BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dịch bùng phát, Myanmar tìm trợ giúp từ ASEAN và quốc tế 

Cập nhật ngày: 30/07/2021 - 10:05

Trước nguy cơ trở thành “quốc gia siêu lây nhiễm” về COVID-19, Myanmar tìm trợ giúp từ ASEAN và quốc tế để chống dịch.

Tình hình dịch Myanmar ngày càng xấu, nguy hiểm. Làn sóng dịch bắt đầu bùng phát mạnh ở Myanmar từ tháng 6, từ đó đà nhiễm, chết ngày càng tăng báo động trong tháng 7, theo hãng tin AFP. Tính tới ngày 29-7, Myanmar ghi nhận tổng cộng gần 284.000 ca nhiễm, trong đó hơn 8.200 người đã chết. Đáng chú ý, trong đó hơn 120.000 ca nhiễm và hơn 4.500 người chết ghi nhận chỉ trong tháng qua.

“Trước đây, chúng tôi thường hỏi bệnh nhân muốn đến bệnh viện nào. Nhưng giờ thì đã khác. Khi nhận cuộc gọi, câu chúng tôi hỏi lại là: Nghĩa trang nào?” - anh SAN OO, một người tình nguyện thu thập thi thể người chết tại nhà vì COVID-19, nói với AFP và cho biết một ngày làm việc của anh kéo dài ít nhất 13 tiếng. 

Y tế quá tải, chết tại nhà nhiều

Thời điểm này một ngày Myanmar ghi nhận trung bình cả 5.000-6.000 ca nhiễm (tăng 50% so với hồi tháng 5) và hàng trăm người chết. Kỷ lục, Myanmar ghi nhận tới hơn 6.700 ca nhiễm ngày 22-7 và gần 400 người chết ngày 26-7. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tình hình dịch ở Myanmar, các nhân viên y tế và nhân viên mai táng đoán các con số thật khả năng còn cao hơn nhiều.

Các quy định giãn cách, ở nhà tới lúc này vẫn chưa cho thấy hiệu quả ngăn chặn làn sóng dịch. Đợt lụt giữa tháng 7 càng gây khó cho tình cảnh người dân lẫn công tác chống dịch và cứu chữa bệnh nhân COVID-19. Nhiều địa phương tại loạt bang ở miền Nam bị lụt nặng, nhà cửa ngập, một bộ phận người dân có triệu chứng nhiễm hoặc đã xác định nhiễm phải di chuyển, tập trung đông đúc trong các khu sơ tán. Nguy cơ lây nhiễm bùng thêm ổ dịch rất nghiêm trọng.

Người tình nguyện đến từng nhà thu thập thi thể người chết vì COVID-19 mang đến nghĩa trang, tại Yangon (Myanmar) ngày 10-7. Ảnh: AFP

Hệ thống bệnh viện ở Myanmar phần nhiều yếu về hạ tầng, giường bệnh, thiếu thốn trang thiết bị, thiếu nhân viên y tế, không đủ sức nhận và chữa trị hết số bệnh nhân COVID-19. Cuộc chính biến hôm 1-2 cũng đưa tới hệ lụy rất lớn với công tác chống dịch. Một lượng không nhỏ nhân viên y tế bỏ công việc tham gia biểu tình, một số lượng bác sĩ đã bị bắt trong số đó có nhiều quan chức y tế hàng đầu, bao gồm người đứng đầu chương trình tiêm chủng của Myanmar. Hàng trăm nhân viên y tế khác đang ẩn náu để tránh bị bắt, theo AFP. Bên cạnh đó có tình trạng người nhiễm không muốn đến các bệnh viện do quân đội điều hành.

Hiện có một thực tế ở Myanmar là người nhiễm COVID-19 chết ở nhà rất nhiều, nhiều nhóm tình nguyện đi từng nhà có người chết thu thập thi thể. Các cơ sở mai táng thì làm việc hết công suất.

Nói với AFP, chị Than Than Soe, một người tình nguyện, cho biết điện thoại của chị rung liên tục, nhóm của chị làm việc không ngừng nghỉ thu thập 30-40 thi thể người nhiễm COVID-19 chết tại nhà. Chưa hết, theo chị, “các nhóm khác khả năng cũng giống như nhóm tôi”. Một trong những câu chuyện đau lòng mà chị Than Than Soe kể với AFP: Nhóm chị vừa đưa người mẹ đã mất đến nghĩa trang chưa kịp bàn giao mai táng thì nhận tiếp cuộc gọi cũng từ gia đình đó nhờ đến thu thập thêm thi thể người cha vừa mất theo sau đó.

Giữa tháng 7, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền ở Myanmar - ông Tom Andrews cảnh báo rằng Myanmar có nguy cơ “trở thành một quốc gia siêu lây nhiễm COVID-19”. Cũng từ giữa tháng 7, Hội đồng quản lý Nhà nước Myanmar thừa nhận đang đối mặt “nhiều khó khăn” nhằm kiểm soát làn sóng dịch và kêu gọi bác sĩ, y tá tham gia nỗ lực chống dịch.

Tìm trợ giúp từ ASEAN và quốc tế

Một trong những điều cần kíp trong chống dịch mà Myanmar đang thiếu là vaccine. Hiện nước này chỉ mới tiêm chủng cho 1,75 triệu dân trên dân số 54 triệu, theo số liệu Hội đồng quản lý Nhà nước Myanmar đưa ra. Trong báo cáo đầu tuần trước, Liên Hợp Quốc hy vọng Myanmar có thể nhận đủ lượng vaccine thông qua cơ chế COVAX (Sáng kiến Tiếp cận Vaccine Toàn cầu) để tiêm cho ít nhất 20% dân số trong năm nay.

Về thực tế tới lúc này, ngoài một lô 1,5 triệu liều Ấn Độ đã chuyển sang, chính quyền quân sự đã đặt tổng cộng 4 triệu liều vaccine từ Trung Quốc, bên cạnh đó Bắc Kinh hứa sẽ hỗ trợ thêm 2 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Myanmar - ông Thet Khaing Win cho biết số 2 triệu liều vaccine của Trung Quốc hỗ trợ sẽ được chia thành ba đợt. Ông Thet Khaing Win cho biết thêm số 4 triệu liều mà Myanmar đặt mua sẽ đến trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 8.

Điểm đáng lưu ý, một phần lớn lượng vaccine từ Trung Quốc chuyển tới Myanmar sẽ được ưu tiên tiêm cho bộ phận dân sống dọc biên giới hai nước. Lý do theo Global New Light of Myanmar dẫn lời Bộ trưởng Thet Khaing Win là nhằm đảm bảo dòng chảy thương mại các khu vực này. AFP thì liên kết việc này với bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực ngăn dịch từ Myanmar lây qua nước mình.

Chẳng hạn một lô vaccine của Sinopharm (736.000 liều) do Trung Quốc hỗ trợ đến TP Yangon ngày 22-7 được ưu tiên tiêm cho người sống dọc biên giới hai nước. Trung Quốc cũng cung cấp hơn 10.000 liều cho một nhóm phiến quân Myanmar hoạt động gần biên giới phía nam với mình.

Trước diễn biến dịch ngày càng xấu hơn những ngày qua, theo tin từ báo Global New Light of Myanmar ngày 28-7, Thống tướng, Tổng Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing - lãnh đạo chính quyền quân sự đã có một “cuộc họp phối hợp nhằm đẩy mạnh sự hợp tác với cộng đồng quốc tế” giải quyết tình hình dịch ở Myanmar.

Tại cuộc họp, tướng Min Aung Hlaing đã nói rằng Myanmar cần tìm kiếm sự trợ giúp tài chính từ quỹ đối phó COVID-19 do ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á) lập ra. Global New Light of Myanmar cho biết phía Myanmar đã xúc tiến làm việc với ASEAN và “các nước bạn bè”, tuy nhiên không thông tin cụ thể về nỗ lực này.

Trước mắt, kênh Channel News Asia dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Singapore ngày 28-7 cho biết nước này sẽ chuyển 200 máy tạo ôxy đến Myanmar hỗ trợ cứu người. Trước đó Singapore cũng đã hỗ trợ Myanmar một số lượng thiết bị y tế như máy phản ứng khuếch đại gen, dụng cụ xét nghiệm chẩn đoán, khẩu trang y tế, thuốc sát trùng tay… Nhà chức trách Myanmar cũng đang tìm kiếm nguồn cung cấp ôxy từ các nước láng giềng Thái Lan, Trung Quốc, theo AFP.•

Dịch ở Myanmar cũng có liên quan ổ dịch Vân Nam (Trung Quốc)

Reuters dẫn thông tin từ nhiều nhân viên y tế Myanmar cho rằng dịch ở nước này cũng có phần liên quan đến việc gần đây xuất hiện hàng chục ca nhiễm mới ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) giáp Myanmar.

“Hiện tại, số ca nhiễm mới đang gia tăng tại biên giới Trung Quốc - Myanmar” - Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, ông Trần Hải cho biết trên trang Facebook của đại sứ quán.

Ông Trần cho biết phía Trung Quốc đang yêu cầu nhà chức trách Vân Nam kiểm soát đà lây, đồng thời tin tưởng hai nước sẽ hợp tác hiệu quả trong ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh ở biên giới.

Đợt bùng dịch ở Vân Nam bắt đầu từ ngày 4-7, tập trung ở hai huyện Thụy Lệ và Lũng Xuyên, giáp Myanmar. Vân Nam là tỉnh thứ hai ở Trung Quốc tái bùng dịch trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành, sau đợt bùng phát tỉnh Quảng Đông hồi tháng 5 và tháng 6.

Nguồn PLO