Thị Nương đã gắn bó với dịch vụ vận chuyển khách bằng xe trâu ở làng Trung Đô từ những ngày đầu. Cũng như nhiều hộ dân khác ở Trung Đô, thu nhập chính của gia đình từ sản xuất nông nghiệp, mỗi năm hai vụ lúa, năm nào không gặp thiên tai, sâu bệnh thì đủ ăn, chứ chưa nói gì đến chi tiêu. Năm 2005, khi dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe trâu nhen nhóm ra đời, ông Tộ là một trong những người hào hứng tham gia đầu tiên. Sẵn có trâu, ông vay mượn thêm tiền đóng chiếc xe kéo phục vụ khách. Chẳng ai thiết kế nên ông Tộ tự vẽ chiếc xe không khác gì xe chở vật liệu, ngoại trừ phải gia công thêm phần ghế ngồi bọc đệm và mái che cho khách. Bà Nương bảo, gọi là nghề thì không phải nhưng đúng là gia đình có duyên với làm tour xe trâu phục vụ khách nước ngoài, con trâu nào chọn để kéo xe cho khách cũng đều thuần cả.
Ngày đầu năm, khoảng 10 giờ sáng, đoàn khách nước ngoài sau khi trải nghiệm chợ văn hóa Bắc Hà đã xuôi dốc về làng Trung Đô, hành trình của đoàn khách liên tục được bà Nương cập nhật để công tác chuẩn bị tốt hơn. Bà Nương bảo, không phải chuyến nào cũng giống chuyến nào vì mỗi đoàn lại có yêu cầu riêng, có khách thích đi nhanh, đi chậm, có khách trẻ lại thích tự mình điều khiển trâu, thậm chí là cưỡi cả trâu kéo nhưng gia chủ đều chiều lòng tất thảy. Hôm nay gia đình ông Bruno Bodard, quốc tịch Pháp đến du lịch Lào Cai lần thứ hai sau gần chục năm. Lần trước gia đình ông chọn Sa Pa nhưng lần này chuyển hướng thăm chợ Cán Cấu, chợ Bắc Hà và làng văn hóa Trung Đô. 2 ngày tham quan chợ phiên vùng cao khiến cả gia đình ông Bruno Bodard cảm thấy mãn nguyện lắm nhưng khi đến Trung Đô thì cảm giác thích thú còn hơn thế. Đón tiếp gia đình ông là những nông dân vùng cao thân thiện với nụ cười tươi, sau vài lời giải thích dặn dò, ông cùng thành viên gia đình bước lên xe trâu. Ngồi trên chiếc xe thô sơ, không còn những hướng dẫn viên chuyên nghiệp giới thiệu, cuộc sống như chậm lại theo bước chân lững thững của những chú trâu ngoan hiền. Hình ảnh làng quê vùng cao chầm chậm hiện ra, từ cánh đồng lúa, đến những xóm nhỏ và căn nhà sàn xinh xắn. Vốn tiếng Việt khiêm tốn của ông không đủ để hỏi người dân hết những tò mò mà lần đầu tiên ông nhìn thấy, vừa nói ông vừa diễn tả bằng cử chỉ, thế là thỉnh thoảng cả xe lại được một tràng cười sảng khoái.
Cùng với dịch vụ đưa khách đi thuyền thăm sông Chảy, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải du lịch Hồng Hà (xã Bảo Nhai, Bắc Hà) là người đầu tiên đưa ra ý tưởng sử dụng trâu kéo xe đưa khách tham quan làng Trung Đô. Chính ông Chiến cũng bất ngờ vì sự thích thú của du khách với loại hình vận tải đậm chất làng quê này. Ông Chiến cho biết, hoạt động này cũng có lúc thăng, lúc trầm vì phụ thuộc vào lượng khách, tuy nhiên, từ ngày ra đời đến nay, luôn được các công ty du lịch đưa vào danh sách để bán tour cho khách quốc tế. Còn ông Mai Văn Thời, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trung Đô cho biết, khi dịch vụ xe trâu xuất hiện vào năm 2005 mới chỉ có 2 xe thì nay cả thôn đã hơn chục xe, khi đông khách có con kéo 3 - 4 chuyến mỗi ngày. Có lúc cả đoàn xe nối đuôi nhau đi trên đường làng trông không khác gì những cảnh được dàn dựng trong phim.
Nhiều năm gắn bó với dịch vụ đặc biệt này, ông Tộ cũng chẳng giấu diếm bí quyết thành công của mình, ông bảo khó khăn nhất và quan trọng nhất là phải thuần được trâu để nó chịu kéo xe. Du khách nước ngoài dùng nước hoa, kem chống nắng thơm nức, có trâu lạ người, lạ mùi không bước chân, nhưng như thế còn may, nếu nó phá ngang hoặc phi nước đại thì hậu quả thật khó lường. Để thuần trâu, hằng ngày, ông Tộ chất đầy cát lên xe rồi dắt trâu đi quanh làng, đấy là cách để trâu quen tải trọng, sau đó buộc trâu ở ven đường nơi có khách đi qua để chúng dạn người hơn. Có người chủ còn kỳ công chế ra loại mùi tương tự như khách hay dùng bằng các loại thảo dược cho trâu ngửi để chúng đỡ sợ. Con trâu nhà ông Tộ đã kéo được 5 năm nay, nên quen việc, chỉ cần thấy chủ cầm vạy (dụng cụ đặt trên cổ trâu để buộc dây kéo) là nó tự cúi đầu xuống hẩy vạy lên. “Con trâu này thuần lắm nhưng nó sắp già rồi, lại phải thay, tiếc lắm”, ông Tộ chia sẻ.
Tour du lịch vòng quanh làng theo con đường bê tông, thăm ruộng đồng, đền Trung Đô đến bến thuyền khoảng 1 tiếng đồng hồ. Mỗi xe có chừng 4 - 6 khách, mỗi lượt đi như thế đem về cho chủ xe 200.000 đồng, một khoản thu kha khá nếu công việc ổn định. Ông Tộ cho biết, nhìn cứ tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, vì thế mà Trung Đô có cả trăm hộ nhưng kể cả thời điểm đông khách nhất vẫn chỉ duy trì 10 hộ tham gia. Có anh ở nơi khác cũng mang trâu đến chở khách, vừa cho khách lên xe thì con trâu lồng lên chạy thục mạng suýt nữa hất tung khách xuống đường, người chủ phải vất vả lắm mới nắm được dây xỏ mũi trâu, đến lúc ấy thì khách mặt đã cắt không còn giọt máu, chủ cũng tái xanh mặt mày. Cũng chẳng phải nói đâu xa, ngay nhà ông Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mai Văn Thời xe cũng đang để không, con trâu trước kéo được 6 năm ông bán đi để mua con trâu khác, nhưng khổ nỗi chú trâu mới cứ buộc vào xe là không chịu đi, thành ra xe cứ để đấy chờ con trâu nào hợp thì tính sau.
Mùa cấy hay mùa gặt trên cánh đồng làng Trung Đô, bên cạnh tiếng nói cười vui vẻ của bà con nông dân là hình ảnh của những du khách tham quan ruộng đồng bằng những chiếc xe trâu thô sơ. Có những du khách chẳng muốn rời chân đi, đòi chủ xe cho xuống thử gặt lúa, thử cày cấy. Du khách đến đông, du lịch ngày càng khởi sắc, bà con Trung Đô cũng bảo nhau chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường, góp tiền nâng cấp đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp. Trung bình mỗi nhà làm dịch vụ xe trâu đưa đón khách có thể thu về 20 triệu đồng một năm.
Ông Lâm Văn Chướng là một trong những người đầu tư homestay đầu tiên ở Trung Đô. Năm 2006 ông tham gia tổ du lịch công đồng của nông dân do một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thành lập ở Trung Đô. Căn nhà sàn của gia đình nằm ngay đầu thôn, bên kia cây cầu bắc qua suối Nậm Thin, được những người làm du lịch khen là có “view” đẹp nhất làng Trung Đô, khuyên ông nên đầu tư làm homestay và ông đã mạnh dạn thử nghiệm. Sau đó đã có thêm nhiều homestay trong thôn ra đời, góp phần níu chân du khách ở lại. Ông Chướng còn tham gia cả lớp học tiếng Anh ngắn hạn để hướng dẫn khách.
Du lịch có những lúc thăng trầm nên khi trò chuyện với phóng viên, người dân Trung Đô đều mong muốn sẽ có doanh nghiệp lớn đầu tư du lịch vào Trung Đô để du lịch bản làng thực sự phát triển bền vững. Ông Mai Văn Thời tin tưởng: “Nếu có doanh nghiệp lớn đứng ra tổ chức lại hoạt động du lịch, kết nối tour tuyến mạnh hơn thì chắc chắn du lịch Trung Đô sẽ khởi sắc trở lại”.
Những năm trước, chính sự phát triển của du lịch Trung Đô đã “thai nghén” nên sự ra đời của dịch vụ vận tải này và nay chính loại hình vận chuyển khách độc đáo ấy đang tạo nên thương hiệu cho du lịch Trung Đô. Những nông dân ở làng du lịch Trung Đô không phải những người làm du lịch chuyên nghiệp, họ đến với du lịch rất ngẫu nhiên nhưng bằng sự chất phác, giản dị, đang góp phần giữ lại cho du lịch nơi đây một sản phẩm độc đáo.
Nguồn Baolaocai