Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đi về đâu, các cô giáo mầm non dạy hợp đồng ?
Thứ sáu: 04:57 ngày 12/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện tại, có tới khoảng 400 cô giáo mầm non thuộc diện dạy hợp đồng tại các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh đang thấp thỏm, chờ đợi xem tỉnh nhà có tổ chức tuyển dụng chính thức hay không, lúc đó, các cô mới định hình được tương lai của mình.

Giờ nghỉ trưa của trẻ mầm non tại Khu dân cư Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Ảnh: Việt Đông.

“Bao năm ăn học, em rất muốn gắn bó với nghề, mong có được việc làm ổn định rồi lập gia đình. Nhưng tình hình không ổn. Sau nhiều ngày cân nhắc, em đã phải bấm bụng chia tay nghề dạy học để đi làm công nhân”. Một cô giáo vừa nghỉ dạy tại một trường mầm non ở huyện Hoà Thành đã tâm sự như vậy.

Hiện tại, có tới khoảng 400 cô giáo mầm non thuộc diện dạy hợp đồng tại các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh đang thấp thỏm, chờ đợi xem tỉnh nhà có tổ chức tuyển dụng chính thức hay không, lúc đó, các cô mới định hình được tương lai của mình.

GIA ÐÌNH PHẢI HỖ TRỢ

Theo thông tin chúng tôi được biết, đầu năm học 2017-2018, trước tình hình thiếu giáo viên mầm non, một số trường mầm non ở huyện Hoà Thành đã ký hợp đồng với khoảng 20 giáo viên mầm non mới ra trường. Hằng tháng, nhà trường trả thù lao cho mỗi cô giáo hơn hai triệu đồng.

Ngoài khoản này, giáo viên không còn chế độ nào khác. Nhóm giáo viên này cũng không được đóng bảo hiểm, bởi lẽ, hợp đồng dạy học giữa các cô và nhà trường chỉ có tính chất tạm thời, chưa xác định có thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không. Mặt khác, nếu đóng bảo hiểm xã hội, thu nhập hằng tháng của các cô giáo còn lại chẳng bao nhiêu.

“Từ nhà đến trường cũng gần chục cây số. Buổi sáng, em đi từ lúc hơn 5 giờ, chiều khoảng 6 giờ, sau khi giao trẻ cho phụ huynh, em mới ra về. Từ đầu học kỳ I đến nay, ngày nào cũng vậy. Với số tiền chỉ hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, trừ tiền xăng xe, khoản tiền còn lại chỉ đủ dùng cho hai bữa cơm đạm bạc” - một cô giáo mới vào nghề được 4 tháng cho hay.

Cô giáo này cho biết thêm, trước khi vào học sư phạm mầm non, cô đã tìm hiểu kỹ về bậc học này, nhưng không nghĩ là khối lượng công việc lại nhiều đến vậy. Thu nhập thấp, công việc vất vả nhưng đó chưa phải là điều cô giáo trẻ này lo lắng nhất.

Cô kể tiếp, do năm nay ngành Giáo dục không tổ chức tuyển dụng viên chức nên những trường hợp vừa mới ra trường như cô chỉ ký hợp đồng với nhà trường. Cô cùng bạn bè tự tìm thông tin xem trường nào có nhu cầu giáo viên thì đến xin việc. Cũng may, nhiều trường mầm non thiếu giáo viên nên cô được ký hợp đồng.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, những giáo viên thuộc diện dạy hợp đồng hết sức băn khoăn khi biết được nhà trường cũng đang chịu ảnh hưởng bởi những biến động liên quan đến vấn đề tài chính và biên chế. Theo một cán bộ quản lý trường mầm non, khi ký hợp đồng với giáo viên, nhà trường trích nguồn thu từ học phí và nguồn chi từ hoạt động thường xuyên để trả thù lao cho giáo viên.

Do thiếu giáo viên nên nhà trường chủ động thực hiện việc này trong khi chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền hướng dẫn.  “Trường thiếu giáo viên, một cô giáo không thể chăm sóc, nuôi dạy 40 cháu được, do đó, chúng tôi buộc phải hợp đồng với giáo viên mới ra trường để giáo viên cơ hữu bớt đi gánh nặng.

Mức thù lao khoảng 2,5 triệu đồng mà chúng tôi trả cho giáo viên đã được tính toán kỹ. Nhà trường cũng muốn nâng mức thù lao hằng tháng lên để động viên đồng nghiệp trẻ nhưng không còn nguồn chi nào, chỉ lo được bấy nhiêu thôi”- vị cán bộ này cho biết.

Tuy nhiên, bắt đầu từ học kỳ 2 của năm học này, nhiều trường có giáo viên hợp đồng chưa biết phải tính toán như thế nào, vì vấn đề tài chính trong trường công lập liên quan đến ngành tài chính. Ban giám hiệu các trường vừa động viên nhóm giáo viên trẻ tiếp tục công tác, vừa trông chờ các cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo bằng văn bản để có hướng giải quyết.

Nếu không sớm giải quyết vấn đề, những giáo viên hợp đồng có thể phải ra đi. Khi đó, khối lượng công việc sẽ dồn hết lên vai những giáo viên hiện có. Tỷ lệ giáo viên trên tổng số học sinh mỗi lớp quá thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nuôi dạy trẻ.

“Tụi em vẫn đang vừa dạy vừa ngóng xem tình hình. Nguyện vọng lớn nhất hiện nay là tỉnh tổ chức tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục để những người đang dạy hợp đồng tìm được chỗ đứng chính thức. Chỉ khi được tuyển dụng, chúng em mới yên tâm công tác. Bạn em bỏ nghề dạy học sang Bình Dương làm công nhân, lương mỗi tháng được 5 triệu đồng, trong khi đi dạy cả ngày lương cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng. Ước mơ làm cô giáo đã thành hiện thực được hơn bốn tháng. Nhưng… trong bốn tháng đó, hầu như tháng nào em cũng phải nhờ ba mẹ hỗ trợ thêm mới có đủ chi phí đi dạy”- một giáo viên trẻ chua chát.

Sắp tới, ngành Giáo dục huyện Hoà Thành sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Trả lời câu hỏi trên, một cán bộ quản lý cho biết, ngày 3.1 vừa qua, Sở GD-ÐT có tổ chức một cuộc họp về vấn đề nêu trên, nhưng vẫn đang chờ cấp có thẩm quyền cho chủ trương.

cogiao.jpg

Cô trò Trường mầm non Trưng Vương (huyện Châu Thành).

HẾT BIÊN CHẾ, VƯỚNG NGHỊ QUYẾT

Hoà Thành không phải là địa phương duy nhất gặp khó về chuyện thiếu giáo viên mầm non. Hiện tại, có gần 400 cô giáo mầm non thuộc diện dạy hợp đồng đang thấp thỏm chờ đợi xem tỉnh nhà có tổ chức tuyển dụng chính thức hay không, lúc đó, các cô mới định hình được tương lai của mình.

Cốt lõi của vấn đề nằm ở đâu? Ðó là vấn đề biên chế trong cơ quan, đơn vị thuộc khối sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu biên chế được giao cho ngành Giáo dục đã hết, do vậy, về nguyên tắc, ngành Giáo dục chưa thể tổ chức tuyển bổ sung giáo viên cho bậc học mầm non. Từ đây, xuất hiện một nghịch lý khó chấp nhận, đó là, trong khi nhà trường thiếu giáo viên mầm non và số lượng sinh viên mầm non mới tốt nghiệp rất nhiều, sẵn sàng đi dạy, thì cơ sở giáo dục lại không thể nhận, hoặc chỉ hợp đồng vào dạy tạm thời với mức thù lao “bèo bọt”.

Cuối tháng 10.2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ban hành một số nghị quyết liên quan đến vấn đề biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng nêu: “Giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập.

Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015. Cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). Nghị quyết 19 yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp, nhưng trường hợp nào được liệt vào dạng “hợp đồng lao động không đúng quy định”? Nói về vấn đề này, một cán bộ quản lý ngành Giáo dục nhìn nhận: “Nghị quyết 19 đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động, có nghĩa, nhà trường không thể chủ động ký hợp đồng với giáo viên, vì hoạt động của trường công do ngân sách bảo đảm. Với hệ thống trường ngoài công lập hay những đơn vị tự chủ tài chính, Nghị quyết 19 không ảnh hưởng gì”.

KHÔNG RÀNG BUỘC

Giải pháp nào cho bài toán mâu thuẫn về nhu cầu và nguồn lực giáo viên như đã trình bày ở trên? Thật ra, nghị quyết của Ðảng là chủ trương chung. Nói cách khác, nghị quyết của Ðảng có tính “mở” chứ không phải “đóng”. Nhiệm vụ của các cấp quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực là thời gian tới phải cụ thể hoá chủ trương, nghị quyết của Ðảng.

Như vậy, các cơ quan xây dựng chính sách hoàn toàn có thể linh hoạt trong việc định ra kế hoạch chỉ tiêu biên chế. Trong câu chuyện này, biên chế của ngành Giáo dục có tính đặc thù, vì tính chất công việc của ngành hoàn toàn khác với tất cả những cơ quan, đơn vị sự nghiệp lĩnh vực khác. Khối lượng công việc, tỷ lệ giáo viên trên mỗi lớp đều được lượng hoá chứ không phải chung chung, nhiều khi “vô hình” như các ngành nghề khác.

Theo tinh thần tinh giản biên chế, khi trong cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập có hai người đến tuổi nghỉ hưu, chỉ được tuyển bổ sung một người. Tuy nhiên, với ngành Giáo dục, không thể áp dụng “công thức” này. Bởi vì, nếu trường nào có hai giáo viên nghỉ hưu vẫn phải tuyển hai giáo viên khác thay thế, đơn giản là một người không thể cùng lúc dạy hai lớp học tại một thời điểm. Ðó còn chưa kể, nếu như số học sinh (ở đây là các cháu mầm non) có biến động tăng về số lượng thì phải tuyển thêm giáo viên mới đủ tỷ lệ theo quy định. Ví dụ, một trường mầm non năm nay có 10 lớp nhưng năm sau có thể tăng lên mười một, mười hai lớp.

Câu chuyện về tình trạng quá tải ở bậc học mầm non đã được nói đến nhiều. Ngày 16.3.2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch (Thông tư 06) quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Thông tư đã quy định chi tiết về từng vị trí việc làm và tỷ lệ giáo viên trên mỗi lớp ở bậc học mầm non. Trong đó quy định rõ, với nhóm trẻ, bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ, đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp, và với lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp.

Căn cứ vào Thông tư 06, không khó khăn gì, lãnh đạo Sở GD-ÐT đã tính được rằng, năm học 2017-2018, toàn tỉnh cần tuyển thêm 540 giáo viên mầm non. Cần lưu ý rằng, sự quá tải không chỉ thể hiện ở chỗ thiếu giáo viên mầm non mà còn ở số lượng học sinh trong mỗi lớp hiện rất đông, vượt xa so với quy định của Trung ương. Nếu tính thật “sòng phẳng”, tất cả các trường mầm non ở khu vực đô thị sẽ rớt trường chuẩn quốc gia vì số lượng học sinh trong mỗi lớp quá đông. Từ thực tế đó, hoàn toàn có cơ sở (cả pháp lý lẫn nhu cầu thực tế) để tuyển dụng thêm giáo viên cho bậc học này.

VIỆT ÐÔNG

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh