PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đi xem lễ hội Kỳ yên
Thứ tư: 06:02 ngày 15/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lễ Kỳ yên chính là lễ hội quan trọng nhất trong năm, bắt nguồn từ phong tục tốt đẹp thuở xa xưa.

Múa lân ở lễ Kỳ yên đình Trường Đông. Ảnh: Lê Văn Hải

Ra giêng, nhiều ngôi đình làng lại tổ chức lễ hội Kỳ yên. Có người bảo: Đình làng chính là ngôi nhà chung của người dân ở nông thôn Nam bộ. Vào thời phong kiến, ngôi đình không chỉ là nơi thờ thành hoàng- vị thần cai quản mọi mặt về âm trạch một địa phương mà còn là nơi làm việc của bộ máy hương chức của làng. Khi có việc, các bô lão và dân đinh được triệu tập ra đình để thông báo hoặc hỏi han ý kiến. Lễ Kỳ yên chính là lễ hội quan trọng nhất trong năm, bắt nguồn từ phong tục tốt đẹp thuở xa xưa.

Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, có khoảng năm 1820, viết rằng: “Ở mỗi làng xây dựng một ngôi đình, đến dịp tế lễ phải lựa ngày tốt, buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, suốt đêm ấy gọi là túc yết.

Sáng sớm ngày sau, áo mão trống chiêng làm lễ chánh tế, tuỳ theo làng xã, không giống nhau. Chỗ dùng tháng giêng là thủ nghĩa Xuân kỳ, hoặc chỗ dùng tháng 8, tháng 9 là lấy ý nghĩa thu báo… tế chưng tế lạp là đáp tạ ơn thần, sự tế có chủ ý đều gọi là cầu an…”.

Trong đoạn văn trên, có thể ông quan nguyên là Hiệp tổng trấn thành Gia Định đã nhầm ở một chỗ. Đấy là ông viết chỗ dùng tháng giêng là “thủ nghĩa Xuân kỳ”. Bởi lễ hội cúng Kỳ yên ở Tây Ninh nói riêng và Nam bộ nói chung, trên thực tế diễn ra ở cả ba tháng giêng, hai, ba của mùa xuân.

Như ở Tây Ninh, lễ hội Kỳ yên nhiều nhất là vào giữa tháng 2 (âm lịch). Còn trong tháng giêng, chỉ có ở 3 ngôi đình. Một là đình xã Trường Đông (thị xã Hoà Thành) và 2 ngôi còn lại thuộc về xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu.

Hai ngôi đình tuy ở Tiên Thuận nhưng thực chất chỉ là một. Đấy là do thời kháng chiến, ngôi đình gốc cũ ở ấp Bàu Tràm- vùng thường diễn ra chiến sự ác liệt nên hương chức làng Tiên Thuận chuyển về vùng an toàn hơn gần đường 786 ngày nay để lập ngôi đình mới từ năm 1972. Sau năm 1975, từ nền đình cũ đã bị tàn phá, nhân dân ấp Bàu Tràm xây dựng lại ngôi đình xưa, như gìn giữ một kỷ niệm của ông bà để lại.

Trong các lễ hội Kỳ yên vào tháng giêng, có lẽ chỉ có đình Trường Đông là đông vui nhất. Lễ hội ở đây vừa giữ được nhiều nét đẹp và truyền thống, vừa đầy ắp nhân tình (hiểu theo nghĩa sẻ chia giữa người với người).

Vậy mà suốt 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát (2021, 2022), lễ hội chỉ có phần lễ và làm trong nội bộ, các phần hội như múa lân, múa rồng đều loại bỏ. Năm nay, trở lại bến đình Trường Đông vào ngày 16 tháng Giêng, thì mọi sự đã trở lại gần như xưa.

Theo tác giả Sơn Nam, trong sách “Đình miếu và lễ hội dân gian” (Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1992) thì: “Túc yết, theo nghĩa là túc trực để chờ xin ra mắt (yết kiến) thần thánh… Đáng lý ra Túc yết cử hành ngay trong đêm nhưng vì sinh hoạt đồng bào địa phương nên chờ sáng ra mới cử hành…”.

Ở đình Trường Đông, lễ Túc yết được cử hành từ sáng, để tới 9 giờ thì vào nghi thức cúng quan trọng nhất: Dâng các phẩm vật cúng lên cho thành hoàng cùng các vị thần về phối hưởng.

Tham dự lễ tế bao gồm các vị trong Ban Tế tự với áo dài xanh, khăn xanh; các chấp sự viên thì áo dài khăn đóng; học trò lễ 4 vị áo thụng xanh, mão nửa trắng nửa xanh. Dàn nhạc lễ và các cô đào thài sắp xếp ở gian phía Đông chính điện.

Trên bàn đặt trước ngai thần đã sắp đầy các loại bánh, trái cây. Các ban ở ngoài sân như ban thờ thần Nông đã đủ các phẩm vật cúng, gồm gà luộc, heo quay, heo luộc cùng xôi bánh, hương hoa đủ loại…

Lễ tế được bắt đầu với ba hồi mõ đánh thật vang, thật chắc. Tiếp theo là 3 hồi thanh la và 3 hồi trống rền vang. Từ đây, nghi lễ nghiêm trang và thong thả, do các vị chánh, bồi tế, học trò lễ, đào thài thực hiện, trong tiếng các khẩu lệnh vang lên, giữa dìu dặt các làn điệu của dàn nhạc ngũ âm.

Học trò lễ đi lên, đi xuống theo từng nhịp trống. Trên tay là ngọn nến lung linh sáng. Lễ này, như nhà văn Sơn Nam mô tả, là: “gồm 3 phần: hiến, á hiến và chung hiến, tức 3 lần dâng rượu lên bàn thờ thần thêm dâng trái cây, bánh, trà. Sau rốt đọc rồi đốt bản văn tế để kết thúc (lễ tất, lễ thành).

Tiếp theo là xây chầu và hát bội”. Cũng theo Sơn Nam, xây chầu hát bội là để: “nhắc nhở cội nguồn, đề cao tư thế con người trong vũ trụ, cầu mong sự hài hoà giữa Thiên, Địa, Nhân “tròn đạo Trời, vuông đạo Đất, sáng đạo Người”…”.

Tiếc thay, đến nay, nhiều ngôi đình ở Tây Ninh- kể cả đình Trường Đông đã không còn lễ nghi này. Tuy vậy, vẫn còn một phần lễ không thể thiếu ở đình Trường Đông là nghi thức thả thuyền tống ôn trên sông Vàm Cỏ Đông.

Nghi thức thả thuyền tống ôn trên sông Vàm Cỏ Đông ở đình Trường Đông. Ảnh: Lê Văn Hải

Mục đích chính của lễ Kỳ yên là lễ cúng tạ ơn thần (thành hoàng). Đồng thời cũng là cầu cho “Quốc thới, dân an, phong điều, vũ thuận”. Nhưng cũng còn một mục đích khác là tống tiễn đi mọi loại quan ôn dịch bệnh đe doạ sức khoẻ con người và gia súc gia cầm, cũng như làm thất bát mùa màng.

Trong suốt quá trình tế lễ, con thuyền được trang hoàng đẹp đẽ với đủ cột buồm, cờ chăng trên dây và bày ở giữa sân đình. Vẫn là kiểu thuyền mô hình đặt trên bè cây chuối, nhưng thuyền năm nay to và đẹp hơn hẳn thuyền năm trước. Có lẽ sau 2 năm dịch bệnh hoành hành, bà con địa phương quyết tâm làm thuyền lớn và bền chắc hơn để tiễn đi vĩnh viễn các loại ôn dịch đã từng xuất hiện.

Đến gần trưa, khi lễ tế đã hoàn tất, người ta lại rước thuyền vào gian tiền đình, đặt trước một mâm cơm cúng, rồi đặt vào lòng thuyền gạo, muối, tiền lẻ và vài loại bánh trái. Quá trưa, khi nước ròng đủ mạnh sẽ đưa thuyền lên ghe lớn chạy ra giữa dòng sông mà thả trôi đi. Theo quan niệm dân gian, năm nào thuyền trôi xuôi lọt, không gặp trở ngại thì năm ấy thôn ấp sẽ được nhiều bình an, may mắn.

Một ngôi đình nhỏ, với lễ Kỳ yên màu sắc mang nhiều ý nghĩa tích cực nên không chỉ người dân Trường Đông nô nức tìm về. Câu ca dao thường được truyền tụng ở đây là: “Dù cho công việc bộn bề/ Tháng giêng mười sáu nhớ về cầu an”.

Trần Vũ

data:
Yến sào LifeNest
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục