Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Địa danh Trảng Bàng có từ bao giờ ?
Thứ tư: 05:25 ngày 02/12/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - “Ôn cố, tri tân”. Người xưa đã nói! Càng mến yêu và nâng niu những thành quả thời nay, thì cũng cần nhớ và nhìn nhận lại những chuyện xưa trên mảnh đất quê mình. Mà chuyện đầu tiên, liên quan nhất là chuyện những ngày đầu khai cơ, mở đất.

Một ngôi làng ở Trảng Bàng năm 1865. Ảnh: sưu tầm internet.

Thị trấn Trảng Bàng đang mạnh mẽ tiến hành sự nghiệp đô thị hoá. Thành quả mới nhất của đô thị này, có vào những tháng cuối năm 2015, là công viên khu tam giác đã hoàn thành, vừa mở rộng mảng xanh cho khu trung tâm, vừa để khu phố cũ (hoặc cổ) của Trảng Bàng như được mở ra phía đường Xuyên Á. Một không gian đô thị mới đã được khai sinh, như là bước khởi đầu của việc xây dựng thị trấn Trảng Bàng trở thành thị xã theo nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

“Ôn cố, tri tân”. Người xưa đã nói! Càng mến yêu và nâng niu những thành quả thời nay, thì cũng cần nhớ và nhìn nhận lại những chuyện xưa trên mảnh đất quê mình. Mà chuyện đầu tiên, liên quan nhất là chuyện những ngày đầu khai cơ, mở đất.

Vậy là, sau khi rà xét nhiều trang sử cổ, kim, chúng ta đã biết rằng sự ra đời của phủ Tây Ninh năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), với hai huyện Quang Hoá, Tân Ninh. Nhiều người, kể cả tác giả bài viết này đã hiểu lâu nay, rằng Trảng Bàng nay là Quang Hoá xưa, đến nỗi gần như đồng nhất hai địa danh ấy.

Như Vương Công Đức, trong phần mở đầu của tác phẩm Trảng Bàng phương chí đã viết: “huyện Trảng Bàng trước đây chính là huyện Quang Hoá đã tồn tại từ năm 1836 đến năm 1872 trước khi được đổi thành quận Trảng Bàng…” (trang 19).

Vậy mà bây giờ, có người lại bảo ngay từ những năm đầu thành lập huyện Quang Hoá, đã không có huyện Trảng Bàng. Chính xác là không có những làng xã trung tâm, cơ bản nhất của Trảng Bàng…

Thì liệu có đáng tin không? Mà cái phần cơ bản, trung tâm nhất ấy chính lại là nơi sản sinh ra hai di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Tây Ninh, mới được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận gần đây. Đấy là nghi lễ cúng Kỳ yên đình Gia Lộc (2014) và bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (2015).

Đành phải rà, xét lại kỹ càng hơn! Và đối chiếu lại với một số nghiên cứu kỹ lưỡng về miền đất Nam bộ của hai tác giả Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư. Thì ra, phần cơ bản và trung tâm nhất của Trảng Bàng hiện nay, ở thời kỳ đầu lập phủ Tây Ninh lại nằm trong tổng Hàm Ninh. Mục từ này ở trang 416 của tác phẩm Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, tác giả Nguyễn Đình Tư, Nxb chính trị quốc gia năm 2008.

Tổng Hàm Ninh, lúc đầu: “có 11 xã, thôn: Gia Lộc, Phước Hội, An Tịnh, Phước Chỉ, Ninh Điền, Long Vĩnh, Đôn Thuận, Hiệp Ninh, Lộc Ninh, Lộc Hưng, Phước Hiệp. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực chiêu tập dân xiêu tán lập thêm 12 thôn…”.

Trong số 12 thôn mới lập thêm ấy, chỉ còn lại đến nay hai tên thôn là An Hoà và Gia Bình, nên không nhắc lại. Rõ ràng là tổng Hàm Ninh đã bao gồm các thôn cơ bản và trung tâm nhất để sau này hình thành huyện Trảng Bàng. Chỉ tiếc, là ngay ở câu đầu tiên của mục từ Hàm Ninh, lại là “Tổng thuộc huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định…” (không phải là Quang Hoá). Điều này đã giải thích đoạn văn mô tả ranh giới hình thể huyện Quang Hoá khi mới thành lập, in trong sách “Đại Nam Nhất thống chí”. Theo đó thì cả ba phía; Bắc, Đông, Nam của Quang Hoá đều giáp giới huyện Tân Ninh.

Xem tiếp mục từ Hàm Ninh Thượng (cùng trang 416), thì tổng này mới là: “thuộc huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, triều Thiệu Trị, Tự Đức do chia tổng Hàm Ninh, có 12 thôn: An Tịnh, An Hoà, Gia Lộc, Gia Bình, Lộc Hưng, Phước Chỉ, Phước Hiệp, Phước Mỹ, Long Bình, Long Định, Phú Thạnh, Hoà Thuận…”.

Bốn thôn sau cùng đã bị giải thể sau khi Pháp chiếm Tây Ninh năm 1862 và lập Hạt thanh tra Tây Ninh. Sau khi đã có quận Trảng Bàng, đến năm 1943, mới sáp nhập thêm làng Đôn Thuận của tổng Hàm Ninh Thượng, quận Châu Thành.

Trong đoạn trích trên, tác giả đã không xác định được thời điểm chia tách tổng Hàm Ninh Hạ để đưa về Quang Hoá, mà chỉ nói ở hai triều vua: Thiệu Trị (1841- 1847) và Tự Đức (1847- 1883). Tuy nhiên, với một văn bản xa xưa nhất còn lại ở đình An Tịnh, là tờ sắc phong thần cho Thành hoàng làng An Tịnh, mà báo Tây Ninh đã từng công bố gần đây; thì tận tới năm Tự Đức thứ 5 (1853), An Tịnh vẫn còn thuộc tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh.

Nguyên văn đoạn sắc ấy là: “Chuẩn cho thôn An Tịnh, huyện Tân Ninh thờ phụng y như cũ. Thần cùng phù hộ bảo vệ dân đen của ta. Kính đấy!/ Ngày 29.11 năm Tự Đức thứ năm (8.1.1853)” (bản dịch của học giả Trương Ngọc Tường)

Như vậy, sự kiện các làng xã thuộc tổng Hàm Ninh Hạ được nhập vào huyện Quang Hoá, chỉ xảy ra vào thời Tự Đức, và sau năm 1853. Vậy thì, ít nhất đã có 17 năm đầu tiên của huyện Quang Hoá đã không có Trảng Bàng. Lịch sử hình thành miền đất Tây Ninh đã có những khúc quanh co đầy bất ngờ và thú vị!

Coi lại bản đồ xem! Thời ấy Quang Hoá như một cái lòng đỏ trứng gà, mà Tân Ninh như lòng trắng và vỏ trứng bao bọc lấy. Và Quang Hoá cũng không phải là “vô cùng rộng lớn… khoảng 2.000 km2”, nghĩa là bằng gần một nửa diện tích tỉnh Tây Ninh hiện nay, như nhận định của Vương Công Đức trong trang 140-141 sách Trảng Bàng phương chí.

Về địa danh Trảng Bàng, nghiên cứu của Vương Công Đức cũng chỉ ra rằng, thoạt đầu đây chỉ là “một cái trảng có nhiều cây bàng trong thôn Gia Lộc”. Gọi cây e sẽ dễ nhầm với cây bàng thân gỗ, nên gọi là cỏ bàng thì đúng hơn. Ông Đức cũng cho rằng: “nơi được gọi Trảng Bàng đầu tiên chính là khu vực nằm phía trước Trường THPT Nguyễn Trãi, sau lưng Bưu điện và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện…”.

Sau đó, tác giả viết: “không rõ trong thời điểm nào từ tháng 6.1871 đến tháng 6.1872 thì khu hành chính Tây Ninh được đổi tên thành Ti hành chính Trảng Bàng. Đây là lần đầu tiên tên nôm Trảng Bàng được người Pháp sử dụng làm tên chính thức…”.

Về thời điểm này, tác giả Nguyễn Đình Tư có câu xác định rõ ràng hơn, trong mục từ Quang Hoá, Sđd: “Đầu thời Pháp thuộc (1862), còn hai tổng thuộc hạt thanh tra Tây Ninh: tg. Triêm Hoá với 6 xã, thôn; tg. Giai Hoá với 10 xã, thôn/ Ngày 17.2.1863 tách khỏi Hạt th.t Tây Ninh, lập riêng hạt th.t Quang Hoá với 4 tổng: Mỹ Ninh, Giai Hoá, Mộc Hoá, Hàm Ninh Hạ.

Ngày 16.8.1867 đổi tên thành hạt th.t Trảng Bàng”. (trong bài “Tổ chức hành chính Tây Ninh 1836-1970, Tạp chí xưa nay số 96- 2001, Nguyễn Đình Đầu lại gọi là Hạt tham biện (inspection).

Mộ ông Đại Hương Cả ở Bến Đồn- Hưng Thuận.

Tuy nhiên, có một chi tiết trong sách Trảng Bàng phương chí cần được xem xét lại. Chi tiết này được viết ở chương 5- lược sử huyện Quang Hoá và các tổng, thôn trực thuộc, trang 139 và cũng được lặp lại ở trang 434, mục quá trình sử dụng tên nôm Trảng Bàng trong nền hành chính.

Đấy là đoạn: “…năm 1867, Pháp thành lập 24 khu tham biện trên toàn cõi Nam kỳ. Tỉnh Gia Định có 7 khu… Khu tham biện Quang Hoá bao gồm Châu Thành (đặt tại Trảng Bàng), huyện Quang Hoá và huyện Tân Ninh. Như vậy, lúc bấy giờ khu vực Trảng Bàng trở thành trung tâm hành chính của cả phủ Tây Ninh”.

Vì quá yêu Trảng Bàng, nên tác giả có nhầm lẫn gì chăng? Đọc kỹ lại các bài và sách của hai nhà nghiên cứu hàng đầu về Nam bộ là Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư, sẽ thấy ngay rằng: Chưa bao giờ Trảng Bàng được gọi là Châu Thành; cũng chưa bao giờ Trảng Bàng trở thành “thủ phủ” của cả phủ Tây Ninh.

Chỉ có điều ngược lại, luôn luôn là đơn vị cấp dưới và trực thuộc Tây Ninh. Ngoại trừ có 8 năm từ 1863 đến 1871 (theo Nguyễn Đình Tư) hoặc 5 năm từ 1867-1872 (theo Nguyễn Đình Đầu) là Trảng Bàng được tách khỏi Tây Ninh để thành một địa hạt riêng, trực thuộc Sài Gòn.

TRẦN VŨ

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục