Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Địa đạo Củ Chi như một kỳ quan có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất.
Sáng 12-2 (nhằm mùng 5 Tết Âm lịch), Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM, đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi và họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Tham dự buổi họp mặt có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã ôn lại truyền thống đấu tranh vẻ vang của cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Tất Thành Cang nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP luôn tự hào sâu sắc về truyền thống vẻ vang của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nơi đối đầu mất còn giữa ta và giặc, nơi chiến trường là trung tâm, sào huyệt đầu não của kẻ thù vô cùng ác liệt; nơi đầu sóng ngọn gió của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, nơi đã “đi trước, về sau” trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược.
“Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định – TP HCM luôn đi đầu trong những năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc và trong thời kỳ đổi mới. Tự hào với truyền thống vẻ vang đó, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, TP HCM tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” – ông Cang khẳng định.
Địa đạo Củ Chi được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Dịp này, Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng "Di tích quốc gia" đặc biệt đợt 6.
Trong đợt 6 này, ngoài Địa đạo Củ Chi còn có 10 di tích khác cũng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Đó là Di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận ở Thanh Hóa; Di tích khảo cổ Mộ Cự thạch Hàng Gòn ở Đồng Nai; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chăm Dương Long ở Bình Định; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phúc; Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang; Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần Thương ở Hà Nam; Di tích lịch sử Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở TP Hải Phòng; Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ ở Điện Biên; Di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ở Bình Phước; Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo ở Vĩnh Phúc.
Địa đạo Củ Chi – Một kỳ tích anh hùng
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất có một không hai ở huyện Củ Chi, cách TP HCM 70 km về hướng Tây-Bắc. Hệ thống này được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm… Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Ngày nay, địa đạo Củ Chi còn khoảng 120 km được bảo vệ và đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến thăm TP. Du khách, đặc biệt là cựu chiến binh, thường chọn điểm tham quan này khi đến thăm TP. Du khách được trải nghiệm cuộc sống dưới địa đạo như những cư dân thực thụ trước đây
Lãnh đạo Trung ương và TPHCM trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.
|
Nguồn Người lao động