Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Xếp hạng của Economist là một tín hiệu đáng lạc quan. Việt Nam cần thể hiện cho nhà đầu tư nước ngoài thấy đây không chỉ là điểm đến an toàn mà còn đang chuyển mình cải cách nhanh.
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn
Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn từng nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy đầu tư tài chính và kinh tế học về thông tin và hành vi ở Anh, cũng như Việt Nam. Ông là cộng tác viên của nhiều báo và tạp chí ở Việt Nam với các bài viết đề cập vấn đề kinh tế, xã hội.
Làn sóng vỡ nợ quốc gia ở các thị trường mới nổi có vẻ đang bắt đầu được kích hoạt. Martin Guzman, bộ trưởng kinh tế 37 tuổi của Argentina vừa tuyên bố nước này đang sẵn sàng chấp nhận tuyên bố vỡ nợ với khoản nợ nước ngoài 65 tỷ USD nếu các chủ nợ tư nhân không đồng ý thương lượng giảm nợ. Nếu trước ngày 22/5 mà nước này không tái cấu trúc được các khoản nợ, họ sẽ chính thức vỡ nợ quốc gia. Đây sẽ là lần thứ 9 nước này vỡ nợ quốc gia.
CUỘC CẠNH TRANH CỦA CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI
Argentina không phải là quốc gia duy nhất đứng trước nguy cơ không thể trả được nợ vay nước ngoài trong bối cảnh hiện tại.
Tờ Economist vừa công bố một bảng xếp hạng 66 nền kinh tế mới nổi về độ an toàn tài chính. Bốn thước đo dùng để xếp hạng là nợ công/GDP, nợ nước ngoài (cả nợ công và nợ tư), chi phí vay nợ, và dự trữ ngoại hối dùng để trả nợ.
Trong bảng xếp hạng này, Argentina xếp hạng 57, gần chót bảng. Đứng cuối bảng là Venezuela và Lebanon, hai nền kinh tế đã đánh vật với khó khăn từ nhiều năm qua và đồng tiền đang ở trạng thái rớt giá mạnh so với USD và lạm phát thì tăng tương ứng.
Trong khi đó, ở thái cực ngược với tình hình bi đát của Venezuela và Lebanon, khối châu Á có nhiều nền kinh tế xếp đầu bảng, thể hiện tình hình tài chính họ vẫn an toàn. Đó là những nền kinh tế như Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Bangladesh và Trung Quốc, mặc dù nợ công của Trung Quốc có tương đối cao. Việt Nam xếp hạng 12, chỉ thấp hơn Trung Quốc 2 hạng nhưng tỏ ra khá cân bằng ở hầu hết chỉ tiêu.
Đây là một tín hiệu đáng lạc quan cho thấy Việt Nam đang ở một trạng thái rất an toàn và ổn định về mặt an ninh tài chính vĩ mô. Chúng ta nằm trong tốp 15 nước an toàn nhất trong số 66 thị trường mới nổi được xếp hạng. Trong bối cảnh vốn nước ngoài đang rút ròng ra khỏi thị trường mới nổi với tốc độ kỷ lục theo báo cáo của Institute of International Finance (IIF), chỉ riêng trong tháng 3/2020, có hơn 80 tỷ USD rút ra khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu và cổ phiếu thị trường mới nổi. Điều này không lạ gì với giới đầu tư cổ phiếu ở Việt Nam khi chứng kiến tình trạng bán ròng của khối ngoại trong nhiều tuần liên tiếp.
Việt Nam cần thể hiện cho nhà đầu tư nước ngoài thấy đây không chỉ là điểm đến an toàn mà còn đang chuyển mình cải cách rất nhanh.
Tuy nhiên, IIF dự đoán rằng dòng vốn quốc tế sẽ quay lại thị trường mới nổi từ quý 3 năm nay và vốn đầu tư FDI sẽ không giảm quá nhiều so với các dòng vốn đầu tư gián tiếp khác. Gần đây, quan hệ Mỹ - Trung Quốc lại đang căng thẳng trên nhiều phương diện, bao gồm việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc che giấu tình trạng nghiêm trọng của coronavirus, nghi ngờ nguồn gốc virus, cũng như những hành động “không đẹp” của nước này trong các tranh chấp trên biển.
Tổng thống Mỹ Trump đang thúc đẩy các công ty Mỹ chuyển các công đoạn trong chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn và nhiều nước khác đang đi theo xu hướng này.
Đây là một cơ hội tốt cho Việt Nam với hy vọng đón dòng vốn dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc này. Mặc dù vậy, Việt Nam còn những trở ngại như nỗi lo thiếu điện, nhân lực và công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu của các công ty FDI, cũng như những trở ngại về chi phí kho vận, đặc biệt là chi phí vận tải đường bộ quá cao.
Để không lỡ mất cơ hội lần này, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và rà soát lại các điều kiện kinh doanh, quy định lạc hậu để đẩy nhanh cải cách, thể hiện cho nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn mà còn đang chuyển mình cải cách rất nhanh.
Xếp hạng các thị trường mới nổi theo 4 thước đo về độ an toàn tài chính.
SỨC ÉP TỶ GIÁ
Bảng xếp hạng thị trường an toàn tài chính thị trường mới nổi còn chỉ ra một vấn đề khác mà Việt Nam sẽ sớm phải đối mặt, đó là sức ép lên tỷ giá. Những đồng tiền của Venezuela, Lebanon, Argentina rớt giá đã đành, nhưng những đồng tiền của các nước ở nhóm có rủi ro trung bình về tài chính như Malaysia, Indonesia, Mexico và Brazil cũng đang trên đà sụt giảm.
Đầu tháng 5/2020, các tờ báo tài chính như Nikkei Asian Review và Financial Times đều lần lượt đăng bài về chuyện đồng tiền của các thị trường mới nổi đang giảm mạnh với tốc độ nhất trong vòng 5 năm qua. Các đồng tiền của những nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil và Mexico đều mất giá hơn 20%. Đồng tiền của nước láng giềng Indonesia mất giá khoảng 10% trong khi Malaysia mất giá cũng hơn 5%.
Điều này đặt ra một bài toán nan giải cho Việt Nam. Tỷ giá VND so với USD có tăng nhưng không ở mức 5-10% như hai nước láng giềng Indonesia hay Malaysia cũng như những đối thủ cạnh tranh khác.
Nhiều khả năng trong thời gian tới, nếu thương chiến Mỹ-Trung tái diễn, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng sẽ giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, sức ép lên tỷ giá VND so với USD sẽ không nhỏ.
Chúng ta đang nằm trong số điểm sáng giữa một bức tranh tương đối u ám của các thị trường mới nổi. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta cần chạy theo người ta để đồng nội tệ mình mất giá nhiều cả.
Câu chuyện tỷ giá năm nay của Việt Nam tương đối phức tạp. Một mặt, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam tăng chậm so với cùng kỳ 2019 (tính đến tháng 4/2020 thì giảm khoảng 15% so với năm trước) và dòng kiều hối có thể không còn dồi dào như năm ngoái do tình hình kinh tế khó khăn với người Việt trên toàn cầu. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam cũng bị sụt giảm mạnh kể từ cuối tháng 3 do ảnh hưởng của dịch bệnh và nhu cầu suy yếu của các thị trường chính. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2020 ước tính đạt 19,7 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước.
Liệu xuất khẩu có hồi phục lại hình chữ V hay chậm hơn là một câu hỏi khó và phụ thuộc nhiều vào sức cầu bên ngoài. Nhưng dù trong tình huống xấu thì nhiều khả năng sức ép khiến VND mất giá vẫn ít hơn nhiều nước láng giềng khác và khả năng đình lạm như xảy ra ở Lebanon là rất thấp.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa là đồng VND sẽ giảm giá ít hơn các đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh chính khác. Khi đó, lại sẽ có những đề nghị để VND giảm giá nhiều hơn để hỗ trợ xuất khẩu.
Trong bối cảnh hiện tại, tham gia vào cuộc chiến tiền tệ không có nhiều lợi ích cho Việt Nam, nhưng lại bỏ lỡ cơ hội ổn định vĩ mô nhằm chứng tỏ cho nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam là một nền kinh tế ổn định, đáng để bỏ tiền vào đầu tư dài hạn. Một đồng nội tệ ổn định cũng là mấu chốt quan trọng để tạo lập niềm tin của người dân vào việc giữ tiền đồng, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng trong chiều hướng đi xuống.
Nói vậy để thấy, trong bối cảnh chung của một cuộc chiến tiền tệ ở các thị trường mới nổi đang diễn tiến, Việt Nam đang ở một tình thế khác với nhiều nước đang gặp khó khăn khác.
Nói một cách nào đó, chúng ta đang nằm trong số điểm sáng giữa một bức tranh tương đối u ám của các thị trường mới nổi. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta cần chạy theo người ta để đồng nội tệ mình mất giá nhiều cả. Việt Nam không cần thiết phải giữ VND chỉ mất giá 2-3% so với USD một cách cứng nhắc và không cần bảo vệ biên độ đó bằng mọi giá.
Nhưng chúng ta cũng chẳng cần phải tham gia phá giá đồng tiền để cạnh tranh về giá nhằm đẩy xuất khẩu. Ổn định tiền tệ sẽ mang về nhiều lợi ích về mặt dòng vốn đầu tư hơn, nhất là trong bối cảnh hiện tại.
Nguồn Zing