Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Truyện ngắn
Dĩa trầu còn xanh
Chủ nhật: 13:33 ngày 14/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 10 giờ đêm tôi chuẩn bị tắt điện thoại đi ngủ. Ngày mai là đưa dâu rồi, cũng cần nghỉ lấy sức mà làm dâu phụ giúp em nữa chứ. Hai ngày qua tiệc tùng, bàn ghế, trang điểm… đã mệt nhoài. Ðám cưới bây giờ có dịch vụ lo tất cả, nhưng tiếp khách, chào hỏi họ hàng bạn bè có dịch vụ nào giúp mình được. Vậy là phải cố thôi, dù sao em cũng là em họ của tôi, mãi gần ba mươi mới chịu “thoát ế” cho mẹ nhờ.

Vậy mà điện thoại rung lên dòng tin nhắn: “Chị ơi, anh Toản nói với em, mẹ anh ấy bảo sau cưới ba ngày mới được phản bái. Và lúc đó gia đình chú rể sẽ xem trầu cau trên bàn thờ nhà cô dâu còn tươi là cô dâu còn “zin”, phải không chị?”

Tôi cười sặc sụa, chụp ngay điện thoại gọi luôn chứ không còn kiên nhẫn nhắn tin nữa:

- Ba ngày mới về thì giam áo váy cô dâu lại luôn à? Rồi thằng chồng lựu đạn của em cũng... tin việc nhìn lá trầu mà cho là vợ “còn” hay “mất” à? Mà nó thương em vì con người, vì tính cách hay vì cái… đó?

- Em... em không biết. Nhưng ảnh nói với em là làm sao ráng giữ mấy dĩa trầu cau bữa nhà ảnh đem qua, để ba bữa sau còn tươi cho ảnh đem về trình mẹ ảnh.

- Dễ ẹc! Bỏ vô ngăn mát tủ lạnh nhé. Tươi cả tuần luôn.

Tôi tếu táo nhưng thực sự lo cho quãng đường hôn nhân dài dằng dặc của em.

* * *

Ba em mất từ khi em còn nhỏ, dì tôi một mình vất vả trăm bề nuôi con nên người nên có phần khắt khe với các mối quan hệ của con. Người bạn trai đầu tiên em quen khi 20 tuổi, là con bà thầy thợ may của em. Nhưng anh chàng đó xăm trổ đỏ xanh nên mẹ em nhất quyết không cho quen dù hiện tại anh là một thợ may âu phục khá chắc tay.

Hai mươi hai tuổi, em tôi quen anh chủ thầu xây dựng khi khu trường học của xã nhà xây để đón “chuẩn quốc gia”. Công trình lâu lắm, tiệm may em gần trường học, nên qua lại mãi thành quen. Nhưng anh ấy chỉ cao 1,6m nên dì tôi chê: “Nhất lé nhì lùn...” xài không vô đâu con ạ.

Em tôi lại ngoan ngoãn nghe lời mẹ và chia tay anh thầu thợ hồ. Mãi 26 tuổi mới quen người khác. Là một nhân viên tiếp thị, dáng chuẩn, không xăm trổ, miệng mồm liếng thoắng ngọt ngào lanh lợi. Nhưng dì tôi nhìn ở khía cạnh khác: “Miệng mồm nó lanh vậy, ra đường chết đàn bà hết. Con ưng nó rồi chỉ có nước ăn xong là xách manh đi ghen”.

Em tôi lại... chia tay. Khi số tuổi con gái tăng dần mà niềm tin về người “lang quân như ý” không tìm được thì dì tôi bắt đầu tựa vào thần thánh bằng những lần đi cúng chùa cúng miễu để cầu xin một chàng rể: “Không xăm trổ, không lùn tè, không quá ngọt ngào lanh chanh, đặc biệt là nghề nghiệp ổn định”.

Rồi một người bạn cũ của dì “làm mai” cho con gái của dì một anh chàng “như ý nguyện”. Tất cả đều như dì tôi cầu khẩn nên lễ hỏi diễn ra nhanh chóng. Nhìn chồng tương lai, em tôi cũng không có gì phàn nàn. Ðẹp trai vừa phải, cao một mét sáu bảy, không phun xăm, nói năng vừa đủ vui vẻ. Nhưng em bảo em chả thấy mong nhớ gì khi xa nhau, “Ừ thôi, cưới rồi thương yêu sau cũng được chị ạ”.

Hắn 32 tuổi, thẳng tính quá mức cần thiết. Khi dì tôi hỏi: “Sao cháu làm việc ở Sài Gòn cả mười năm mà không cưới vợ ở đó cho hợp công việc. Về quê cưới chi cho xa xôi?”. “Dạ, phải về quê cưới thì con gái mới còn zin, chứ ở Sài Gòn con gái...cho không biếu không hết rồi bác ạ!”. Hắn xấc xược vậy mà dì tôi gục gặc: “Bảo đảm con gái nhà bác đúng yêu cầu của cháu”.

Hắn ngồi đó, chân bắt tréo, hai tay khoanh trên ngực, cặp kính đen không thèm tháo xuống. Dĩa bưởi da xanh vừa hái ngoài vườn vô đãi khách, hắn nhón một miếng rồi bảo: “Bưởi nhà bác phải ngọt chút nữa, mọng chút nữa mới ngon ạ. Mà lần sau bác lột bưởi sao cho đừng giập và đừng nát vầy mới đúng là người sành ăn nha bác!”.

Vậy mà dì tôi gật như lệnh thánh. Rằng nhà quê, chủ yếu chém to kho mặn, quan trọng là ngon và sạch chứ thẩm mỹ làm gì. Hắn lại dạy đời: “Bác nói vậy là không đúng rồi. Cuộc sống ngày một đi lên, con người ta không chỉ ăn no mặc ấm mà còn ăn ngon mặc đẹp nữa. Món ăn đâu phải chỉ sạch là xong, mà phải đẹp mắt, bắt mũi, vừa miệng nữa ạ”.

Tôi về thuật lại em những chi li của chồng sắp cưới. “Khó lắm đó nha cưng! Thà sống ế còn hơn sống khổ nhen!”. “Hi hi.. ai cũng có số mà chị. Em chán cảnh mẹ than trời trách đất vì em kén chọn rồi. Thôi thì cứ lấy đại cho mẹ vui, phước phần thì trăm năm. Không thì vài năm coi như trả hiếu vậy”.

Lời em nhẹ hều.

Ðàng trai nạp tài đám cưới năm mươi triệu đồng. Cho cô dâu mười triệu trang điểm và thuê áo váy. Con số đó với vùng quê này là “cực khủng”, khiến dì tôi đi đâu cũng nở mày nở mặt lắm. Em tôi không vui cũng không buồn. Vì “Ðời con gái trước sau gì cũng lấy chồng mà chị”.

Ðưa dâu về rồi, tôi lật đật cất dĩa trầu cau vào ngăn mát tủ lạnh. Dì cản lại:

- Ðể dì đem biếu mấy bà trong xóm, trầu lễ trầu nghĩa quý lắm đó con.

- Ủa con bé Hai nó không nói với dì là chồng nó bảo phải làm sao để dĩa trầu này còn xanh, cho ba ngày sau phản bái nó về nó thấy hay sao?

- Sao kỳ vậy? Sao dì không nghe nó nói gì? Trời nắng chảy mỡ như vầy làm sao ba ngày mà trầu còn xanh được?

- Ai mà biết! Nhưng người ta muốn nhìn dĩa trầu để biết sự trong trắng của con gái dì. Thì cháu phải giúp em cháu chứ!

- Thằng cà chớn! Tao mà biết chuyện này thì không rước dâu rước rể gì hết.

- Chuyện xong rồi dì. Cứ chờ ba ngày nữa đi ạ.

Mới hai ngày mà tôi cứ nghe như hai tháng bởi chẳng biết em sống thế nào mà không nghe một cuộc gọi về. Gọi cho em cũng ngại, có khi anh chồng khó tính lại bắt bẻ nọ kia. Nhưng không gọi thì chẳng biết thế nào. Dù sao chị em cũng từng lớn lên, cũng học chung sách vở, chung trường, chung thầy cô giáo. Áo quần năm trước của tôi sẽ thành “đồ tết” năm sau của em. Hồi nhỏ mấy lần chơi trò trốn tìm, tôi “biến mất” đã để em khóc bụp cả mắt vì “Em sợ chị bị ông kẹ bắt”. Rồi đi học cùng xe đạp, buổi sáng em chở tôi vì “xe của chị mà” nhưng trưa thì tôi không chở lại em mà phải “oẳn tù tì”, ai thua sẽ phải chở. Mà thường thì em là… người thua bởi tôi hơn em hai tuổi, độ “khôn lanh” cũng có phần hơn.

