Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Xu Yuting (18 tuổi, ở Chiết Giang) ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào đại học từ đầu năm 2020, nhưng dịch nCoV khiến em thay đổi kế hoạch.
Trường học đóng cửa, Xu cùng nhiều bạn bè khác quyết định tham gia chương trình học trực tuyến. Sau một tuần sử dụng, nữ sinh nhận xét các khóa học trực tuyến mang lại nhiều ích lợi. Trước đây, Xu phải dậy từ 5h30 để đến trường nhưng nhờ khóa học trực tuyến, em có thể ngủ thêm 2 tiếng mỗi sáng. "Tôi thích học trực tuyến vì có thêm thời gian rảnh ở nhà", Xu nói.
Ngày 30/1, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành thông báo khuyến khích các trường sử dụng Internet như phương pháp giảng dạy thay thế trong mùa dịch. Bộ dự kiến ra mắt chương trình giáo dục trực tuyến quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ đám mây vào ngày 17/2. Dự án sẽ cung cấp đầy đủ tài liệu giảng dạy, khóa học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.
Với quyết định của Bộ Giáo dục, các trường học truyền thống sẽ dạy học trực tuyến đến giữa tháng 2 hoặc đầu tháng 3, trước khi học sinh được phép quay trở lại trường.
Xinhua thông tin, đến ngày 2/2, hơn 220 văn phòng giáo dục trên 20 tỉnh tại Trung Quốc, bao gồm 20.000 trường tiểu học, trung học và 12 triệu học sinh đã sử dụng ứng dụng tin nhắn Ding Talk do tập đoàn Alibaba xây dựng để dạy và học trực tuyến.
Zhao Chuanliang, giáo viên Vật lý tại một trường trung học ở thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, Trung Quốc dạy học trực tuyến vào ngày 2/2. Ảnh: Xinhua.
Là giáo viên trung học làm việc tại thành phố Thành Đô, Jessie Xie (24 tuổi) nhận xét hiện tại giáo viên không còn cách nào khác ngoài việc tiếp cận giáo dục trực tuyến. "Tôi phải học các kỹ năng mới như nói tự nhiên trước máy ảnh, dùng các phần mềm kỹ thuật số để thuyết trình và thu hút học sinh bằng việc bình luận trực tuyến", cô nói thêm.
Cuối tháng 1, trường của Jessie tổ chức hướng dẫn giáo viên sử dụng Dingtalk. Tuy nhiên, nhiều giáo viên lớn tuổi vẫn chưa hiểu rõ cách dùng phần mềm này do không thường xuyên sử dụng thiết bị công nghệ.
Sự bùng phát của dịch bệnh nCoV đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường giáo dục trực tuyến Trung Quốc. Theo tổ chức iResearch Consulting, giáo dục trực tuyến tại quốc gia này đã tăng thêm 25,7% so với năm 2018, thu về 251,7 tỷ nhân dân tệ (35,9 tỷ USD). Các chuyên gia dự báo rằng con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong vòng ba năm tới.
Tuy nhiên, học sinh và giáo viên nhận xét giáo dục trực tuyến có nhiều điểm yếu so với giáo dục truyền thống. Xu cho biết học truyền thống mặt đối mặt giúp nữ sinh có động lực mạnh mẽ hơn vì chứng kiến các bạn khác trong lớp học tập chăm chỉ. "Khi học trực tuyến, không thể biết động thái của các bạn xung quanh, tôi có phần lơ là hơn", nữ sinh nói.
Tương tự với giáo viên, Jessie giải thích khi giảng dạy truyền thống, cô có thể thấy học sinh ghi chép và sửa chữa lỗi sai của học sinh ngay lập tức nhưng không thể làm vậy với giáo dục trực tuyến. Cô đánh giá sự tương tác giữa học sinh và giáo viên trong cách học trực tuyến gần như là con số không.
Cùng với sự vào cuộc của các trường học truyền thống, các tổ chức giáo dục trực tuyến đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ dịch bệnh và thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh.
Công ty giảng dạy trực tuyến TAL Education thông báo tặng khóa học trực tuyến miễn phí cho khách hàng đăng nhập bằng tài khoản Weibo. VIPKID, tổ chức giáo dục tiếng Anh trực tuyến, cho biết sẽ cung cấp 1,5 triệu khóa học miễn phí dành cho trẻ em 4-12 tuổi.
Phát ngôn viên của VIPKID nói: "Sự gia tăng người dùng như hiện nay đặt các tổ chức giáo dục trực tuyến vào thách thức phải đánh bóng nội dung, kỹ thuật giảng dạy, cải thiện trải nghiệm người dùng và hiệu quả của việc học".
Nguồn VNE (Theo SCMP)