BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dịch SARS năm 2003 tàn phá nền kinh tế Trung Quốc như thế nào 

Cập nhật ngày: 12/02/2020 - 09:10

Virus corona đang hoành hành tại Trung Quốc cùng họ với SARS, loại virus gây náo động quốc gia 1,4 tỷ dân và khiến kinh tế nước này thiệt hại nặng nề hồi năm 2003.

Virus corona mới - bùng phát từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) - thường được so sánh với SARS, virus xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông vào tháng 11/2002 trước khi lan rộng và trở thành đại dịch toàn cầu.

Giới đầu tư và phân tích quốc tế thường so sánh hai loại virus này khi đánh giá tác động và ảnh hưởng của virus corona đối với nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu. Tính đến nay, số người thiệt mạng vì virus corona đã vượt qua 1.000, nhiều hơn so với số nạn nhân dịch SARS.

Thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn virus corona lây lan. Đó là lý do khiến nhiều nhà kinh tế cho rằng virus Vũ Hán sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu nghiêm trọng hơn SARS.

Dịch virus corona đang khiến nền kinh tế Trung Quốc lao đao. Ảnh: Reuters.

Tăng trưởng hạ nhiệt

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các hoạt động kinh tế bị gián đoạn trong dịch SARS cách đây 17 năm trước đã kéo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 11,1% trong quý I năm 2003 xuống 9,1% trong 3 tháng sau đó.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc - khi đó đạt quy mô lớn thứ 6 trên thế giới - nhanh chóng hồi phục trong các quý tiếp theo và đạt tốc độ tăng trưởng năm 10%, cao hơn mức 9,1% của năm 2002. Dù vậy, một số nghiên cứu cho thấy GDP Trung Quốc năm 2003 có thể cao hơn 0,5-1% nếu dịch SARS không nổ ra.

Đối với cuộc khủng hoảng năm 2020, một số nhà kinh tế cho rằng dịch virus corona chủ yếu ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng trong quý I của Trung Quốc. Nhiều ngân hàng và tổ chức nghiên cứu hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc xuống 5%.

Doanh số bán lẻ giảm mạnh

Ngành bán lẻ của Trung Quốc là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch SARS. Theo Refinitiv, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ đạt mức 4,3% trong tháng 5 năm 2003, con số thấp nhất trong lịch sử.

Thành phố Vũ Hán vắng tanh khi trở thành tâm chấn của dịch bệnh. Ảnh: NYT.

Các nhà phân tích nhận định ngành bán lẻ cũng sẽ chịu nhiều tổn thất từ dịch virus Vũ Hán, đặc biệt sau khi chính phủ Trung Quốc phong tỏa hàng loạt thành phố ở tỉnh Hồ Bắc và hạn chế việc đi lại trong nước.

Dù vậy, nhìn từ dịch SARS, các nhà kinh tế dự báo doanh số bán lẻ ở Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi dịch virus corona được xử lý. Người tiêu dùng Trung Quốc khi được "tự do" sẽ sẵn sàng chi tiêu.

Sản lượng công nghiệp sụt giảm

Ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch SARS, mức tăng trưởng sản xuất giảm xuống còn 13,7% trong tháng 5-2003. Đây là mức tăng chậm nhất trong cả năm 2003, theo dữ liệu của Refinitiv.

Theo các nhà phân tích, ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ bị tổn thất nghiêm trọng hơn bởi dịch virus Vũ Hán đang diễn biến rất phức tạp. Hiện, hàng loạt thành phố lớn ở Trung Quốc, bao gồm nhiều trung tâm sản xuất, vẫn đang bị phong tỏa, nhà máy ngừng sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Nhiều hãng sản xuất ôtô đã đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc do lo sợ dịch bệnh lây lan. Ảnh: WSJ.

Các nhà kinh tế thuộc ngân hàng Pháp Societe Generale dự đoán dịch virus corona sẽ được kiểm soát trong quý I. Có vậy, các nhà máy mới mở cửa trở lại để đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng. Tuy nhiên, tình hình ở Trung Quốc có thể sẽ không diễn biến thuận lợi như vậy.

Hoạt động ngoại thương

Sau khi dịch SARS bùng phát, nhập khẩu của Trung Quốc chậm lại, nhưng xuất khẩu tăng trưởng mạnh và ổn định trong suốt năm 2003. Nền kinh tế toàn cầu bước ra khỏi cuộc suy thoái 2001-2002 và nhu cầu hàng hóa Trung Quốc tăng vọt.

Ngân hàng Australia Macquarie nhận định đây là lý do giúp nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng phục hồi sau dịch SARS.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế thuộc S&P Global Raitings nhận định cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong năm nay bởi dịch virus Vũ Hán làm gián đoạn chuỗi cung ứng và mạng lưới hậu cần.

Nguồn Zing