Có lần vì giành chiếc nón kết giống nhau như đúc, tôi đã “uýnh lộn” với thằng con trai cùng lớp và đứng trước nguy cơ đánh không lại. Em ào qua dùng ngay món võ “cẩu xực” mà cắn làm cườm tay thằng bạn ấy rướm máu. Ba đứa đều bị lên văn phòng “uống nước trà” nhưng cuối cùng chị em tôi thắng, vì chiếc nón đó ở mặt trong, em đã cẩn thận lấy bút mực xanh, trùng màu với vải nón ghi tên hai chị em vào đó. Hồi em viết, tôi còn cằn nhằn “Viết chi cho mất đẹp”. “Viết để lỡ bị mất còn nhìn ra”. Bây giờ thì nón không mất thật, tình chị em càng khắng khít nữa, chỉ có điều mẹ em phải đi xin lỗi mẹ cậu bạn kia và chị em tôi bị phạt khoanh tay một tiếng đồng hồ vì tội “đánh bạn”.

Rồi ngày tôi lấy chồng, em cứ nắm chặt vạt áo cô dâu nước mắt ngắn dài không cho tôi vén màn ra chào hai họ. “Chị lấy chồng rồi em biết chơi với ai”. “Khóc cái gì, em cũng mười tám rồi chứ bộ”. “Nhưng mà… em thấy em còn nhỏ lắm”. Báo hại cô dâu phải mất mười phút “giờ hoàng đạo” vì bận dỗ cô em họ.

Chị em bạn dì mà như chị em ruột thì làm sao tôi an tâm khi hai ngày qua em sống bên chồng.

Dòng kỷ niệm về em quay chầm chậm trong trí tôi như cuốn phim hay nhất chưa một lần phai nhạt. Tôi ấn số gọi, đầu bên kia tỉnh rụi: “Em bình thường mà. Lo trà nước giùm mai nhà chồng em về nha. Có nhiều chuyện hay đó”.

Ngày thứ ba. Mới chín giờ sáng nhà trai đã có lễ “phản bái” khá rình rang đến nhà gái. Chiếc xe du lịch mở cửa ra là hai giỏ trái cây, trà bánh to sầm. Thêm một chú heo quay quấn giấy đỏ au cũng được khiêng vô. Ngoài hai mẹ con chú rể thì còn có cô dâu và bốn người chú bác.

Dì tôi đáp lễ bằng hai mâm bàn tú nụ. Bà sui trai đốt nhang cắm lên bàn thờ ông bà nhà sui gái và hỏi:

- Ủa chị sui… trầu này… sao giống trầu bữa đám cưới vậy?

- Dạ… thì thằng Toản nó dặn con Ngân là phải ráng giữ cho trầu còn tươi thì chị mới tin là con dâu còn “nguyên” đó. Nên mấy nay…

- Chị bỏ trong tủ lạnh phải hông? Trời ơi cái nắng này mà sao trầu còn xanh được.

- ???

- Con Ngân thì thiệt thà, mà thằng Toản kỳ cục quá à! Chị ơi… đó là tuồng xưa tích cũ thôi, còn bây giờ tụi nó thương yêu nhau thì sao mà không được? Con gái nhà chị làm dâu nhà tui, con gái nhà tui cũng làm dâu người ta. Cứ “bắt khó” nhau làm gì không biết.

Thằng chồng bưng dĩa thịt heo quay vừa chặt đi từ nhà dưới lên nhà trên. Dường như nghe hết mọi chuyện nên háy con vợ cười trêu: “Người ta nói chơi mà… vợ anh sao anh không biết ha? Báo hại mấy bữa nay làm khổ bà chị phải canh dĩa trầu trong tủ lạnh nha”. Ngân dứ dứ nắm đấm về phía chồng. Còn tôi thì trút được gánh nặng trong lòng. Hoá ra chồng của em tôi chẳng “lựu đạn” như tôi nghĩ.

 Ð.P.T.T

Tin cùng chuyên mục