Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Những ngày gần đây, số ca mắc sởi ở người lớn và trẻ em có tăng đột biến, nguy hiểm nhất là ở phụ nữ có thai, những bệnh nhân có bệnh khác, dễ gây biến chứng nặng. Các chuyên gia dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán thời tiết diễn biến bất thường, nhu cầu đi lại của người dân gia tăng... là điều kiện thuận lợi khiến bệnh sởi có thể lây lan, bùng phát.
Dịch tăng mạnh ở 2 miền Bắc - Nam
Từ đầu năm 2019 tới nay, gần như ngày nào Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện (BV) Bạch Mai cũng tiếp nhận một vài trường hợp mắc sởi nhập viện điều trị. TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết nếu trong năm 2018, số ca mắc bệnh sởi rải rác từ đầu năm tới cuối năm chỉ khoảng 50 trường hợp, thì trong vòng 2 tuần qua, số bệnh nhân mắc sởi có chiều hướng tăng cao, từ 5 - 7 trường hợp/tuần, rải rác tại các địa bàn của Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang; đối tượng mắc chủ yếu là nữ giới trong độ tuổi 25 - 40. Thậm chí, trong số các trường hợp mắc sởi đang điều trị có cả những bệnh nhân đang mang thai và đều không tiêm ngừa vaccine.
“Sở dĩ các trường hợp bệnh nhân sởi nằm tại khoa đa số là nữ và mang thai vì bệnh sởi gây sốt rất cao, khiến người mẹ có nguy cơ suy giảm hệ miễn dịch dẫn tới bội nhiễm (ngoài bệnh sởi, người bệnh còn nhiễm thêm một hay nhiều vi trùng, vi khuẩn hay virus khác gây thêm bệnh), khả năng sinh non cao.
Vì vậy, bắt buộc phải điều trị nội trú để kịp thời xử lý các biến chứng có thể xảy ra. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu đến từ cộng đồng, người này lây bệnh cho người kia qua tiếp xúc giữa người mắc bệnh với người lành”, TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm.
Tại BV Bệnh nhiệt đới, theo bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, từ đầu năm đến nay BV ghi nhận 65 ca sởi nhập viện, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Dự báo, số bệnh nhân nhập viện do bệnh sởi chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Tháng 1 lẽ ra là “cuối mùa sởi” nhưng hiện tại trẻ em, người lớn, thai phụ đang phải nhập viện hàng loạt vì bệnh sởi gia tăng. Người lớn thường chủ quan trong lúc chăm con nên cuối cùng nhập viện cùng con mình. Vừa qua, BV Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 3 gia đình (3 - 4 người trong một nhà) lây bệnh sởi cho nhau rồi vào đây điều trị”, bác sĩ Hoa thông tin.
Bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: THÀNH AN
Còn BV Nhi đồng 2 cũng đang điều trị cho 61 ca mắc sởi, trong đó có 5 ca đang phải thở ôxy. Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, cho biết bệnh nhi nhập viện tại đây chủ yếu đến từ tỉnh phía Nam (chiếm 70%). Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất chỉ 3 - 4 tháng tuổi và hầu hết đều có bệnh nền như tim mạch, bại não, động kinh…
Chủ động phòng ngừa
Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2019, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận sự gia tăng mạnh cả 3 loại dịch bệnh ở trẻ là sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi. Một số dịch bệnh có số ca mắc tăng như sởi, tay chân miệng đều được khống chế kịp thời và không có bệnh nhân tử vong.
Cụ thể, trong tuần đầu tiên năm 2019, trên địa bàn thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 không ghi nhận ca nào. Hiện 24/24 quận, huyện đều phát hiện ca bệnh sởi; các quận có nhiều ca bệnh là quận 8, 12, Thủ Đức và Bình Tân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, các chuyên gia cho rằng sởi là căn bệnh lành tính, có thể chỉ cần điều trị tại tuyến cơ sở trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mắc một căn bệnh khác rồi sau đó mắc sởi, hoặc mắc sởi sau đó bị bội nhiễm, thì nhất định phải được điều trị nội trú tại BV.
Bởi căn bệnh kép sởi - bội nhiễm hoặc cũng mắc bệnh khác rất nguy hiểm, gây suy giảm hấp thu, giảm miễn dịch và có thể viêm não ở cả trẻ em lẫn người lớn. Trong trường hợp bệnh biến chứng nặng có thể gây tử vong và đây là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ tử vong trong dịch sởi năm 2014.
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, hiện nay có tình trạng một số người coi thường bệnh sởi, coi nhẹ việc tiêm phòng, hoặc khi mắc sởi thì không thực hiện cách ly mà tiếp tục sinh hoạt, giao tiếp bình thường với người xung quanh. Một số lại nghiêm trọng hóa căn bệnh, khi mắc sởi thì đòi nằm viện. Môi trường BV làm bệnh nhân bị bội nhiễm, lây chéo, khiến cho dịch sởi bùng phát khó kiểm soát.
“Người dân hãy bình tĩnh khi mắc sởi, nên tới khám tại các cơ sở y tế để nắm được tình trạng bệnh. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt chú ý cách ly để tránh lây bệnh. Nếu bệnh nhân đang mắc bệnh khác rồi sau đó mắc sởi, hoặc có cơ địa đặc biệt như người già hoặc phụ nữ có thai, bệnh nhân cần được đưa tới BV càng sớm càng tốt. Hơn nữa, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi là tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch, nhất là trẻ em và phụ nữ chuẩn bị mang thai”, bác sĩ Thúy Hoa khuyến cáo.
Cùng với dịch sởi đang có chiều hướng diễn ra phức tạp, Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có số mắc cao, hoặc gia tăng cục bộ tại một số địa phương, nhất là bệnh cúm A (H5N6) trên gia cầm vẫn ghi nhận rải rác tại một số địa phương.
Bên cạnh đó, thời tiết mùa xuân và sự gia tăng giao lưu đi lại trong dịp tết và mùa lễ hội là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.
Đối với tình hình dịch bệnh trên thế giới, Bộ Y tế cảnh báo các dịch nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông, bệnh sởi xảy ra tại nhiều quốc gia khu vực châu Âu, trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi; các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số quốc gia trong khu vực vào mùa xuân và xâm nhập vào nước ta.
Nguồn SGGPO