Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế
Thứ bảy: 00:25 ngày 03/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên thực tế, các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp vẫn còn khá rườm rà; nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, chưa tiếp cận được thông tin về các dịch vụ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.

Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thành Thành Công.

Tháng 5.2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, trong đó, chỉ số dịch vụ hỗ trợ (DVHT) doanh nghiệp của tỉnh đạt 4,95 điểm, giảm 1,32 điểm so với năm 2019, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố. Ðể cải thiện, nâng cao PCI, tỉnh phải đặc biệt quan tâm cải thiện chỉ số này, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn với các DVHT.

Chỉ số thành phần DVHT doanh nghiệp là một trong những công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động để phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm: xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu, cụm công nghiệp tại địa phương, dịch vụ giới thiệu việc làm...

Toàn tỉnh hiện có trên 6.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu DVHT doanh nghiệp được cung cấp thường xuyên, có chất lượng sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số PCI những năm qua, điểm chỉ số DVHT của tỉnh kể từ năm 2015 đến nay đều ở mức khá, thường tăng qua các năm (5,39; 5,53; 6,61; 6,69; 6,27- mức điểm từ năm 2015 đến 2019).

Tuy nhiên, năm 2020 chỉ số này giảm mạnh, khiến xếp hạng điểm chỉ số DVHT của tỉnh giảm đáng kể, từ hạng 30/63 tỉnh, thành phố năm 2019 xuống hạng 60/63 tỉnh thành phố năm 2020.

Phân tích các nguyên nhân khiến chỉ số này giảm, theo UBND tỉnh, con số thống kê của chỉ số PCI về tỷ lệ doanh nghiệp trả lời “cần phải có mối quan hệ để tiếp cận được tài liệu” cho thấy không gian cải cách vẫn còn rất lớn, còn đến 57,4% doanh nghiệp phản ánh cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được tài liệu của địa phương, từ đó làm ảnh hưởng đến chỉ số DVHT doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra PCI cho thấy chính quyền các địa phương cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận thông tin- nhất là tiếp cận văn bản quy hoạch cấp tỉnh (về đất đai, xây dựng…).

Ðể hỗ trợ doanh nghiệp, các sở, ban, ngành có liên quan đã cắt giảm một số thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế, các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp vẫn còn khá rườm rà; nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, chưa tiếp cận được thông tin về các dịch vụ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ gỗ (xin giấu tên) trên địa bàn thành phố Tây Ninh cho biết: từ khi hoạt động đến nay, doanh nghiệp chưa có cơ hội tiếp cận thông tin thị trường, các đối tác mới hay hoạt động xúc tiến thương mại trong tỉnh; doanh nghiệp tự tìm hiểu hoặc tìm kiếm thông tin trên mạng, website của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh.

Nhằm nâng cao thứ hạng chỉ số, trong đó có chỉ số DVHT doanh nghiệp các năm tiếp theo, mới đây, tỉnh đã ban hành Ðề án cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số PCI, PAPI,  PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, đối với chỉ số PCI, tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tập trung khắc phục những tiêu chí bị giảm điểm những năm gần đây, như: Chi phí không chính thức, DVHT doanh nghiệp bằng cách rút ngắn thực chất thời gian giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp; số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công khai, minh bạch thông tin mời thầu; cung cấp đầy đủ, nhanh chóng các thông tin cho doanh nghiệp khi có yêu cầu; tăng cường số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức; nâng cao hiệu quả đào tạo lao động và hỗ trợ các dịch vụ cần thiết cho doanh nghiệp hoạt động…

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức gặp gỡ, đối thoại để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các nội dung trong giải quyết thủ tục hành chính, những vấn đề không gấp thì phải chờ đợi đúng thời gian giải quyết theo quy định, xoá bỏ nhận thức về cơ chế “xin - cho”, “lót tay”… để được làm trước, làm sớm.

Mở rộng, đa dạng hoá các dịch vụ tại Trung tâm Hành chính công; xây dựng Trung tâm Hành chính công tỉnh hiện đại; xây dựng cơ chế quản lý, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Mở rộng các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, tố cáo trong giải quyết các thủ tục đầu tư; xây dựng ứng dụng di động phục vụ lãnh đạo (app di động) để theo dõi, giám sát, hỗ trợ xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính kể từ lúc nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư đến khi cấp chủ trương đầu tư; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng...

Tại đề án này, tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành để tháo gỡ điểm nghẽn tồn tại từ những năm trước, đặc biệt là về đầu tư, đất đai và xây dựng.

Vũ Nguyệt

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục