BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh:

Điểm sáng thu hút đầu tư FDI

Cập nhật ngày: 27/01/2016 - 02:03

Công nhân nhà máy sợi ở KCN Phước Đông (Ảnh: Hoàng Anh)

Trong những năm qua, Tây Ninh đã thực hiện nhiều chính sách “trải thảm đỏ” để mời gọi, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (gọi tắt là FDI) đến với tỉnh nhà. Thực tế cho thấy, số lượng các nhà đầu tư FDI vào Tây Ninh năm sau thường cao hơn năm trước. Có thể nói, Tây Ninh đang dần trở thành “vùng đất hứa” trong lĩnh vực thu hút dòng vốn FDI, tính đến nay, đã vượt hơn 3.137 triệu USD. Cộng với dòng vốn đầu tư trong nước (12.575 tỷ đồng), Tây Ninh đã trở thành một trong những địa phương có vốn thu hút đầu tư lớn của cả nước.

Những con số khả quan

Tây Ninh có 7 khu công nghiệp (KCN) nằm trong danh mục quy hoạch KCN Việt Nam đến 2020 đã được Trung ương phê duyệt. 5 KCN hiện đang hoạt động bao gồm: Trảng Bàng, Linh Trung 3, Thành Thành Công, Phước Đông và Chà Là. Tổng diện tích đất quy hoạch là 3.384 ha, đã giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng diện tích 2.209 ha. Đất công nghiệp có thể cho thuê là 1.445 ha, đến nay đã cho thuê 790,09 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 54,6%.

Thời gian qua, với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Tây Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư đã được cấp phép có thể nhanh chóng đi vào hoạt động. Nhờ vậy, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đạt được một số thành quả đáng kể.

Đến cuối năm 2015, tại các KCN, KCX, KKT trên địa bàn tỉnh có 267 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực (trong đó: 174 dự án FDI, 93 dự án trong nước) với số vốn đăng ký đầu tư đạt 3.137 triệu USD và 12.575 tỷ đồng (tương đương 3.836 triệu USD), 183 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều dự án lớn đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho số đông lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Nếu như năm 2011 số lượng lao động trong nước làm việc tại các KKT, KCN là 49.996 người, thì đến năm 2015 con số này đã tăng lên gấp đôi với 100.245 người- chiếm khoảng 43% so với tổng số lao động toàn tỉnh (235.112 người).

Hoạt động sản xuất công nghiệp đạt hiệu quả cao đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Doanh thu sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT tăng liên tục trong thời gian qua, trong đó doanh thu năm 2015 là 1.641 triệu USD- tăng gấp đôi năm 2013; đóng góp ngân sách Nhà nước cũng tăng gấp đôi liên tục từ năm 2013 trở đi; kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là 1.871 triệu USD, chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Để đạt được những kết quả như trên, thời gian qua, Ban Quản lý KKT tỉnh Tây Ninh (Ban Quản lý KKT) luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp đầu tư yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh và gắn bó lâu dài với Tây Ninh, tăng cường mối quan hệ hợp tác thân thiện giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý Nhà nước. Song song đó, công tác xúc tiến đầu tư cũng luôn được chú trọng, thay đổi theo hướng tích cực và chủ động. Cụ thể là từ hình thức xúc tiến đầu tư “tại chỗ”, Ban Quản lý KKT tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai và hoạt động của dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời cung cấp những dịch vụ công tốt nhất, đồng hành xuyên suốt cùng doanh nghiệp, qua đó hình thành các doanh nghiệp đầu mối để kêu gọi các nhà đầu tư mới. BQL KKT cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn ở nước ngoài đã và đang đầu tư thành công tại Tây Ninh tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài nhằm chủ động tìm kiếm, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh nhà. Trong năm 2015, Tây Ninh đã tổ chức thành công 2 chương trình xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc và Hàn Quốc, bước đầu đạt được những kết quả khả quan và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn.

Trong giai đoạn 2005-2010, tổng vốn thu hút đầu tư FDI mỗi năm của Tây Ninh trung bình chỉ đạt khoảng 100 triệu USD. Sang giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm đạt khoảng 500 triệu USD (tăng gấp 5 lần). Riêng năm 2015, nguồn vốn thu hút FDI đã là 628,3 triệu USD. Chất lượng dự án được cải thiện theo hướng công nghệ tiến bộ, sử dụng nhiều máy móc thiết bị, giảm gia công, giá trị gia tăng cao. Bình quân vốn trên dự án tăng nhanh, nếu năm 2011 chỉ 6,7 triệu USD/dự án, năm 2015 tăng lên 15,5 triệu USD/dự án.

Thực hiện chủ trương đón đầu TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương)- một hiệp định thoả thuận thương mại tự do giữa các nước với mục đích hội nhập các nền kinh tế trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Tây Ninh đã chủ động hình thành các phân khu công nghiệp phụ trợ, thu hút được các dự án hàng đầu trong ngành với quy mô hàng trăm triệu USD như các công ty Brotex, Gain Lucky, Ilsin, Sailun, Firsteam... 

Đường vào khu công nghiệp Phước Đông (Ảnh: Hoàng Anh)

Hướng đến chất lượng và bền vững

Trong thời gian tới, Tây Ninh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đào tạo nhân lực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời tỉnh cũng cần đẩy mạnh quảng bá xúc tiến đầu tư ở nước ngoài để chủ động đón đầu TPP, khi  dòng đầu tư FDI vào Việt Nam gia tăng.

Ngoài ra, có một số vấn đề chính cần quan tâm trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Thứ nhất là rà soát, sửa đổi,  bổ sung và triển khai áp dụng có hiệu quả hệ thống chính sách, quy định mới về đầu tư, kinh doanh để mang cơ hội đến tận tay các nhà đầu tư; tiếp tục rà soát rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục so với quy định hiện hành, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục qua mạng, cung cấp hướng dẫn thủ tục rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận. Việc thực hiện cơ chế liên thông cấp chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh giữa Ban Quản lý KKT và Sở Kế hoạch- Đầu tư cần thực hiện sớm nhằm tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện nội lực để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, trung tâm thương mại, khu vui chơi thể thao và nhà ở cho người lao động cũng như chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt là cần tiếp tục nâng cấp, cải tạo quốc lộ, tỉnh lộ kết nối với các KCN, các cảng thuỷ nội địa, nhất là tuyến giao thông kết nối KCN Phước Đông và cảng Thanh Phước.

Thứ ba, có những chính sách tốt huy động nhân lực về KCN thông qua việc tạo nhu cầu tốt, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập, chỗ ở cho người lao động; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có tác phong lao động kỷ luật, làm việc năng động và hiệu quả.

KIỀU CÔNG MINH

Các doanh nghiệp hiện đang hoạt động như Pou Hung, Pou Li, Việt Nam- Mộc Bài tiếp tục điều chỉnh tăng vốn phát triển sản xuất. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy các nhà đầu tư đang hoạt động tại các KCN, KCX, KKT đã tin tưởng, đánh giá cao về triển vọng đầu tư và an tâm tiếp tục làm ăn tại Tây Ninh. Điều đó góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế địa phương.