Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dịch bệnh sốt xuất huyết vào mùa cao điểm
Thứ sáu: 17:09 ngày 22/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, làm bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH). Đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh nhưng đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Người dân trên địa bàn Tp. Tây Ninh chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 30.9.2021, toàn tỉnh có 1.709 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 1 ca tử vong tại huyện Tân Châu, tăng 239 ca so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Thành phố có 169 ca SXH, tăng 55 ca so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh SXH trên địa bàn Thành phố có dấu hiệu tăng từ tháng 8.2021, khi có mưa kéo dài trên diện rộng.

Trong thời gian qua, Trung tâm Y tế (TTYT) Thành phố tổ chức các đợt phun chất diệt muỗi tại một số ổ dịch và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh SXH cho gia đình và những người xung quanh.

Theo cán bộ phụ trách khoa Kiểm soát bệnh tật – HIV/AIDS – Y tế cộng đồng – An toàn thực phẩm và dinh dưỡng thuộc TTYT Thành phố, số ca mắc SXH cập nhật không đầy đủ do trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 nhiều bệnh viện công chuyển đổi thành bệnh viện điều trị Covid-19 nên không tiếp nhận bệnh nhân; một số ca bệnh SXH thể nhẹ khám ở cơ sở y tế tư nhân hoặc điều trị tại nhà.

Theo thống kê của TTYT huyện Tân Biên, số ca mắc SXH trên địa bàn từ đầu năm đến nay là 442 ca, tăng 257 ca so với cùng kỳ năm 2020, không có ca tử vong.

Tính đến ngày 4.10, thị xã Hòa Thành có 173 ca mắc SXH, tăng 118 ca so với cùng kỳ năm 2020, không có ca tử vong. Trong đó, số ca mắc cao nhất tại xã Trường Hoà (66 ca), thấp nhất là phường Long Hoa (3 ca).

Đại diện TTYT huyện Tân Biên cho biết, công tác phòng, chống dịch SXH trong năm 2021 gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ đầu tháng 7 đến tháng 8.2021, TTYT huyện nhận điều trị cho bệnh nhân Covid-19 của huyện Dương Minh Châu, đồng thời thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc khám, xét nghiệm và chuẩn đoán ca mắc SXH không liên tục, dẫn đến công tác phát hiện và xử lý ổ dịch SXH chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, ý thức của cộng đồng chưa cao, nhiều hộ gia đình, người dân chưa tự giác dọn vệ sinh nội, ngoại cảnh. Đa số người dân trên địa bàn huyện chủ yếu sinh sống bằng nghề làm thuê và làm nông, nên thường xuyên vắng nhà, dẫn đến việc vệ sinh quanh nhà không thường xuyên là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát sinh.

Nguồn nhân lực, vật lực được điều phối, tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên công tác giám sát côn trùng định kỳ tháng; việc triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, tuyên truyền người dân thực hiện vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh SXH bị ảnh hưởng. Đây là tình hình chung của các địa phương trong tỉnh khi phải vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa thực hiện các nhiệm vụ khác trong khi nguồn nhân lực y tế hạn chế.

Để phòng, chống dịch bệnh SXH hiệu quả, ngành Y tế huyện Tân Biên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về SXH và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm phát hiện, loại bỏ ổ lăng quăng/bọ gậy như: loại bỏ các vật dụng phế thải; sử dụng tác nhân sinh học diệt lăng quăng/bọ gậy; phối hợp với  Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện, các xã, thị trấn tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH.

Đồng thời khuyến khích người dân tổ chức diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) ít nhất 1 lần/tuần, thu gom, tiêu hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, vỏ dừa, lốp xe... có đọng nước, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thay nước, bể chứa nước hàng tuần, thực hiện khẩu hiệu “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp nhưng người dân tuyệt đối không được chủ quan với các dịch bệnh khác, trong đó có bệnh SXH.

Tại thị xã Hoà Thành, từ đầu năm 2021, TTYT Thị xã đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh SXH năm 2021 với 3 mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong và khống chế không để dịch lớn xảy ra. Đồng thời, củng cố, tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo phòng, chống SXH từ Thị xã đến xã/phường trên địa bàn, tham mưu UBND các xã/phường thành lập đội xử lý ổ dịch SXH cho từng ấp/khu phố.

Trong thời gian qua, TTYT thị xã Hoà Thành hoạt động liên tục, không gián đoạn dù chuyển công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19 nhưng vẫn tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân SXH trong và ngoài địa bàn Hoà Thành.

Theo TTYT Thị xã, song song với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH vẫn được quan tâm thực hiện với phương châm giảm tỷ lệ ca mắc, giảm tỷ lệ tử vong do SXH và khống chế không để dịch lớn xảy ra. Trong đó, tập trung tăng cường hệ thống giám sát bệnh SXH, giám sát ca bệnh, giám sát huyết thanh vi rút, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, truyền thông giáo dục sức khoẻ…

Theo kế hoạch phòng, chống bệnh SXH và Zika năm 2021, CDC Tây Ninh đề nghị TTYT tuyến huyện tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch hoạt động phòng, chống SXH, Zika năm 2021; tổ chức các đợt giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống SXH, Zika  cho các đơn vị tuyến dưới; triển khai các lớp tập huấn, nhằm cung cấp, nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực hoạt động của cán bộ Y tế tuyến xã, tập huấn hướng dẫn kỹ năng vãng gia cho cộng tác viên.

Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại các xã/phường có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh; triển khai 4 vòng chiến dịch/năm tại các điểm có nguy cơ cao về dịch bệnh SXH, dự kiến 9 điểm triển khai/9 huyện, thị xã, thành phố; đảm bảo trên 90% hộ gia đình được vãng gia tuyên truyền về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, Zika; tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh SXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, quyết tâm không để dịch chồng dịch.

Lê Thuỳ - Ngọc Bích

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục