BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dịch cúm mùa khai giảng: Nhiều trường còn lúng túng

Cập nhật ngày: 03/09/2009 - 08:21

Ngày khai giảng (5.9) đã cận kề, thế nhưng nhiều trường học trong tỉnh đang lo vì dịch cúm A/H1N1 hoành hành. Hiện nay, Tây Ninh đã có 6 trường được phát hiện có học sinh dương tính với cúm A/H1N1. Thông tin này càng làm cho nhiều người thêm lo lắng.

Có mặt tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa ngay trong đêm 28.8, chúng tôi ghi nhận sự hoảng hốt lẫn lúng túng của nhà trường trong cách phối hợp giải quyết đưa học sinh có kết quả dương tính đến điều trị tại bệnh viện. Sự lúng túng đó cũng thật dễ hiểu, vì đây là lần đầu tiên các thầy cô giáo phải đối diện với tình hình dịch bệnh nguy hiểm. Điều đáng nói là, nhà trường lại không có sẵn danh sách, số điện thoại gia đình học sinh, giáo viên để liên hệ còn ban chỉ đạo dường như cũng lúng túng nốt khi dịch cúm xảy ra tại trường.

Các thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm A/H1N1 của tỉnh có mặt tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa ngay khi có thông tin học sinh nhiễm cúm.

Thực tế cho thấy, khi phát hiện học sinh nhiễm cúm, phía Y tế tiến hành điều tra dịch tễ thì có trường rơi vào trường hợp tương tự trường Trần Đại Nghĩa: không có sẵn danh sách học sinh, không có số điện thoại của phụ huynh nên sự liên lạc tư vấn rất chậm trễ. Nhiều trường hợp, thầy cô giáo chủ nhiệm đã có phản ứng thái quá khi phụ huynh học sinh báo tin con em họ dương tính với cúm A/H1N1 (vì sợ rằng tin đó sẽ làm ảnh hưởng đến… uy tín trường !?).

Nhiều trường chưa hiểu rõ về cách phòng chống bệnh cúm. Chẳng hạn có trường chưa phát hiện dịch nhưng vẫn gọi điện yêu cầu phía Y tế phun hoá chất sát khuẩn. Việc phun xịt hoá chất toàn trường sẽ làm tiêu tốn rất nhiều tiền gây lãng phí không cần thiết. (Lẽ đương nhiên, những khoản chi phí này là do phụ huynh học sinh đóng góp). Có trường đề nghị mua máy đo thân nhiệt từ xa để kiểm tra sức khoẻ học sinh như một số trường tại TP.HCM đã làm, trong khi chiếc máy này rẻ nhất cũng phải có giá từ 600 triệu đồng. “Mỗi trường có trên dưới 1.000 học sinh nên khó có thể giám sát bằng cách đo thân nhiệt. Nhiều trường hợp mang mầm bệnh nhưng không sốt nên việc tầm soát nhiệt độ cơ thể bằng máy đo thân nhiệt chưa chắc đã phát hiện được hết các ca bệnh”- bác sĩ Nguyễn Văn Cường, PGĐ Sở Y tế cho biết.

Được biết, cùng với nhiệm vụ triển khai năm học mới 2009-2010, Sở GD-ĐT Tây Ninh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm A/H1N1 các cấp. Ngay khi có thông tin trường học đầu tiên trong tỉnh có học sinh nhiễm cúm A/H1N1, Sở Giáo – Đào tạo đã có cuộc họp khẩn cấp, nhắc lại công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong các trường học. Theo đó, việc rà soát, kiểm

Xe cấp cứu túc trực chuẩn bị đưa học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa nhiễm cúm A/H1N1 đến bệnh viện điều trị

tra cơ sở vật chất y tế, các điều kiện vệ sinh… theo hướng dẫn của ngành y tế phải được tiến hành khẩn trương. Đặc biệt, việc tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cũng đã được ngành chú trọng hơn trước.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, đối với học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ nhân viên công tác tại trường học cần thiết chủ động theo dõi sức khoẻ hằng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, đau họng…) thì không đến trường, đồng thời thông báo cho ban giám hiệu nhà trường và y tế địa phương để được tư vấn; nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở trường học thì chủ động cách ly vào phòng riêng, thông báo cho ban giám hiệu, y tế trường học để xử lý kịp thời, tránh lây lan.

Điều khó khăn hiện nay chính là việc giám sát và phát hiện dịch sớm để cách ly điều trị. Ý thức phòng chống dịch cúm A/H1N1 ở người dân nói chung, học sinh nói riêng vẫn chưa trở thành thói quen thường xuyên. Bởi vậy, không chỉ có ngành Y tế và Giáo dục có trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch, mà đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, cộng đồng và mỗi gia đình phụ huynh học sinh.

B.T