Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Điểm bán hàng Việt Nam - Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt
Thứ sáu: 05:33 ngày 30/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mô hình “Ðiểm bán hàng Việt Nam” được xây dựng và đưa vào hoạt động đã góp phần giới thiệu hàng hoá mang thương hiệu Việt Nam đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Người tiêu dùng mua sắm tại Điểm bán hàng Việt Ngọc Ngân.
Thay đổi thói quen tiêu dùng

Theo Sở Công Thương, mô hình “Ðiểm bán hàng Việt Nam” thời gian qua đã đạt một số kết quả cụ thể như: sản lượng tiêu thụ hàng hoá, doanh thu của doanh nghiệp tăng đáng kể, người dân nhận diện và biết đến các loại hàng hoá do Việt Nam sản xuất, đồng thời tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm do Việt Nam sản xuất nhiều hơn đến người tiêu dùng trong và ngoài địa phương. Ðặc biệt mô hình còn có nhiều ưu đãi thiết thực cho đối tượng công nhân, người lao động, từ đó hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam cho người tiêu dùng.

Bà Lữ Thị Thảo Giang- chủ cửa hàng bán hàng Việt Nam Ngọc Ngân (ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Xây dựng điểm bán hàng Việt Nam, tôi được hỗ trợ thêm một số trang thiết bị phục vụ trưng bày cửa hàng như: bảng hiệu “Ðiểm bán hàng Việt Nam”; bảng hiệu “Tự hào hàng Việt Nam”; kệ trưng bày sản phẩm; tủ trưng bày; giá trưng bày sản phẩm… giúp cửa hàng có điểm bán hàng rộng rãi, hàng hoá phong phú, thuận tiện cho người tiêu dùng lựa chọn.

Hiện nay, cửa hàng có hơn 90% hàng hoá là hàng Việt Nam có thương hiệu, nhãn hiệu. Chúng tôi cam kết tuyệt đối không chạy theo lợi nhuận để nhập bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Từ khi trở thành điểm bán hàng Việt Nam, người tiêu dùng ghé mua hàng tại cửa hàng nhiều hơn trước”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, người dân ấp Xóm Ruộng cho biết: “Tôi thường đến cửa hàng Ngọc Ngân để mua hàng tiêu dùng vì hàng hoá nơi đây chất lượng bảo đảm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cửa hàng bài trí đẹp mắt, ngăn nắp, khoa học và phong cách bán hàng văn minh, lịch sự. Thường thì tôi ưu tiên lựa chọn các mặt hàng của Việt Nam sản xuất vì hàng chất lượng mà giá cả hợp lý”.

Ông Ngô Thanh Tùng- chủ cửa hàng bán hàng Việt Nam Cẩm Chu (ấp Bình Hoà, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) cho biết, nhu cầu tiêu thụ hàng Việt trong thời gian qua ở địa phương tăng cao, nhất là sau những tác động của dịch bệnh Covid-19. Ðiểm bán hàng này được triển khai góp phần giúp cho người dân có điều kiện mua sắm hàng tiêu dùng, thực phẩm khô, gia vị, hàng thiết yếu… phần lớn là hàng hoá sản xuất trong nước.

Ông Tùng chia sẻ: “Hàng Việt ngày càng được nhiều người ưu chuộng. Tôi cũng thường xuyên mua hàng Việt. Sau khi được hỗ trợ phát triển điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam, gia đình tôi rất phấn khởi”.

Tại các điểm bán này, hàng hoá được sắp xếp khoa học, ngăn nắp. Chủng loại hàng hoá bày bán tại cửa hàng chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Tiếp tục xây dựng mô hình Ðiểm bán hàng Việt Nam

Theo Sở Công Thương, qua nhiều năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng trong tỉnh nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hàng hoá mang thương hiệu Việt, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp sản xuất trong nước nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, nâng cao sức cạnh tranh.

Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, hình thành được các kênh phân phối hàng Việt đến tay người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ thống phân phối hàng Việt chưa được quan tâm đúng mức và thiếu tính bền vững, người tiêu dùng khó phân biệt giữa hàng Việt chất lượng với các hàng hoá trôi nổi trên thị trường. Sở Công Thương tiếp tục xây dựng mô hình về điểm bán hàng Việt tại các cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023 thuộc chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững trên địa bàn hai huyện Bến Cầu và Tân Biên với tổng kinh phí thực hiện là gần 200 triệu đồng/2 điểm.

Thông qua các điểm bán hàng Việt, các doanh nghiệp cũng như thương nhân phân phối hàng Việt sẽ góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ðồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tổ chức kênh phân phối hàng hoá từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng trong tỉnh, nhất là các vùng nông thôn. Qua đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất trong nước giới thiệu sản phẩm tiếp cận với thị trường và cung cấp những mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng.

Xây dựng mô hình Ðiểm bán hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt” giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam; Ðẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối tạo điều kiện đưa các hàng hoá thiết yếu là hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân.

Ðiểm bán hàng Việt cố định góp phần mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận được nhiều mặt hàng Việt phong phú với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. Góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Cùng với việc bán hàng, các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc lựa chọn hàng Việt Nam. Hình thành thói quen mua sắm, sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng thêm cơ hội kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

Ðồng thời, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh không để xảy ra tình trạng đưa những mặt hàng kém chất lượng vào bán trà trộn với hàng chính hãng trục lợi, gây mất niềm tin trong người dân.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục