Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Du lịch Thái Lan:
Đi và suy gẫm
Thứ bảy: 12:00 ngày 06/12/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Đi du lịch nước ngoài đối với người Việt Nam, bây giờ không còn là chuyện xa vời, khó khăn nữa, kể cả đối với người “bình dân”. Cứ giở các trang báo quảng cáo sẽ thấy giới thiệu đủ loại tour giá rẻ, nhất là giá các tour Đông Nam Á, chỉ bằng khoảng phân nửa giá tour Nam - Bắc trong nước mình. Chúng tôi thử trải nghiệm một tour đến một nước thu hút khách lữ hành quốc tế rất mạnh, để xem “người ta” làm du lịch thế nào, có điều gì đáng suy gẫm…

Hoàng cung Thái Lan.

Chúng tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất lúc 21 giờ 35 trong tour du lịch Thái Lan 5 ngày 4 đêm của Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt. Chiếc phi cơ của hãng hàng không Air Asia Thái Lan cất cánh rời phi đạo. Thành phố “Hòn ngọc Viễn Đông” mờ dần qua cửa kính trên bầu trời tĩnh mịch trong ngày trăng non không đủ sáng. Chỉ 90 phút sau, thủ đô nước Thái sáng dần… xuống. Phi trường Don Mueang Bangkok đón những người khách du lịch Việt, các thiếu nữ Thái Lan xinh đẹp đứng tại cửa xe choàng từng vòng hoa lan lên cổ du khách, sự chào đón thân tình theo phong tục truyền thống người Thái. Màn khởi đầu thật ấn tượng với những ai mới lần thứ nhất đến đất nước Chùa Vàng.

Trên đường về khách sạn, hướng dẫn viên người bản địa tranh thủ giới thiệu hành trình du lịch cho ngày hôm sau, lời thuyết minh đến đâu có hình ảnh minh hoạ đến đấy trên màn hình trước mắt du khách, có cả tin dự báo thời tiết ở những điểm đến. Người hướng dẫn du lịch Thái Lan tự giới thiệu mình có tên Việt là Nam, biệt danh Nam “khùng”. Hoá ra chính cái “khùng” này đã cho đoàn khách du lịch Việt rất nhiều điều thú vị trong suốt chuyến đi. Khách sạn Color Living tại Bangkok đón chúng tôi khi đã sang giờ đầu của ngày mới. Du khách được nhân viên khách sạn đón tiếp ân cần, chu đáo, phòng khách sạn sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn tiếp khách quốc tế.

Vào nghề hướng dẫn du lịch từ năm 2001, Nam “khùng” hiện là một trong những hướng dẫn viên “đắt sô” nhất của Tổng cục Du lịch Thái Lan. Anh có kiến thức sâu rộng, không kể kiến thức về đất nước, con người Thái Lan, Nam tỏ ra hiểu biết sâu sắc nhiều lĩnh vực của Việt Nam, từ văn hoá, xã hội đến quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam mà không phải người Việt Nam nào đang sinh sống tại Việt Nam cũng biết.

Ngay ngày đầu tiên gặp mặt, để du khách có khái niệm về chuyến đi của mình, Nam đã ví von đoạn đường du lịch tại Thái Lan như từ sân bay Tân Sơn Nhất về Sài Gòn rồi ra Vũng Tàu, sau đó quay lại Sài Gòn rồi đi về nhà. Nam còn cho thấy cái “khùng” của mình qua từng ngày hướng dẫn: đoàn đi đến địa điểm nào cũng được Nam quay phim, chụp hình, khi lên xe thì thao thao bất tuyệt về địa điểm sắp đến.

Trước khi rời Thái Lan, Nam “khùng” tặng cho mỗi người trong đoàn 4 đĩa DVD, trong đó có hai đĩa ghi lại hành trình 5 ngày trên đất Thái của đoàn đã được Nam thực hiện công phu, 2 đĩa còn lại là những hình ảnh quảng bá du lịch trên mọi miền đất nước Thái Lan. Cái sự “khùng” của Nam được thể hiện qua hành động như thế đó.

Chương trình biểu diễn văn nghệ pedeshow.

Đến thăm cung điện vua Rama V (vua đời thứ 5 được kể là bậc minh quân của triều đại đang trị vì Thái Lan), Nam kể cho khách nghe về nguồn gốc của cung điện, tiểu sử, sự nghiệp của nhà vua. Nam nhắc nhở thật chi tiết những điều cần làm khi vào cung điện như: nữ phải mặc váy dài quá gối, áo có tay; nam phải mặc quần dài, áo cài khuy tay; vào hoàng cung không được mang theo bất cứ vật gì (kể cả đồng hồ, điện thoại… ), tất cả được cất vào tủ bên ngoài hoàng cung; vào hoàng cung không được hút thuốc lá. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho khách, trước hoàng cung có bán những mảnh vải đủ màu sắc khổ 1m x 2m, vừa để khách quấn quanh người khi vào hoàng cung vừa làm vật lưu niệm.

Trong lịch trình chúng tôi còn được đi mua sắm tại chợ nổi (Florting Market). Không giống như chợ nổi tại Việt Nam người dân mua bán trên ghe thuyền giữa một khúc sông, chợ nổi này trước đây là khu đất rộng 11 ha, được người chủ đất cho đào thành hồ. Từng ngôi nhà gỗ cất trên mặt hồ như những nhà sàn của người dân tộc, ngôi nhà này nối liền ngôi nhà kia bằng những cây cầu gỗ nhỏ xinh, cong cong tay vịn. Bên dưới có ghe đưa khách đi tham quan chợ nổi, len lỏi qua mấy cây cầu tạo cảm giác bềnh bồng cho du khách. Ngôi chợ nổi này mới đi vào hoạt động từ năm 2008.

Thành phố Pattaya đón đoàn khách Việt tại khách sạn 4 sao Asia Pattaya khi ánh đèn màu giăng giăng khắp chốn, đây là thành phố được mệnh danh là nơi ăn chơi bậc nhất châu Á. Chỉ với hơn 70.000 dân, không tài nguyên, không nhà máy, không bến cảng, chẳng ruộng đồng, thành phố Pattaya chuyên làm dịch vụ du lịch. Với đường biển chỉ dài 4km, Pattaya có hơn 2.000 phòng trà và hơn 30.000 phòng khách sạn, vậy mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khi vào mùa du lịch cao điểm.

Có một điều rất độc đáo, thuộc về loại “đặc sản du lịch Thái Lan” đó là việc Nam “khùng” đưa chúng tôi đi thưởng thức show ca nhạc của những người chuyển giới (pedeshow). Sân khấu được tự động hoá rất chuyên nghiệp, từ thiết kế phong cảnh hài hoà theo từng tiết mục đến ánh sáng tuyệt vời theo từng ca khúc, đặc biệt là trên sân khấu có hai đường hầm, ca sĩ được đưa từ đường hầm này lên sân khấu trông rất lạ mắt. Ca sĩ hát có rất nhiều vũ công minh hoạ, mỗi bài hát là của một quốc gia được ca sĩ và các vũ công minh hoạ theo trang phục của quốc gia đó.

Sau khi chương trình kết thúc, số vũ công này xuống khoảng sân rộng bên hông nhà hát chụp ảnh lưu niệm với khách du lịch, khách nào muốn chụp hình với vũ công xinh đẹp phải trả tiền. Gần như không du khách nào không chụp ảnh với những người đẹp mà nếu không được báo trước sẽ không ai nghĩ đó là những người nam chuyển giới.

Đến thăm chùa Thuyền, Wat Yanawa Boat Temple, đã tồn tại hơn 200 năm, trước chùa có chiếc thuyền với hai cột buồm cao. Nam “khùng” kể vua Rama V là người Thái đầu tiên đi thuyền vượt biển giao thương với thế giới bên ngoài, khi lên ngôi, nhà vua cho xây dựng ngôi chùa này và đem chiếc thuyền về để trước chùa như minh chứng cho sự đúng đắn của mình khi mạnh dạn mở cửa giao thương với ngoại quốc. Cũng qua lời Nam “khùng”, chúng tôi biết được Thái Lan là đất nước có nhiều ngôi chùa nhất thế giới (hơn 20.000 ngôi chùa), có tượng Phật vàng nặng nhất thế giới (nặng 5 tấn vàng) nên Thái Lan được gọi là đất nước Chùa Vàng.

Buổi tối trước khi rời Thái Lan, chúng tôi được tham quan ngôi nhà cao nhất Bangkok (86 tầng). Đứng trên tầng 84 nhìn toàn cảnh thủ đô Bangkok về đêm thật lộng lẫy, nhất là giao lộ 4 tầng đường xe chạy như một sân khấu hoành tráng với đèn xe, đèn đường làm nền.

Trước khi đi du lịch, chúng tôi không khỏi băn khoăn khi nghe chuyến du lịch này là du lịch khuyến mãi, 5 ngày 4 đêm mà giá tour trọn gói chỉ có 5 triệu đồng, thật là một chuyến du lịch nước ngoài giá… không tưởng. Qua trao đổi với Nam “khùng” tôi mới biết, Thái Lan làm du lịch “từ huề tới lỗ”, số tiền 5 triệu đồng của tôi chỉ đủ trả tiền máy bay hai chuyến đi về, số còn lại Thái Lan “tài trợ”.

Đổi lại, khách du lịch sẽ tạo thêm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, tạo việc làm cho người dân. Nam “khùng” tính đơn giản: chỉ cần mỗi người khách du lịch chi 1 USD/ngày, mỗi người khách ở lại 4 ngày sẽ chi 4 USD/người, năm 2013 Thái Lan có 22 triệu khách du lịch, số ngoại tệ thu được từ nguồn “tiêu vặt” của du khách đã là 88 triệu USD.

Hoặc khách du lịch ăn 1kg gạo/ngày/người, mỗi người du lịch 4 ngày sẽ tiêu thụ 4kg gạo, 22 triệu khách năm 2013 nông dân Thái “xuất khẩu tại chỗ” được 88 triệu ký gạo… Như thế nguồn thu từ nhà hàng, khách sạn, mua sắm cũng như nhiều loại dịch vụ khác sẽ bù vào số tiền khuyến mãi tour du lịch cho khách. Nam cho biết hơn 60% khách du lịch đã trở lại Thái Lan trong năm qua vì có những dịch vụ năm sau rẻ hơn năm trước. Cụ thể như giá vé tham quan toà nhà 86 tầng tại Bangkok hai năm trước là 1.300 baht, năm nay chỉ còn 1.000 baht...

Chợ nổi Pattaya.

Được như thế là vì có sự chỉ đạo thống nhất từ Hoàng gia đến Chính phủ, các ngành và ý thức người dân. Nam cho biết thêm, ngành du lịch Thái Lan do đại công chúa của đức vua phụ trách, đại công chúa này sống ở nước ngoài nên học được những điều hay đem về áp dụng tại Thái Lan. Mặc dù là đất nước có Phật giáo là quốc đạo nhưng mại dâm là nghề hoạt động hợp pháp tại Thái Lan (khách du lịch thường gọi là khu đèn đỏ), người hành nghề mại dâm có thẻ hoạt động, được khám bệnh hằng tháng và quản lý chặt chẽ về sức khoẻ.

Thế nhưng, Thái Lan không có casino, nạn cờ bạc dưới mọi hình thức được cấm triệt để tại Thái Lan, nếu vi phạm bị phạt rất nặng. Thái Lan là đất nước sống theo chế độ quân chủ lập hiến, tiếng nói của hoàng gia rất uy tín và mọi người tuân theo, ngành du lịch Thái Lan được sự chi phối, điều hành thống nhất từ Tổng cục Du lịch của Chính phủ theo chỉ đạo của hoàng gia nên du lịch Thái Lan không có cạnh tranh. Mỗi miền, mỗi tour du lịch được thiết kế riêng nhưng những tour có cùng điểm đến sẽ có những nơi tham quan, dịch vụ như nhau, ăn uống cùng nhà hàng, nghỉ ngơi cùng khách sạn…

Tổng cục Du lịch Thái Lan có khoảng 50 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 5.000 xe chở khách (loại 30 - 40 chỗ ngồi) mà lúc nào cũng thiếu người hướng dẫn, thiếu xe đón khách. Khi một công ty nước ngoài ký hợp đồng với công ty du lịch Thái Lan, Tổng cục Du lịch sẽ điều xe đến phục vụ không tính phí. Tài xế lái xe du lịch xem xe như nhà mình, tài xế ăn, ngủ cùng đoàn du lịch trong suốt hành trình. Tài xế được Tổng cục Du lịch trả lương, tiền bồi dưỡng theo đoàn (tiền tip) do hướng dẫn viên trả, tài xế không có lơ xe nên tài xế phải mang người nhà theo hỗ trợ.

Ngành công nghiệp không khói của Thái Lan mang lại nhiều lợi ích cho người dân, là nguồn thu đáng kể của nhà nước. Du lịch Thái Lan có quy trình khép kín dưới sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đến Thái Lan, khách du lịch thực sự là thượng đế, được mua hàng hoá, ăn uống, nghỉ ngơi và các dịch vụ khác rẻ hơn dân bản địa vì miễn thuế.

Từ giã xứ Thái, tôi cứ mãi băn khoăn, rõ ràng tài nguyên du lịch của “người ta” còn kém xa mình, 4km bờ biển Pattaya thấm gì với hàng chục km ở mỗi thành phố ven biển của ta, chợ nổi trên hồ rộng chỉ 11 ha thấm gì với những chợ nổi trên sông mẹ Cửu Long đã có hàng trăm năm trước ở quê ta… vậy mà sao du lịch nước nhà chưa có được sức thu hút mãnh liệt như xứ Thái? Chẳng biết nỗi băn khoăn này bao giờ mới có lời đáp!

DUY ĐỨC

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục