Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp
Thứ năm: 12:04 ngày 26/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 25.9, tại hội trường Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Ban Quản lý Dự án An ninh y tế khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng tỉnh Tây Ninh tổ chức họp liên ngành triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2019.

Tại cuộc họp, các đại biểu được thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, bao gồm dịch tả heo Châu Phi và các bệnh truyền nhiễm đang báo động như sốt xuất huyết (SXH), sởi, tay chân miệng (TCM)…

Quang cảnh buổi họp.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), tính đến tháng 9, toàn tỉnh có 2.835 ca mắc SXH, tăng 1.514 ca so với cùng kỳ năm 2018 (trong đó có 2 ca tử vong); bệnh sởi có 419 ca mắc, tăng 400 ca so cùng kỳ (năm 2018 là 19 ca); bệnh TCM có 930 ca mắc, giảm 74 ca so với cùng kỳ.

Trước tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, Trung tâm CDC Tây Ninh đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch bệnh như giám sát và xử lý ổ dịch TCM, SXH tại các huyện. thành phố; tổ chức chiến dịch ASEAN phòng chống SXH; giám sát hoạt động tiêm chủng mở rộng tại 9 huyện, thành phố, đảm bảo 100% trẻ sinh ra đều được nhập hệ thống phần mềm tiêm chủng, có mã ICD; tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh TCM tại các trường mẫu giáo, mầm non; trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh, kiểm dịch y tế quốc tế giữa tỉnh Tây Ninh và tỉnh giáp biên…

Phát biểu tại cuộc họp, bác sĩ Biện Văn Tư- Giám đốc Trung tâm CDC Tây Ninh nhận định, để phòng chống dịch bệnh, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng còn đòi hỏi sự hợp tác, chung tay của toàn xã hội. Mỗi gia đình cần tự nâng cao ý thức vệ sinh nơi ở, thường xuyên phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng, thực hành ăn chín, uống sôi, chú trọng vệ sinh cá nhân… thì sẽ tăng khả năng phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Mỗi người cũng cần tích cực tuyên truyền đến người thân và bạn bè xung quanh để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, khu dân cư.

Giám sát hoạt động phòng chống dịch TCM tại trường mẫu giáo- Ảnh minh hoạ

Trong cuộc họp, các đại biểu còn được hiểu thêm về sự tồn tại của nhóm xã hội dễ bị tổn thương và phương pháp tiếp cận, tăng cường khả năng phòng chống dịch cho nhóm xã hội này.

Đây là khái niệm dùng để chỉ các cộng đồng, nhóm người có vị thế chính trị, kinh tế, xã hội thấp hơn đa số, khiến họ có nguy cơ bị lãng quên hay vi phạm quyền. Bởi vậy, họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt hơn so với những nhóm cộng đồng khác.

Những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội gốm có: người khuyết tật, người lao động nhập cư, người nghèo thành thị, người sống với HIV/AIDS, người dân tộc thiểu số, người hành nghề mại dâm, nạn nhân buôn bán người.

Lê Thùy

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục