Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại hội đảng
Địa phương và ngành chức năng đã họp dân giải thích từ năm 2010
2018-06-04 19:24:06

Gần đây, nhiều hộ dân lại khiếu nại, yêu cầu được bồi thường, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Gia Bình tiếp tục vận động, giải thích để người dân hiểu rõ. Nếu người dân còn tiếp tục khiếu nại, UBND huyện sẽ giải quyết theo quy định.

Bản đồ trích lục từ hồ sơ dự án được cho là dùng từ “không chuẩn xác” gây hiểu lầm dẫn đến khiếu nại kéo dài (phần trong hình tròn).

Báo Tây Ninh số ra ngày 5.2 đăng bài “Nhiều hộ dân khiếu nại đất hành lang đường bộ QL 22: Chỉ là lỗi đánh máy (?)”, đề cập đến việc trả lời đơn của tập thể 16 hộ dân thắc mắc: vì sao Nhà nước thu hồi đất để làm dự án đường Hồ Chí Minh trong phạm vi 7m (tính từ mép đường quốc lộ 22 cũ) hướng vào đất dân nhưng người dân không được bồi thường. Bài báo còn nêu thắc mắc của một hộ dân bị đền bù sai loại đất, nguyên nhân dẫn đến những “sai sót” này. Ngày 30.5, UBND huyện Trảng Bàng có công văn phản hồi về một số nội dung liên quan đến bài báo.

Theo đó, căn cứ vào Báo cáo số 102 ngày 13.3.2018 của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh- Chi nhánh huyện Trảng Bàng (Trung tâm PTQÐ), UBND huyện cho biết, các hộ dân khiếu nại yêu cầu bồi thường 7m đất ven đường Xuyên Á (QL22 cũ), phía bên phải theo hướng Gò Dầu đi Trảng Bàng, với lý do trong trích lục sơ đồ đất giải phóng mặt bằng của từng hộ dân (do Công ty CP Ðo đạc Tây Ninh lập vào năm 2010), phần 7m ven đường có thể hiện dòng chữ “ranh giải phóng mặt bằng cũ đã đền bù”.

Trên thực tế, khi mở rộng QL22 thành đường Xuyên Á vào năm 1998 chỉ đền bù phía bên trái, không đền bù phía bên phải. Ðối với nội dung này, các hộ dân đã khiếu nại từ khi dự án bắt đầu triển khai vào năm 2010.

Vào thời điểm đó, UBND huyện Trảng Bàng có Công văn số 944 ngày 19.10.2010, gửi UBND tỉnh và Sở GTVT về việc xác định diện tích đất ven đường Xuyên Á để thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn 2).

Sau đó, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp và giao Sở GTVT trả lời cho UBND huyện Trảng Bàng. Ngày 7.12.2010, Sở GTVT có Công văn số 898 về việc xác định diện tích bồi thường đất dự án đường Xuyên Á. Nội dung: “phần đất bên trái tuyến đường Xuyên Á, đoạn từ thị trấn Trảng Bàng đến ranh Thị trấn Gò Dầu, phạm vi được tính từ chân máy đường đắp ra mỗi bên 7m là đất thuộc hành lang bảo vệ đường bộ Quốc lộ 22 cũ, nên không thuộc trường hợp được đền bù”.

Sau khi nhận được Công văn số 898 nêu trên, UBND huyện Trảng Bàng đã chỉ đạo Trung tâm PTQÐ phối hợp với UBND xã Gia Bình tổ chức họp các hộ dân có đất liên quan, có sự tham gia của đại diện Sở GTVT để trả lời, giải thích cho bà con được rõ.

Về việc nhiều hộ dân cho rằng, tại sơ đồ do Công ty CP Ðo đạc Tây Ninh lập vào năm 2010, trong phạm vi 7m đất có thể hiện dòng chữ “ranh giải phóng mặt bằng cũ đã đền bù”, UBND huyện cho biết, đây là lỗi sơ suất do Công ty CP Ðo đạc Tây Ninh dùng từ ngữ không chuẩn xác, cơ quan chức năng thiếu kiểm tra nên gây ra hiểu nhầm đối với các hộ dân. Tuy nhiên, huyện cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng họp dân để giải thích nhiều lần.

Như vậy, vấn đề về 7m đất không được bồi thường mà người dân thắc mắc, là do khoảng đất thuộc phạm vi hành lang đường bộ quốc lộ 22 (dự án đường Hồ Chí Minh đoạn 2 hiện nay). Việc này cũng đã được Sở GTVT khẳng định, trả lời, giải thích trực tiếp với người dân.

Gần đây, nhiều hộ dân lại khiếu nại, yêu cầu được bồi thường, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Gia Bình tiếp tục vận động, giải thích để người dân hiểu rõ. Nếu người dân còn tiếp tục khiếu nại, UBND huyện sẽ giải quyết theo quy định.

Riêng đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Na khiếu nại về nội dung bồi thường sai loại đất, cụ thể là đất trồng cây lâu năm nhưng bồi thường thành đất trồng cây hằng năm, công văn phản hồi của huyện trình bày như sau:

Theo báo cáo giải trình của Trung tâm PTQÐ, do người đánh máy sơ suất trong khâu nhập liệu nên xác định sai loại đất bồi thường của ông Na. Trung tâm PTQÐ đã ghi nhận việc sai sót, đồng thời đã tiến hành điều chỉnh.

Thực tế, UBND huyện Trảng Bàng cũng đã xác định phương án điều chỉnh, bổ sung cho ông Nguyễn Văn Na nhưng chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất. UBND huyện sẽ tiếp tục trình Sở Tài nguyên và Môi trường,

UBND tỉnh phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung cho ông Na. Khi phương án được phê duyệt, UBND huyện sẽ chi trả bổ sung cho ông Na theo quy định.

Trên đây là một số ý kiến của UBND huyện Trảng Bàng liên quan đến việc thắc mắc, kiến nghị của các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 mà Báo Tây Ninh đã phản ánh, rất mong người dân có đất trong dự án hiểu, hợp tác và chấp hành chủ trương của Nhà nước, bàn giao đất để thực hiện dự án, góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh nhà.

MINH QUỐC

Tin liên quan