Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nét hấp dẫn của Bảo tàng tỉnh Lào Cai không chỉ bởi vẻ khang trang, bề thế, nằm tại vị trí đẹp trên đường 30 tháng 4 thuộc phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai), mà là hơn 1.400 tư liệu và hiện vật được lưu trữ, trưng bày tại đây.
Đoàn cán bộ Cục Giám sát châu Hồng Hà (Vân Nam - Trung Quốc) thăm Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Bên cạnh công tác lưu trữ, các tài liệu, hiện vật (trong đó có hơn 4.600 hiện vật thể khối) được trưng bày trong hơn 8.000 m2 không gian bảo tàng thu hút du khách tham quan. Nhiều hiện vật có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học, trong đó một số hiện vật đã được lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia, như mặt trống đồng Pha Long, súng thần công Trung Đô... Trong số những hiện vật thể khối, có nhiều hiện vật từ thời cổ sinh học, thời đồ đá, đồ đồng; có cả đồ gốm, sứ, mộc, mây tre đan và những hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới; giai đoạn từ khi tỉnh Lào Cai được tái lập (năm 1991) đến nay… Ví dụ như bộ công cụ đá Sơn Vi (được tìm thấy ở thành phố Lào Cai và tại xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) có niên đại cách đây hơn 3 vạn năm; hoặc bộ trống đồng Đông Sơn thuộc nền văn hóa Đông Sơn được phát hiện năm 1994 tại Kim Tân, Bắc Cường (thành phố Lào Cai). Rồi bộ sưu tập chuông đồng cũng thuộc nền văn hóa Đông Sơn; bộ sưu tập xương động vật hóa thạch… Các tư liệu, hiện vật đó thêm một lần nữa khẳng định mảnh đất Lào Cai từ xa xưa đã là nơi giao thương nhộn nhịp, hoạt động kinh tế, văn hóa sôi động.
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn trưng bày nhiều loại hình hiện vật dân tộc học được sắp xếp theo các tổ hợp, như trưng bày công cụ sản xuất, mô phỏng các nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng, đồ dùng sinh hoạt gia đình, đồ truyền thống... của dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Giáy, Bố Y... ở Lào Cai. Đặc biệt, còn có hàng trăm hình ảnh tạo nên bức tranh tổng quát về tiềm năng và lợi thế của tỉnh Lào Cai; thành tựu đạt được sau 25 năm tái lập; mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
Kể từ khi chuyển nhà trưng bày về vị trí như hiện nay (tháng 9/2016), Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã đón hơn 15.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có rất nhiều học sinh, sinh viên các trường phổ thông, trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Du khách đến đây đều được đón tiếp, hướng dẫn tận tình bởi đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên được đào tạo bài bản. Bảo tàng tỉnh còn đang triển khai chương trình hợp tác với Vùng Nouvelle - Aquitaine (Pháp) về nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động, trong đó có công tác trưng bày cố định. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh cũng xây dựng phương án để tổ chức trưng bày ngoài trời tại khuôn viên với không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc: Hà Nhì, Mông, Dao… để vừa giới thiệu khái quát những nét đặc trưng, tinh túy nhất trong đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa, tín ngưỡng… của những dân tộc chủ yếu ở Lào Cai, vừa bổ trợ hữu hiệu cho công tác trưng bày, tuyên truyền, kết nối các tua, tuyến du lịch trong tỉnh.
Theo chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, Bảo tàng tỉnh được coi là một trong những địa danh tham quan, thông qua đó giới thiệu với du khách về bề dày lịch sử, tầm vóc văn hóa của cộng đồng 25 dân tộc đã và đang gắn bó lâu đời ở vùng đất biên cương của Tổ quốc...
Nguồn baolaocai