Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 29-11, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch tả heo châu Phi các tỉnh phía Nam nhằm cập nhật tình hình dịch bệnh đã, đang xảy ra tại các nước trên thế giới và đưa ra kinh nghiệm giám sát, phát hiện, phòng và chống dịch. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì.
Theo Cục Thú y, dịch tả heo châu Phi (ASF) đã lây lan khắp 20 tỉnh của Trung Quốc, trong đó có tỉnh nằm cách biên giới phía Bắc của Việt Nam khoảng 150km. Mặc dù, dịch tả châu Phi Chỉ mới phát hiện từ tháng 3-2018 ở các tỉnh giáp biên giới nước Nga, nhưng đến thời điểm này, Trung Quốc đã phát hiện 81 ổ dịch.
Cũng theo Cục Thú y, ASF có nguy cơ lây lan sang Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ, sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Ngoài ra, ASF có thể lây lan thông qua các hoạt động thương mại, du lịch do mang thực phẩm chế biến từ nước xảy ra dịch bệnh vào nước ta.
So sánh với dịch heo tai xanh, dịch tả cổ điển, thì ASF khả năng phục hồi trên con heo rất thấp, chỉ 5%; tuy không lây lan mạnh so với các dịch khác nhưng khả năng tồn tại rất lâu bất kể là heo con, heo lớn và tỷ lệ chết rất cao.
Cục Thú y có đã hệ thống xét nghiệm ASF
Theo Cục Thú y, khi ASF chưa lây lan vào Việt Nam thì giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là các trang trại chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi, phương tiện vận chuyển.
Đồng thời tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn heo để kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh.
Ngoài ra, cần tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển, tăng cường năng lực chuẩn đoán xét nghiệm… Song song đó, trang trại cần phải xét nghiệm an toàn sinh học, khoảng 2 tuần/lần và ứng phó với dịch bệnh.
Đặc biệt, hiện nay có thông tin ASF lây lan sang người là hoàn toàn không có, mà chỉ lây lan sang heo. Do đó, người tiêu dùng vẫn có thể sử dụng thịt heo bình thường.
Đồng thời, Việt Nam đã có máy xét nghiệm thử, text ASF, do đó, khi phát hiện, dịch ASF cần phải thông báo ngay cho cơ quan thú ý, chứ không mang heo ra thị trường tiêu thụ khiến dịch lây lan nhanh. Đối với các trang trại bị nhiễm ASF sẽ có hỗ trợ tài chính với trường hợp tiêu hủy heo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện tổng đàn heo trong cả nước là khoảng 2,7 triệu con, trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 55%. Hơn nữa, do hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa nên tốc độ dịch bệnh lây lân rất nhanh, nếu dịch bệnh bùng phát thì rất khó ngăn chặn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cũng cho biết, sau khi ASF bùng phát ở Trung Quốc, Bộ đã trực tiếp đi kiểm tra các vùng chăn nuôi heo, đồng thời tuyên truyền, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch.
Nguồn SGGPO