Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dịch bệnh có nguy cơ bùng phát
Thứ tư: 16:18 ngày 13/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những tháng đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Chỉ trong hai tháng đầu năm, tổng số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) là 799 ca- tăng 634 ca so với cùng kỳ; tay chân miệng (TCM) 111 ca- tăng 38 ca so cùng kỳ; sởi 91 ca - tăng 75 ca, trong đó có 2 ca phân lập virus dương tính.

Một trường hợp trẻ mắc sởi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo bác sĩ Biện Văn Tư- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình hình dịch bệnh trong năm 2019 đáng báo động, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Dịch bệnh không còn mang tính chu kỳ, ổn định. Tất cả mọi người cần đề cao cảnh giác, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát

Bác sĩ Biện Văn Tư cho biết, những tháng đầu năm 2019, SXH tăng cao bất thường. Đây là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue (D) gây nên, với 4 tuýp gây bệnh gồm D1, D2, D3, D4. Điều đáng chú ý, những năm trở về trước, SXH xảy ra trên địa bàn tỉnh thường do tuýp D1 và D4. Nhưng trong hai tháng đầu năm, qua giám sát phát hiện thêm tuýp D2, vậy là hiện có tới 3 tuýp gây bệnh SXH đang lưu hành trên địa bàn tỉnh. Viện Pasteur và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Cục Y tế dự phòng cảnh báo, đối với những tỉnh có sự xuất hiện nhiều tuýp gây bệnh này và chuẩn Dengue mới, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Đáng quan tâm hơn nữa, hiện nay, bệnh SXH xảy ra quanh năm, nhưng thường tăng cao trong các tháng 5, 6 và tháng 9. Theo thường lệ, sau khi triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hoá chất diệt muỗi, dịch bệnh sẽ giảm dần vào những tháng cuối năm đến những tháng đầu năm mới. Trong năm 2018, dịch bệnh SXH diễn ra thất thường, cuối mùa dịch SXH số ca mắc SXH vẫn chưa giảm nhiều, đến tháng 1.2019, số ca mắc SXH vẫn ở mức cao.

Tiêm ngừa vắc-xin đem lại lợi ích rất lớn, được cả thế giới chứng minh từ nhiều năm qua, là một biện pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh rất hữu hiệu. Ngoài ra, tiêm vắc-xin cần tuân thủ đúng lịch, nếu để trễ sẽ mất đi thời cơ vàng để tiêm ngừa tạo kháng thể cho trẻ.

Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng Sở Y tế đến hai huyện Trảng Bàng và Dương Minh Châu- hai địa bàn có số ca mắc SXH cao để tìm hiểu nguyên nhân. Qua khảo sát thực địa, do không phải mùa mưa, nên ở các vùng không có nhiều ổ đọng nước, hay vật dụng chứa nước cho muỗi đẻ, chứa lăng quăng, số lượng muỗi cũng không có nhiều để đủ sức gây bệnh. Có thể cho thấy, dịch bệnh SXH đang diễn biến hết sức phức tạp bởi nguyên nhân khác.

Số ca mắc sởi tăng cao

Chị Nguyễn Thị Thuý Trinh- ngụ phường 2 (TP. Tây Ninh) có con trai 18 tháng tuổi nằm viện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh do mắc bệnh sởi kể, trước khi có dấu hiệu nổi ban trên người, bé sốt cao nhiều ngày, uống thuốc hạ sốt không cải thiện. Đến khi bé phát ban khắp người, cả nhà mới hốt hoảng đưa đến bệnh viện, mới biết mắc bệnh sởi. Bé đã nhập viện được 4 ngày. Chị Trinh cho biết, bé đã tiêm được một mũi vắc-xin sởi ở trạm xá, chưa tiêm mũi nhắc thứ 2 thì bé mắc bệnh.

Nằm cạnh giường con trai chị Trinh là bé Nguyễn Ngọc Hân (5 tuổi), ngụ tại huyện Tân Biên. Bà của bé Hân là Nguyễn Thị Tư cho biết, chị ruột của bé Hân cũng bệnh sởi vừa được xuất viện. Cả hai chị em cùng mắc sởi nghi do lây chéo. Theo bà Tư, hai cháu được bà chăm sóc, nên bà cũng không biết cháu mình có được tiêm vắc-xin sởi hay chưa.

Theo bác sĩ Huỳnh Văn Đệ- Trưởng Khoa Nhiễm- Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, trong 2 tháng đầu năm 2019, số ca TCM, SXH và sởi đều tăng, song đều nằm trong vòng kiểm soát. Bệnh nhân được chữa trị kịp thời, không có ca tử vong. Hiện nay, số ca sởi được đánh giá là tăng đột biến. Ngoài trẻ em còn xuất hiện một số ca sởi ở người lớn. Để tránh tình trạng lây lan, khoa Nhiễm đã chuẩn bị sẵn một phòng dành riêng cho các bệnh nhân sởi.

Bác sĩ Đệ khuyến cáo, các bà mẹ nên tiêm ngừa sởi và tiêm mũi nhắc cho con đúng hạn để bảo vệ trẻ. Đa số ca trẻ mắc sởi nhập viện đều không tiêm ngừa hoặc tiêm nhắc mũi thứ 2. Ngoài ra, trong những trường hợp trẻ sốt cao, người thân nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám để chữa trị kịp thời, tránh biến chứng nặng. Trong số các ca sởi nhập viện, có 2 ca biến chứng viêm phổi đã được bệnh viện chuyển tuyến kịp thời nên đã ổn định sức khoẻ.

Cũng theo bác sĩ Đệ, khi trẻ có dấu hiệu phát ban, điều mọi người cần làm là đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để thăm khám, không nên tự ý mua thuốc Đông y (thuốc phát ban) chữa cho trẻ. Hiện tại, tình hình dịch bệnh đang chuyển biến phức tạp, tất cả mọi người nên đề cao cảnh giác phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và cho gia đình- nhất là các gia đình có trẻ nhỏ.

Tiêm vắc-xin cho trẻ.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh

Bác sĩ Biện Văn Tư cho biết thêm, trước tình hình dịch bệnh, Trung tâm đã báo cáo về Sở Y tế và Viện Pasteur, Cục Y tế dự phòng. Liên quan đến các loại dịch bệnh, trong vài ngày tới, Trung tâm sẽ phối hợp với Viện Pasteur tìm ra nguyên nhân chính xác vì sao dịch SXH, TCM, sởi tăng cao bất thường để có giải pháp phù hợp đẩy lùi dịch bệnh. Trung tâm cũng đã tham mưu Sở Y tế ban hành các văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là bệnh TCM và sởi; yêu cầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương.

Theo bác sĩ Biện Văn Tư, trước tình hình bệnh sởi ở thế giới và Việt Nam tăng cao, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu các tỉnh triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella, bảo đảm tất cả những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ phải được tiêm. Tuy nhiên, Tây Ninh vẫn chưa được thực hiện do nguồn vắc-xin dành cho chiến dịch này ở Trung ương chưa về kịp. Riêng nguồn vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Tây Ninh vẫn bảo đảm đáp ứng cho trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 và đủ 18 tháng tuổi để tiêm mũi 2.

Theo thống kê của TP. Hồ Chí Minh, có 97% số ca mắc sởi là do trẻ không tiêm vắc-xin, hoặc tiêm vắc-xin không đầy đủ. Có một thực tế, ý thức người dân về tiêm vắc-xin chưa cao. Nhiều người chưa tự nguyện đưa con em mình đi tiêm vắc-xin. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi phụ huynh đều hiểu: Tiêm vắc-xin sẽ tạo được hệ miễn dịch cho trẻ và những người được tiêm chủng có được kháng thể chéo trong cộng đồng. Tiêm ngừa vắc-xin đem lại lợi ích rất lớn, được cả thế giới chứng minh từ nhiều năm qua, là một biện pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh rất hữu hiệu. Ngoài ra, tiêm vắc-xin cần tuân thủ đúng lịch, nếu để trễ sẽ mất đi thời cơ vàng để tiêm ngừa tạo kháng thể cho trẻ.

CHÂU PHA - LÊ THUỲ

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh